Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang |
Báo cáo tại hội nghị, UBMTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết năm 2019 đã thực hiện hơn 28.000 cuộc gọi, gặp trực tiếp hơn 2.200 người dân tại 105 phường xã của 24 quận, huyện để khảo sát về mức độ hài lòng.
Kết quả cho thấy mức độ hài lòng với thái độ của cán bộ, công chức trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công tại các sở, ngành, quận huyện đạt mức trên 80%, thậm chí có những đơn vị đạt trên 95%.
Tuy nhiên số liệu cũng cho thấy người dân, doanh nghiệp phải đi lại từ 2,1 đến 2,9 lần mới được việc. Riêng tại phường, xã có trường hợp phải đi lại tới 7 lần. Ngoài ra có cả trường hợp người dân nộp tiền nhưng không có phiếu thu.
Phát biểu sau đó, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang thể hiện sự băn khoăn với những con số nói trên. “Chúng ta có dám tin hay không?” – ông đặt câu hỏi.
Ông Quang cho biết, “mình không dám chê trách” vì không nắm cụ thể để đối chứng, nhưng ông Quang chưa tin con số 95%, vì có thể chúng chỉ được đánh giá ở những khâu dễ làm như bàn công chứng, nơi đóng tiền hay đóng dấu.
“Nếu người dân hài lòng trên 95% như con số tôi được đọc, thì tối ngày anh em chúng ta chỉ đi ăn đám giỗ” – ông Quang nói, và cho biết bởi khi đó cán bộ không còn việc để làm.
Ngoài ra, đặt mình vào vị thế người được khảo sát, ông Quang cũng lo ngại việc doanh nghiệp không nói thật, bởi: “Rủi mình nói thiệt không biết có chuyện gì xảy ra không, biết ra sao ngày mai. Vì chúng ta biết ai trả lời, có số điện thoại nên doanh nghiệp cũng ngại. Thôi mình cứ nói đại cái tốt cho rồi, chắc cũng không giải quyết gì!”.
Chia sẻ với các cán bộ trong công việc, ông Quang cho rằng vì “là con người” nên cũng bị những nguyên nhân khách quan tác động, do vậy công việc “có thể có lúc này lúc khác”.
“Chúng ta có thể chia sẻ được, nhưng mọi người phải ý thức rằng chúng ta đang phục vụ người dân” – ông Quang nói.
Dù vậy Phó bí thư Thành ủy cho hay cũng nêu ra thực tế: “Một điều này không có trên báo cáo, nếu các đồng chí thấy đúng thì đồng tình, còn không thì coi như ví dụ. Đó là đâu đó các đơn vị còn có sự né tránh, đùn đẩy trách nhiệm”.