Việc nắm rõ cách tính lãi suất, phí phát sinh, cũng như chính sách của ngân hàng sẽ giúp chủ thẻ tối ưu chi tiêu và tài chính.
“Big 4” là nhóm ngân hàng có lãi suất cho vay thẻ tín dụng thấp nhất. Trong khi phần lớn nhà băng có lãi suất 20-30% một năm, hai nhà băng Vietcombank, BIDV chỉ tính mức lãi từ 15-18% một năm. Phí thường niên của thẻ tín dụng loại thường của 4 ngân hàng này cũng khá thấp, chỉ dao động quanh mức 100.000 đồng.
Bên cạnh đó, VIB có loại thẻ tín dụng lãi suất bằng 0 và thời gian thanh toán tối đa là 55 ngày. Ngân hàng không tính lãi suất nhưng bạn vẫn mất phí khi thanh toán không đúng hạn.
Điều kiện để không mất bất kỳ khoản lãi hay phí nào là phải thanh toán đúng hạn tối thiểu 20% dư nợ đã chi tiêu. Nếu không, khách sẽ chịu phí 1,99% trên toàn bộ dư nợ và phí 4% tính trên số tiền chậm thanh toán. Loại thẻ miễn lãi này cũng có một số lưu ý kèm theo. Phí thường niên của loại thẻ này là 700.000 đồng, khá cao so với thẻ tín dụng thông thường và mỗi giao dịch thanh toán sẽ bị tính phí 0,99% (phí này khác với phí rút tiền mặt 4%). Ví dụ, bạn quẹt thẻ, mua sắm trong nước một khoản 10 triệu thì sẽ bị tính phí gần 100.000 đồng.
Ngoài ra, một vài nhà băng như SHB, Sacombank, NCB cũng thu lãi suất thẻ khá thấp so với nhóm cổ phần và ngân hàng nước ngoài, cỡ 22-23% một năm. Ví dụ, thẻ tín dụng mở bằng tài sản đảm bảo của Sacombank có lãi suất 23%, mức phí thường niên thấp nhất là 300.000 đồng và thời gian miễn lãi tối đa lên tới 55 ngày dành cho cả chủ thẻ Visa và Master.
Thời gian miễn lãi tối đa của phần lớn nhà băng là 45 ngày, tuy nhiên cũng có một vài bên lên tới 55 ngày như Sacombank, OCB, VietCapitalBank. Một ngân hàng khác là NCB cũng miễn lãi tới 50 ngày, lãi suất cũng chỉ dao động quanh 21-25% (nếu mở qua lương) và 18-22% (nếu mở có tài sản đảm bảo).
Ngoài lãi suất, thẻ tín dụng còn có thêm phí phạt khi chủ thẻ không thanh toán đúng hạn số tiền tối thiểu phải trả (thường là 5% dư nợ chi tiêu trong tháng). Mức phí phạt này thường được tính 3-6% trên số tiền chậm thanh toán, tối thiểu từ 100.000 đồng.
Thẻ tín dụng một số ngân hàng. Ảnh: Bloomberg |
Trên thực tế, nhiều chủ thẻ vẫn chưa nắm rõ cách tính lãi suất, phí phạt thẻ tín dụng dẫn đến nhầm lẫn và mất tiền không đáng.
Một thẻ tín dụng thường có lãi suất và phí phạt nếu người dùng chậm thanh toán. Mặc dù đều tính theo tỷ lệ phần trăm, nhưng cách tính lãi suất và phí khác nhau. Khoản tiền lãi phụ thuộc vào số ngày phát sinh nợ và tính trên toàn bộ số tiền đã chi trong kỳ (kể cả bạn đã thanh toán một phần đúng hạn), còn khoản phí thường thu cố định trên số tiền bạn chậm thanh toán.
Có hai mốc thời gian người dùng cần nắm rõ là ngày chốt sao kê và hạn chót trả nợ. Ngày chốt sao kê là ngày ngân hàng chốt số tiền bạn đã tiêu bằng thẻ tín dụng trong tháng. Thời gian giữa 2 ngày chốt sao kê thường là một tháng. Tuỳ từng ngân hàng, hạn chót thanh toán có thể sau 15-25 ngày tính từ ngày chốt sao kê gần nhất.
Nhiều người vẫn nhầm lẫn thời gian miễn lãi tính từ ngày phát sinh giao dịch, tuy nhiên thời gian miễn lãi 45 ngày mà nhiều nhà băng đang quy định là tính từ ngày chốt sao kê.
Khi bạn chắc chắn thanh toán hết toàn bộ số dư nợ trong thời gian miễn lãi, bạn sẽ không phải trả bất kỳ khoản lãi suất hay phí phạt nào. Nếu không trả được hết toàn bộ dư nợ, hãy thanh toán số tiền tối thiểu (thường là 5% khoản tiền đã chi) để có lịch sử tín dụng tốt cũng như không bị chịu thêm phí phạt, tuy nhiên bạn vẫn phải trả lãi suất.
Khi tới hạn chót mà bạn vẫn chưa thanh toán toàn bộ dư nợ, lãi suất thẻ tín dụng sẽ tính trên toàn bộ khoản tiền đã tiêu, thời gian tính lãi bắt đầu từ ngày phát sinh giao dịch đến ngày thanh toán. Lãi suất thẻ tín dụng mỗi ngày được tính bằng cách lấy lãi suất theo năm chia cho 365 ngày.
Ngoài ra, việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng sẽ chịu phí rút (thường là 4%) ngay khi thực hiện giao dịch. Việc rút tiền mặt được xem như vay tiền mặt từ ngân hàng thông qua thẻ nên số tiền bạn rút được coi là khoản vay cá nhân nên sẽ bị tính phí ngay lập tức.
Quỳnh Trang