Boeing – hàn thử biểu của kinh tế Mỹ lao đao

0
1250

Cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn đang vượt tầm kiểm soát, làm kinh tế đình trệ khắp toàn cầu. Và chỉ cần nhìn vào Boeing, người ta cũng biết sức khỏe của nền kinh tế Mỹ ra sao.

Boeing là nhà sản xuất lớn nhất của Mỹ. Hãng sử dụng hơn 100.000 lao động trực tiếp và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người khác thông qua chuỗi cung ứng gồm hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ khắp đất nước. Tuy nhiên, giá cổ phiếu Boeing đã giảm hơn 40% trong 5 ngày qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17/3 đã phát đi tín hiệu về việc cân nhắc cứu trợ mạnh mẽ cho hãng.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta phải bảo vệ Boeing”, ông Trump nói. “Rõ ràng, khi các hãng bay không kinh doanh tốt thì Boeing sẽ không hoạt động tốt”, ông tuyên bố.

Tối cùng ngày, công ty này cho biết họ ủng hộ gói cứu trợ của tổng thống dành cho ngành sản xuất máy bay. “Boeing ủng hộ việc được tiếp cận tối thiểu khoản vốn 60 tỷ USD, bao gồm bảo lãnh cho vay, đối với ngành công nghiệp hàng không vũ trụ”, Boeing cho biết, “Đây sẽ là một trong những cách quan trọng nhất để các hãng hàng không, sân bay, nhà cung cấp và nhà sản xuất phục hồi”.

Những chiếc Boeing 737 Max đỗ tại Boeing Field ở Seattle, Washington ngày 20/10/2019. Ảnh: Reuters

Những chiếc Boeing 737 Max đỗ tại Boeing Field ở Seattle, Washington tháng 10/2019. Ảnh: Reuters

Boeing vừa trải qua năm tồi tệ nhất trong lịch sử, vì dòng 737 Max bị cấm bay sau hai vụ tai nạn khiến 346 người thiệt mạng. Còn hiện tại, Covid-19 lại đang đặt ra những thách thức mới đáng ngại.

Các hãng hàng không bị sụt giảm lượng khách nghiêm trọng, sẽ không đặt mua máy bay mới trong một thời gian dài và từ chối nhận phi cơ đã đặt. Boeing không thể giao máy bay cho châu Âu hoặc Trung Quốc. Chuỗi cung ứng gián đoạn và lệnh phong tỏa khắp nơi có thể buộc hãng phải đóng cửa nhà máy.

Gần đây, các lãnh đạo cấp cao của Boeing đã nói rõ với Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ rằng, nếu không nhận được sự trợ giúp của chính phủ, hãng có thể xuống dốc nhanh chóng, gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Mỹ.

Trên thực tế, giá cổ phiếu Boeing lao dốc đã kéo thị trường xuống trong những tuần gần đây. Ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn ra, ông Trump đã đổ lỗi cho 737 Max khi góp phần kéo giảm GDP cả nước.

Covid-19 là thách thức lớn nhất của Boeing từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Khi đó, hãng phải giảm nửa sản xuất và sa thải hàng chục ngàn người. NYT trích lời các nhân viên Boeing cho biết đại dịch hiện giờ còn tệ hơn nhiều, vì nó đã lan đến mọi châu lục và khiến gần như mọi hãng hàng không trên thế giới rơi vào khủng hoảng.

“Vấn đề không chỉ nằm ở Boeing”, Susan Houseman – Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu việc làm Upjohn nói, “Chuỗi cung ứng trong ngành này có thể chịu những tổn hại không thể khắc phục. Sẽ có những vụ phá sản, các công ty sẽ mất nhân công và họ không thể tái khởi động trong vòng sáu tháng”.

Lãnh đạo Boeing đang soạn thảo các kế hoạch dự phòng và tìm cách giữ cho các nhà máy hoạt động, tránh sa thải hàng loạt. Quản lý các bộ phận y tế, tài chính và nhân sự đang căng mình theo dõi tình hình lây lan của dịch bệnh và xác định tình huống tiềm ẩn có thể khiến việc sản xuất bị đình trệ.

Boeing tin rằng rất có thể chính phủ sẽ buộc đóng cửa tất cả doanh nghiệp không quan trọng hoặc đưa ra các hạn chế đi lại nghiêm ngặt, như đóng cửa biên giới hoặc cách ly tại chỗ. Boeing còn đang chuẩn bị cho tình huống ngày càng nhiều công nhân vắng mặt, do trường học đóng cửa buộc phụ huynh phải ở nhà, hoặc mọi người quá sợ hãi việc ra ngoài.

Các nhà máy cũng có thể ngừng hoạt động nếu quá nhiều nhân viên tại một cơ sở bị bệnh. Và sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể trở nên nghiêm trọng đến mức Boeing không có các bộ phận cần thiết để chế tạo máy bay.

15 nhân viên Boeing tại Mỹ đã dương tính với Covid-19. Các nhà cung cấp cho hãng cũng gặp vấn đề. Ổ dịch lớn nhất châu Âu – Italy – là nơi đặt trụ sở của một nhà sản xuất phụ tùng chính cho dòng 787 và 767. General Electric, hãng cung cấp 90% động cơ cho Boeing, cũng có các nhà máy ở nước này.

Tác động của đại dịch đối với ngành hàng không rất sâu sắc. Nhu cầu về máy bay thương mại đang giảm mạnh, và không ai chắc chắn khi nào sẽ phục hồi. Các hãng hàng không trên khắp thế giới, từ Cathay Pacific, Lufthansa đến American Airlines đã cắt giảm dịch vụ mạnh tay. Các nhà phân tích tin rằng trong vòng vài tháng nữa, nhiều hãng bay có thể phá sản.

Điều này khiến nhu cầu đối với các sản phẩm của Boeing giảm mạnh, buộc hãng phải sa thải hàng loạt. Mặt trái của việc này là Boeing sẽ rơi vào tình thế rất khó khăn. Khởi động lại sản xuất sẽ không dễ dàng nếu công ty đã mất một lượng đáng kể các kỹ sư và công nhân lành nghề. Nhưng họ hiện không còn cách nào khác để cắt giảm chi phí.

Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị một gói kích thích quy mô khoảng 1.000 tỷ USD, nhằm xoa dịu tác động kinh tế từ Covid-19. Đối với Boeing, chính phủ có thể giúp họ bảo lãnh khoản vay hàng tỷ USD tại các ngân hàng lớn.

Nếu doanh thu của Boeing cạn kiệt trong nhiều tháng, các khoản vay như vậy có thể cho phép họ tiếp tục trả tiền nhà cung cấp và lương nhân viên. Trên thực tế, ngay cả trước khi gói cứu trợ được thông qua, Boeing tuần trước đã phải đi vay thêm 13,8 tỷ USD.

Hầu hết các nhà phân tích, chủ ngân hàng và lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng Boeing sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này. Một phần vì Boeing được coi là “Quá lớn để sụp đổ”. Boeing không đơn giản là một trong hai hãng trên thế giới chế tạo máy bay thương mại. Họ cũng là một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Mỹ và là hãng sản xuất máy bay và thiết bị quan trọng cho NASA.

“Sự sụp đổ của Boeing sẽ tàn phá nền kinh tế”, Scott Hamilton – nhà tư vấn hàng không nhận định. Theo ông, hãng này sẽ vẫn tồn tại, “dưới hình thức này hay hình thức khác”.

Phiên An (theo The New York Times)