Maria Del Russo là cựu diễn viên múa ballet, hiện làm phóng viên tự do viết về phong cách sống. Cô đã chia sẻ về hành trình tập luyện từ một cô gái yếu ớt, ghét chạy bộ, không thể hoàn thành quãng đường 2km trở thành một runner thực thụ. Mục tiêu của cô là sớm tham gia New York Marathon.
Toàn bộ thời niên thiếu của tôi là những buổi tập luyện để trở thành vũ công ballet, chưa bao giờ nghĩ mình có thể trở thành một vận động viên. Với tôi, vận động viên phải là những người thực sự yêu thích vận động. Họ có thể tập luyện nhiều giờ, đam mê thể thao trong suốt thời gian đi học, hoặc ít nhất họ cũng sẽ không bao giờ phải thở hổn hển khi leo vài bậc cầu thang.
Chạy bộ giống như một cuộc hành xác kéo dài đầy mệt mỏi. Thời trung học, tôi thường bật khóc khi giáo viên bắt chạy 2km xung quanh sân, hổn hển, nức nở và tập tễnh. Tôi luôn là học sinh cuối cùng đi bộ về đích. Kể cả khi đã trưởng thành, thể thao vẫn là hoạt động tôi không mấy mặn mà. Phần lớn quá trình tập tành chỉ gói gọn trong một số bài cardio, nâng tạ hay squat ở phòng gym.
Xỏ chân vào giày và chạy ngoài trời là điều chỉ dành riêng cho runner thực thụ, tôi nghĩ và luôn ngưỡng mộ những người có thể chạy. Dường như họ có một bí kíp nào đó cao siêu.
Ảnh: Pinterest |
Tuy nhiên, mọi việc thay đổi khi Phill – một người bạn cho biết anh đang tập luyện cùng hãng Nike để chuẩn bị cho cuộc thi marathon tiếp sức từ đỉnh Hood đến bờ biển ở bang Oregon, kéo dài hơn 400km, Phill muốn tôi trở thành đồng đội trong cuộc đua này.
Nếu đồng ý, tôi sẽ được đào tạo trong 6 tuần cùng 11 đồng đội khác. Trong suốt 2 ngày đua, tôi sẽ phải chạy 3 lần mỗi ngày, mỗi lần từ 6,5 đến 9,6km. Đây là yêu cầu khá khó. Tuy nhiên, nếu từ chối lời mời của Phill, tôi sẽ không bao giờ có cơ hội tập miễn phí với những huấn luyện viên hàng đầu New York như thế nữa. Hơn nữa, là một người thích các mục tiêu, tôi nhận lời và bắt đầu tự tập một mình.
Những buổi đầu tiên không mấy suôn sẻ nếu không muốn nói là khá thảm họa. Tôi cố tình tránh khu Central Park để không bị áp lực trước các runner thục thụ và chọn cung đường Đại lộ 2. Sau khi chạy qua một vài tòa nhà, tôi bắt đầu thở dốc, kết thúc nhanh chóng bằng việc vừa chạy vừa đi bộ suốt chặng đường về nhà. Cảm giác tự ti quay trở lại. Tôi cảm thấy ánh mắt soi xét ở khắp mọi nơi, từ những người bán hàng dạo trên phố đến cụ bà đang ôm cún ngồi chơi vỉa hè.
Tôi gọi điện cho mẹ, than thở về việc sẽ không đủ khả năng để tham gia cùng Phill bà đã động viên tôi cố gắng giữ nhịp luyện tập. Ban đầu, tôi chỉ chạy khoảng 10km mỗi tuần và tăng dần lên 13km.
Ngày huấn luyện đầu tiên với toàn đội, tôi hoảng sợ khi nhìn thấy thành viên đều là những người chuyên nghiệp. Hôm đó, cả nhóm chạy cùng nhau khoảng 8km trên cầu Wiliamsburg và không lạ gì khi tôi là người kém nhất.
Tuy nhiên mọi người đã hỗ trợ rất nhiều, đặc biệt là huấn luyện viên. Cuối cùng, khi những buổi tập đầu tiên qua đi, tôi đã tìm thấy cảm xúc phấn khích đặc biệt đó, cảm xúc mà trước giờ tôi vẫn nghĩ chỉ những người chạy bộ chuyên nghiệp mới được tận hưởng. Đó là khi tâm trí sôi sục, khuôn mặt ửng hồng và sự háo hức chờ đợi cho những buổi tập tiếp theo.
Khi tập chạy với cả nhóm, tôi phải chạy khoảng 32km mỗi tuần. Nếu có kiến thức, bạn sẽ lắc đầu vì biết rằng không nên tăng quãng đường lên quá nhanh như vậy. Nhưng tôi lại là một người thiếu kinh nghiệm, chỉ luôn vật lộn với suy nghĩ làm sao để không trở thành người kém nhất. Hơn nữa, tôi bắt đầu thực sự thích được chạy bộ, biết mong đợi cảm giác được xỏ chân vào giày và sải bước chạy trên đường.
Tuy nhiên, vào một ngày sau khi đã tham gia hai tuần huấn luyện, khi đang chạy quanh hồ nước ở Central Park, một con đau đột ngột ở mắt cá chân khiên tôi vấp ngã. Tiếp tục gắng sức khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn và tôi phải khập khiễng về nhà. Các bác sĩ chuẩn đoán tôi bị gãy xương mắt cá và phải hạn chế hoạt động trong vòng 2 tháng.
Tôi bị loại khỏi cuộc đua cùng nhóm và nhận ra việc chạy bộ sẽ không suôn sẻ như vẫn nghĩ. Chỉ đáng tiếc là tôi phải rời xa đôi giày chạy khi đã trót yêu.
Ảnh: Flickr |
Sau 8 tuần hạn chế vận động, bác sĩ bắt đầu tiến hành vật lý trị liệu. Tôi có thể túc tắc chạy trở lại trên máy và vui sướng như tìm thấy một phiên bản khác của chính mình, tận hưởng bất cứ cơ hội nào được sải bước, thấy phấn khích mỗi khi bác sĩ vật lý trị liệu nói rằng tôi có thể chạy lâu hơn một chút so với ngày hôm qua.
Sau 4 tháng, bác sĩ tuyên bố từ giờ tôi có thể chạy bộ trở lại và lúc đó tôi đã òa khóc vì xúc động. Bác sĩ thậm chí cho rằng tôi đủ khỏe để tham gia cự ly 42km ở New York Marathon – giải chạy nhiều runner mơ ước. Giờ đây, tôi bắt đầu hình dung bản thân trong chiếc áo phông oversize, quên đi nỗi đau ở mắt cá chân, hướng về phía trước, nỗ lực chạy xa hơn và nhanh hơn từng chút một.
Nhiều người nói với tôi rằng, việc dính chấn thương giống như một nghi thức để trở thành một runner. Có lẽ, cuối cùng, tôi đã trở thành một người chạy bộ thực thụ.
An Phạm (Theo Refinery)
Những người quan tâm đến chạy bộ có thể tìm hiểu và đăng ký ba giải chạy do Báo VnExpress tại Hà Nội, Huế và Quy Nhơn. Giải chạy đêm quy mô lớn đầu tiên, VnExpress Marathon Hanoi Midnight sẽ diễn ra đêm 22 đến rạng sáng 23/8 tại Hà Nội. VnExpress Marathon Huế đem đến cơ hội trải nghiệm những cung đường đẹp xứ Huế. Giải chạy thường niên VnExpress Marathon Quy Nhơn 2020 (VM Quy Nhơn 2020) sẽ diễn ra ngày 7/6 tại Quy Nhơn, Bình Định, giữ nguyên bốn cự ly gồm 5 km, 10 km, bán marathon (21 km) và full marathon (42 km). VM Quy Nhơn là giải chạy do Báo VnExpress phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức. Đây là một trong bốn giải chạy lớn tại Việt Nam được IAAF-AIMS (Liên đoàn Điền kinh Thế giới – Hiệp hội Marathon Thế giới) công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ban tổ chức sẽ trích 10% số tiền bán vé cho Quỹ Hy vọng của Báo VnExrpress nhằm xây dựng trường cho học sinh nghèo. |