ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội |
Bởi theo đại biểu Thúy, NQ 88 của Quốc hội giao cho cơ sở giáo dục có quyền lựa chọn bộ SGK mà bộ GD & ĐT đã phê duyệt; Luật Giáo dục có hiệu lực từ 1/7/2020 quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa. Việc thực hiện bộ SGK mới theo chủ trương (một chương trình- nhiều bộ sách) sẽ được thực hiện từ năm học 2020 .
“Mới nghe qua tưởng chừng mâu thuẫn nhau, nhưng thực ra không. Bởi vì dù UBND tỉnh hay cơ sở giáo dục lựa chọn SGK thì đều chịu tác động của Sở Giáo dục và đào tạo các tỉnh. Nếu UBND tỉnh quyết định tức là Sở GD& ĐT tham mưu.
Còn nếu cơ sở giáo dục chọn (trường chọn) thì thường thường Sở Giáo dục cũng hay có ý kiến chỉ đạo. Mà bây giờ có mấy trường dám bản lĩnh dám chọn trái với ý kiến chỉ đạo của Sở?. Dù rằng họ (cơ sở giáo dục) rất tâm huyết, vì học sinh, vì cái chung…
Suy cho cùng vai trò của Sở GD & ĐT vô cùng quan trọng trong việc SGK”, đại biểu Kim Thúy phân tích.
Với vai trò quan trọng như vậy, nhưng “Sở lại đi nhận tiền thù lao của NXB hàng tháng như thế”, đại biểu Kim Thúy khẳng định “có cơ sở để nghi ngờ tính dân chủ minh bạch trong chọn SGK”.
Ủy viên Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội cảm thấy “lo và thương cho học sinh sẽ không được học bộ sách tốt nhất, giá trị nhất”. Vì nếu SGK của NXB Giáo dục mà tốt, giá trị thì “cứ cạnh tranh lành mạnh đi việc gì phải lobby, thù lao cho người nọ người kia?”.
“Tôi cũng cảm thấy lo cho các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô giáo dạy lâu năm biết sách nào. Tất cả các sách này, thực chất đều viết từ chương trình khung của Bộ GD & ĐT (một chương trình nhiều bộ SGK) nhưng sẽ khác nhau ở góc độ sinh động, minh họa…. Trong phương pháp dạy thầy cô sẽ biết nên chọn sách nào.
Nhưng liệu hội đồng trường đó, BGH của hội đồng trường có bản lĩnh, có vì cái chung, không chịu sự tác động của bất kỳ ai, nhất là từ các Sở GD & ĐT không?”, đại biểu Kim Thúy nhìn nhận.
Trước đó, dư luận xôn xao và đặt nhiều nghi vấn về tính minh bạch, khách quan của ngành GD &ĐT TP Hồ Chí Minh trong việc chọn lựa sách giáo khoa mới vào thời gian tới khi một loạt lãnh đạo Sở được nhận thù lao hàng tháng của NXB Giáo dục.
Quyết định số 778 của NXB Giáo Dục ban hành năm 2015 quy định về việc chi thù lao Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM.
Theo đó, có 11 người trong ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK mới, trong đó ông Lê Hồng Sơn – giám đốc (trưởng ban), phó giám đốc (phó trưởng ban) và các ủy viên là chánh văn phòng, hai phó chánh văn phòng, trưởng phòng giáo dục phổ thông, trưởng phòng giáo dục tiểu học, các phó trưởng phòng của hai phòng chuyên môn.
Những người này được nhận thù lao của NXB Giáo Dục. Ông Lê Hồng Sơn nhận 6 triệu đồng/tháng, những người khác nhận 3,5-5 triệu đồng/tháng. Thời gian bắt đầu nhận thù lao là 1-5-2015.
Tiếp đó, năm 2018, NXB Giáo Dục lại có quyết định số 04 về việc thành lập ban chỉ đạo và mức chi thù lao cho Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam. Ngoài 11 thành viên ở trên, còn có thêm 9 người của NXB Giáo Dục.
Tại quyết định này, ông Nguyễn Đức Thái – chủ tịch hội đồng thành viên – là đồng trưởng ban. Bên cạnh đó, còn có nhóm tư vấn hỗ trợ gồm 15 người, trong đó 14 người là chuyên viên các môn học hoặc phòng ban chuyên môn của Sở GD-ĐT TP.HCM.
Mức thù lao vẫn giữ nguyên như năm 2015 với những người trong ban chỉ đạo, riêng nhóm hỗ trợ nhận thù lao là 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Trước dư luận bàn tán về nội dung này, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT TP yêu cầu giải trình các nội dung liên quan đến việc cán bộ, chuyên viên của sở nhận thù lao hằng tháng từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam báo cáo thường trực UBND TP trước ngày 8/12.