Giúp con phát triển khả năng sáng tạo

0
1416

1. Chơi xếp hình

Lắp ghép đồ chơi khối hoặc các bộ Lego giúp trẻ học kỹ năng giải quyết vấn đề, xây dựng trí tưởng tượng. Một bộ đồ chơi xếp hình cũng là công cụ kết nối phụ huynh và con hiệu quả. Khi mới bắt đầu, bố mẹ và trẻ có thể lắp ghép tự do, không theo khuôn mẫu. Nhưng khi các bé đã thành thạo, bố mẹ có thể gợi ý con lắp ghép mô phỏng đồ vật, hình tượng yêu thích. Chẳng hạn bé 8 tuổi thích ôtô, bạn mua bộ xếp hình ôtô và khuyến khích trẻ lắp ghép chiếc xe mơ ước.

Bằng cách gợi ý một mục tiêu cụ thể, trẻ phải xây dựng kế hoạch thực hiện nó với những nguyên vật liệu sẵn có. Điều này giúp các em trau dồi khả năng sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề để ứng biến với thực tế.

2. Ứng dụng trên thiết bị điện tử

Cha mẹ thường đặt câu hỏi: “Công nghệ có hạn chế sự sáng tạo hay không?”. Thực tế việc dành quá nhiều thời gian cho thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng xấu đến tư duy, phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nếu sử dụng khoa học, điều độ, các ứng dụng trên thiết bị điện tử có thể giúp kích thích trí tưởng tượng của trẻ.

Nhiều ứng dụng được thiết kế với mục đích kích thích trí tuệ, tăng cường kỹ năng tư duy sáng tạo như Draw Together, Dots, Jigsaw Puzzles. Các ứng dụng ngôn ngữ có thể giúp trẻ học ngoại ngữ bởi học một ngôn ngữ mới cũng có thể tăng khả năng sáng tạo.

Công nghệ có thể là môi trường tuyệt vời để xây dựng tính sáng tạo cho trẻ, nhưng phụ huynh vẫn nên chú ý kiểm soát thời gian sử dụng, đặc biệt trong những ngày nghỉ dài. Bạn có thể quy định số giờ chơi thiết bị công nghệ mỗi ngày, thường là sau khi hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng.

3. Nấu ăn

Mặc dù trẻ em có thể làm rối tung căn bếp, nấu ăn là cơ hội hữu ích dạy trẻ về kỹ năng giải quyết vấn đề theo hướng sáng tạo. Khi trẻ còn nhỏ, bạn có thể bắt đầu với công thức đơn giản như làm bánh. Việc trang trí bánh hoặc sáng tạo những công thức bánh sẽ kích thích khả năng tư duy sáng tạo của trẻ. Đừng quên gợi ý cho trẻ thực phẩm thay thế trong trường hợp nguyên liệu cần sử dụng đã hết.

Nếu trẻ lớn hơn, bạn có thể dạy con những món ăn cầu kỳ, phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng. Hãy bắt đầu từ một món ăn cụ thể đến một mâm cơm gia đình đầy đủ chất dinh dưỡng.

Việc nấu ăn còn có thể giúp giữ chân trẻ ở một chỗ lâu hơn nhưng không tạo cảm giác nhàm chán. Thông qua hoạt động này, bạn sẽ có một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để trò chuyện, chia sẻ cùng con giúp tăng sự gắn kết gia đình.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

4. Vẽ tranh

Nhắc đến hoạt động sáng tạo, không thể không nhắc đến hoạt động đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao như vẽ tranh. Chỉ với một tờ giấy, hộp màu, bút chì và tẩy, trẻ có thể thể hiện bản thân đồng thời biểu đạt ý tưởng sáng tạo trong đầu.

Ngoài vẽ tranh, bạn có thể cùng con làm đồ thủ công như gấp thuyền, làm hoa từ giấy ăn, đồ vật trang trí nhà cửa. Bạn có thể không khéo tay, sản phẩm làm ra cũng có thể không hoàn mỹ, nhưng đây là quãng thời gian bổ ích để gắn kết gia đình, khơi gợi sự tò mò, sáng tạo của trẻ và giúp các em không cảm thấy nhàm chán khi phải ở lâu trong nhà.

5. Xem video sáng tạo

Không phải ngẫu nhiên trên những kênh truyền hình dành cho thiếu nhi thường có chương trình sáng tạo nghệ thuật. Chẳng hạn trên kênh Disney Channel có chương trình Hội họa sáng tạo Art Attack với nội dung hướng dẫn trẻ vẽ tranh 3D, thiết kế mô hình, làm đồ handmade. Các video nghệ thuật, thí nghiệm khoa học dành cho trẻ thường có nội dung hài hước, màu sắc rực rỡ, là nguồn tài nguyên giáo dục sinh động, hấp dẫn.

Nhiều trường hợp trẻ cảm thấy lười biếng hoặc mệt mỏi nên không muốn cùng bố mẹ vẽ tranh, làm đồ thủ công. Việc ngồi xem video sáng tạo có thể giúp thư giãn nhưng vẫn có thể khơi gợi sự sáng tạo, truyền cảm hứng suy nghĩ sáng tạo về thế giới xung quanh. Trong khi xem, bạn có thể hỏi con một số câu liên quan đến nội dung video để các em nghiêm túc suy nghĩ và ghi nhớ lâu hơn. Nếu có thời gian, cha mẹ có thể cùng con thực hiện theo những video đã xem.

6. Đọc sách và kể chuyện

Đọc sách và kể chuyện thường là hoạt động dạy học tại trường nhằm giúp trẻ trau dồi khả năng đọc hiểu và kỹ năng diễn thuyết. Đây là hoạt động học đơn giản, sáng tạo mà phụ huynh có thể áp dụng tại nhà.

Hầu hết trẻ em đều thích những câu chuyện nội dung thú vị, nhân vật sinh động và phụ huynh nên nuôi dưỡng tình yêu này bằng cách khuyến khích các em đọc sách. Khi trẻ còn nhỏ, bạn có thể đọc sách cho con hoặc tìm những cuốn sách phù hợp với trình độ để giúp cải thiện kỹ năng đọc hiểu.

Tuy nhiên, bạn cũng nên đọc cho trẻ những câu chuyện phức tạp hơn để kích thích trí tò mò. Điều này sẽ tạo động lực cho các em cải thiện ngôn ngữ để tự thưởng thức và tìm hiểu về nội dung cuốn sách.

Đối với những đứa trẻ lớn hơn, bạn hãy khuyến khích con đọc sách về nhiều chủ đề, đặt câu hỏi nhằm giúp trẻ thẩm thấu nội dung sâu hơn. Một số câu hỏi bạn có thể sử dụng gồm: “Tại sao con lại thích cuốn sách này?”, “Cuốn sách này gợi cho con cảm xúc/suy nghĩ gì?”, “Con thích nhân vật/tình tiết nào nhất và tại sao?”.

Sau khi đọc sách, bạn có thể khuyến khích con chuyển sang viết truyện hoặc viết cảm nhận về nội dung đã đọc. Ngoài ra, bạn có thể gợi ý con kể lại câu chuyện cho mọi người trong gia đình để trau dồi kỹ năng tóm tắt, nói trước đám đông.

Tú Anh (Theo Ez Play Toys)