Hai nữ sinh nghiên cứu cửa chống trộm

0
1353

Trước thực trạng trộm cắp xảy ra liên tục tại các khu chung cư, nhà dân tại TP Biên Hòa khiến nhiều người dân lo lắng, bất an. Thấy nhiều cánh cửa tưởng chừng chắc chắn vẫn bị kẻ xấu “vô hiệu hóa”, Nguyễn Cẩm Tú, Huỳnh Bảo Trân, cùng lớp 10A1 trường Song ngữ Á Châu, quyết tâm nghiên cứu Cửa chống trộm cải tiến.

Nhóm nữ sinh bên mô hình cửa chống trộm cải tiến. Ảnh: Thái Hà

Hai nữ sinh bên mô hình cửa chống trộm cải tiến. Ảnh: Phước Tuấn.

Ý tưởng của Bảo Trân được cô bạn thân cùng lớp hưởng ứng. Với những kiến thức được học về các nguyên lý bo mạch, cùng với sự hướng dẫn của thầy cô, hai nữ sinh bắt đầu nghiên cứu từ tháng 10/2019, qua ba tháng đã dần phát họa được sơ đồ ý tưởng của mình.

Sản phẩm gồm hai phần: cửa và công nghệ. Trong đó phần công nghệ, Trân và Cầm sử dụng thiết bị Raspberry Pi, một loại máy tính nhỏ có tính năng đa dụng nhằm thiết lập hệ thống tính toán theo mục đích báo động. Ngoài ra, sản phẩm còn có màn hình cảm ứng, mạch giảm áp, công tắc hành trình, loa, khóa cảm ứng từ, công tắc tổng, sạc dự phòng…

“App Inventor được sử dụng để kết nối với hệ thống thiết bị Raspberry Pi với chức năng đóng, mở cửa qua mạng Internet và nhận tin nhắn khi có xâm nhập trái phép vào nhà”, Tú Cầm nói.

Với những thành phần trên, cửa chống trộm cải tiến sẽ được tích hợp mở cửa bằng camera nhận diện khuôn mặt, thẻ từ. Khi có kẻ xấu phá cửa xâm nhập thì ngoài chuông báo, hệ thống sẽ lập tức gửi tin nhắn về điện thoại cho chủ nhà. “Ứng dụng trên sẽ vẫn hoạt động khi bị kẻ xấu cắt điện do trên cửa vẫn được tích điện cục sạc dự phòng trong một thời gian nhất định”, Bảo Trân cho biết.

Trong ba tháng đầu năm học, hai nữ sinh tranh thủ thời gian rảnh rỗi để cùng nhau tìm mua các thiết bị về lắp ráp thiết bị. Những ngày đầu do chưa quen các nguyên lý vận hành, đặc biệt là camera nên sản phẩm gặp nhiều lỗi không phát huy được hiệu quả. “Chỉ có hai nữ nên nhiều lúc những việc nặng nhọc về cơ khí phải nhờ thầy cô hay bạn bè trong lớp”, Cầm nói về khó khăn của nhóm.

Sau nhiều lần thử nghiệm với 6 chức năng khác nhau như: camera nhận diện khuôn mặt, chuông báo động, báo tin nhắn, pin dự phòng… sản phẩm dần hoạt động hiệu quả hơn. Cầm cho biết với kinh phí các thiết bị thì cửa chống trộm khoảng 10 triệu đồng một sản phẩm.

Dự án của hai nữ sinh đã đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông tỉnh Đồng Nai năm học 2019-2020. Cuộc thi có 207 dự án đến từ các trường THCS và THPT tham gia, với nhiều lĩnh vực đa dạng như: khoa học xã hội, y sinh học, vật liệu mới, robot, cơ khí…

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Hiệu phó trường Song ngữ Á Châu đánh giá cao đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật của nhóm nữ sinh. “Ngoài học tập, nhà trường vẫn luôn tạo điều kiện cho các em thể hiện niềm đam mê, sáng tạo. Đề tài cửa chống trộm cải tiến có tính ứng dụng thực tiễn cao, tuy nhiên thầy cô sẽ hỗ trợ thêm các em để hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu”, cô Thuỷ nói.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đồng Nai Võ Ngọc Thạch cho biết việc đổi mới phương pháp dạy và học hướng học sinh vào nghiên cứu khoa học đã kích thích sự sáng tạo nhiều hơn của các em. Từ đó, nhiều sản phẩm nghiên cứu của học sinh ra đời, có khả năng ứng dụng vào thực tế. “Sân chơi khoa học – kỹ thuật học sinh trung học sẽ tạo động lực không nhỏ giúp cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian tới”, ông Thạch nói.

Phước Tuấn