Tại sao nhiều người học giỏi ngoại ngữ?

0
1339

Là giáo sư khoa học phát triển thần kinh, hành vi và nhận thức, Giám đốc Phòng thí nghiệm cơ sở thần kinh của người song ngữ tại Đại học Houston (Mỹ), Arturo Hernandez cho biết những người học tốt ngoại ngữ thường có đôi tai nhạy cảm với âm thanh. Khi giáo sư đặt câu hỏi “Bạn có thể hát bài Chúc mừng sinh nhật không?” cho đám đông, những người gặp khó khăn khi học ngoại ngữ đều trả lời rằng không thể hát theo giai điệu.

Điều này có liên quan đến việc phân biệt các âm thanh, bao gồm âm thanh tiếng nước ngoài. Chẳng hạn những người có đôi tai nhạy cảm hơn có thể phân biệt sự khác nhau khi đọc chữ “D” trong tiếng Anh (như từ “dead”) và chữ “D” trong tiếng Tây Ban Nha (phát âm giống từ “the” trong tiếng Anh).

Giáo sư lấy dẫn chứng tác giả Michael Erard từng chỉ ra trong cuốn Babel No More: The Search for the World’s Most Extraordinary Language Learners (Tìm kiếm những người học ngoại ngữ lạ lùng nhất), những người học siêu ngôn ngữ (hay còn gọi là “hyperpolyglots”) có đôi tai rất tốt và thường học ngữ pháp sau khi xây dựng kỹ năng nghe.

Ngược lại, những người có đôi tai thiếu nhạy cảm hơn phải phụ thuộc rất nhiều vào ngữ pháp vì họ cần quy tắc để chỉ đường. Những người học ngôn ngữ giỏi có thể cảm nhận tốt về mặt ngôn ngữ, nghe và phân biệt đúng sai bằng trực giác.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Alissa Ferry, nhà nghiên cứu phát triển ngôn ngữ, giảng viên Đại học Manchester (Mỹ) lại cho rằng câu trả lời rõ ràng nhất là tuổi tác. Khi học ngôn ngữ thứ hai càng sớm, con người sẽ càng giỏi và có thể nghe, nói giống người bản xứ hơn so với người trưởng thành học ngoại ngữ. Lý do là con người tạo ra số lượng âm thanh khổng lồ nhưng bất kỳ ngôn ngữ nào cũng chỉ sử dụng tập hợp nhỏ trong đó để tạo ra từ. Chẳng hạn, tiếng Anh có khoảng 40 âm.

Các em nhỏ đặc biệt nhạy cảm với âm thanh nên có thể phân biệt sự khác nhau giữa các âm và tạo ra những âm không có trong ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhưng khi bắt đầu học ngôn ngữ của mình, các em chỉ tập trung vào những âm thanh quan trọng nhất, cấu thành nên ngôn ngữ mẹ đẻ.

Từ đó, dần dần trong quá trình lớn lên, con người sẽ ngừng quan tâm đến những âm thanh không có trong chương trình học tiếng mẹ đẻ và thu hẹp kỹ năng nói, chỉ xoay quanh các âm trong tiếng mẹ đẻ. Điều này đồng nghĩa với việc khi người càng lớn tuổi học ngoại ngữ, họ sẽ càng gặp khó khăn trong việc lắng nghe và sử dụng những âm thanh ngoài tiếng mẹ đẻ đã đóng đinh trong đầu.

Alissa thông tin sự khác biệt về tuổi tác cũng gây ảnh hưởng trong việc học quy tắc ngữ pháp, cách tổ chức từ hay câu. Một ngôn ngữ được học càng sớm, người học càng ít có khả năng mắc lỗi ngữ pháp và ngược lại. Bởi họ có thể mang tư duy ngữ pháp trong ngôn ngữ mẹ đẻ sang việc học ngoại ngữ, nhưng trẻ em chưa học sâu về ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ không làm điều này.

Emily Sabo, đại diện Trung tâm nghiên cứu tiếp xúc ngôn ngữ và thay đổi dân số nói tiếng Tây Ban Nha (Mỹ) khẳng định có ba yếu tố quyết định khả năng học ngoại ngữ của một người. Đầu tiên và quan trọng nhất là động lực. Thông thường, có hai nhóm người nói song ngữ là bắt buộc và không bắt buộc.

Người song ngữ không bắt buộc thường là những người học ngoại ngữ tại trường lớp vì mục tiêu gần như tăng cơ hội việc làm, có khả năng đi du lịch. Người song ngữ bắt buộc là người di cư đến quốc gia khác không nói tiếng mẹ đẻ và học ngoại ngữ để hòa nhập. Họ sẽ học ngôn ngữ nhanh hơn người không bắt buộc vì việc học là vấn đề sống còn đối với họ.

Yếu tố thứ hai, Emily đồng tình với Alissa là do tuổi tác. Trẻ em, đặc biệt trẻ song ngữ có khả năng học ngôn ngữ tốt hơn người ở những độ tuổi khác. Những em lớn lên trong môi trường đa ngôn ngữ tiếp thu ngôn ngữ nhanh hơn, tự nhiên hơn và không cần sự hướng dẫn cụ thể nào. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em trên sáu tháng tuổi nếu chỉ tiếp xúc với một ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc phân biệt âm thanh.

Yếu tố cuối cùng nằm ở mô hình giáo dục. Ở nhiều tiểu bang tại Mỹ, việc học ngôn ngữ thứ hai không được coi là ưu tiên hàng đầu, từ đó chương trình giáo dục cũng sẽ được phổ biến phù hợp với quyết định của chính quyền địa phương.

Nhiều trường tại Mỹ giảng dạy tiếng Tây Ban Nha nhưng những trường ở bang không coi trọng song ngữ sẽ chỉ dạy tiếng Tây Ban Nha như môn học thông thường. Còn ở một số bang khác, trường học có thể áp dụng mô hình giảng dạy song ngữ tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Mô hình giáo dục ở những quốc gia khác nhau sẽ quyết định mạnh mẽ cách thức người dân học ngoại ngữ và tác động lên kết quả học ngoại ngữ của họ.

Tú Anh (Theo Gizmodo)