Sinh con ra, hẳn cha mẹ nào cũng muốn con là một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết nghe lời người lớn dạy bảo. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ khó trị chưa hẳn đã có một tương lai kém thành công hơn những trẻ biết nghe lời.
Có những trẻ kỷ luật kém, làm bố mẹ đau đầu khi còn nhỏ lại là người Q cao, biết cách bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ. Ảnh: Pexels. |
Những đứa trẻ kỷ luật kém, làm bố mẹ đau đầu khi còn nhỏ lại là những trẻ EQ cao, biết cách bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ. Trẻ này thường phá vỡ các quy tắc khô cứng, có năng lực mạnh mẽ khi trưởng thành. Trong khi đó, nhiều đứa bé khi nhỏ ngoan ngoãn, vâng lời, lớn lên lại trở nên hư hỏng, dễ nổi loạn.
Trên thực tế, có ba kiểu nuôi trẻ ngoan là sai lầm của cha mẹ.
1. Ngoan là phải nhất nhất nghe lời
Trong nhiều gia đình, cha mẹ dạy con phải biết nghe lời. Mọi quyết định do bố mẹ đưa ra, con cái phải tuân thủ răm rắp, không được chống đối.
Hẳn nhiên việc con cái phụ thuộc cha mẹ là đúng, khía cạnh này cũng cho thấy đứa trẻ gần gũi, gắn bó với đấng sinh thành. Tuy nhiên, trên phương diện khác, bạn cũng cần dè chừng. Trẻ quá phụ thuộc bố mẹ sẽ sống thụ động, không có chủ kiến. Nếu bạn bảo con đi về phía đông, đứa trẻ không bao giờ dám đi về phía tây.
Nếu bạn để con tự mình làm việc gì đó, trẻ thậm chí băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu. Trong khi trẻ khác nô đùa, nghịch ngợm bên ngoài sân, con bạn chỉ ru rú trong nhà không dám đi đâu…
Những trẻ như vậy lớn lên sẽ luôn ở trạng thái phục tùng, nghe lệnh, không dám có chủ kiến, ý tưởng, cuộc sống lúc nào cũng trong trạng thái bị động. Khi ra trường đời, trẻ sẽ không tự tin trước bất cứ quyết định nào trong cuộc sống.
2. Ngoan là phải tự hiểu chuyện
Nhiều cha mẹ trách phạt con khi bé không chịu cho bạn khác chơi đồ chơi cùng, thậm chí chửi mắng bé là hư. Vì không muốn bị chỉ trích là đứa trẻ không ngoan, bé đành chấp thuận chia sẻ đồ chơi, nhưng trong lòng không vui.
Hay khi bạn không đưa trẻ đi công viên như đã hứa vì bận công việc, trẻ dỗi hờn khóc lóc, bạn đánh trẻ, mắng bé không hiểu chuyện. Dần dần, với những việc như vậy, trẻ miễn cưỡng chấp nhận, dù sau đó âm thầm chui vào chăn khóc một mình.
Việc kìm nén cảm xúc thực khiến bề ngoài trẻ trở nên ngoan ngoãn, hiểu chuyện, nhưng kỳ thực bên trong lại uất ức. Điều này hoàn toàn không tốt chút nào.
Con người được bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình luôn là điều tốt nhất, là nền tảng của một cuộc sống khỏe mạnh về tinh thần. Trẻ em bị gò ép cảm xúc quá mức khi lớn lên có thể gặp các vấn đề về tâm thần.
Chúng cũng có thể trở thành những người nổi loạn, khó cân bằng cảm xúc, thậm chí rối loạn nhân cách… Ngày nhỏ chúng ngoan ngoãn, hiểu chuyện, nhưng lớn lên lại dể nổi loạn, từ đó gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống
3. “Ngoan” là biết đón ý người khác để làm vừa lòng họ
Trong nhiều gia đình, không ít em bé được khen ngợi ngoan ngoãn, luôn làm đẹp lòng cha mẹ. Quả thực, những trẻ em này so với hai mẫu trẻ trên lanh lợi hơn nhiều.
Trẻ em nhóm này luôn làm mọi cách để lấy lòng người khác, để được khen ngợi. Từ quan điểm xã hội, đây cũng là một loại năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, về lâu dài, những đứa trẻ này có thể hình thành tính cách thiếu trung thực.
Khi trưởng thành, họ không từ thủ đoạn nào để làm hài lòng người khác hòng đạt mục tiêu, thậm chí sẵn sàng luồn cúi. Đây thực sự là một thất bại trong giáo dục.
Thùy Linh(Theo Aboluowang)