Bên trong nhà xưởng không phép của gia đình ông Lê Hữu Thành |
Cụ thể, UBND các quận, huyện phải rà soát, tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng. Đồng thời TP cũng sẽ đứng ra tổ chức cưỡng chế một số công trình vi phạm nghiêm trọng tại quận 5, quận Thủ Đức hoặc một số công trình trọng điểm tại các quận, huyện khác cần sớm xử lý.
Các quận, huyện cũng là cơ quan chủ trì, thực hiện tất cả các công tác thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, là đầu mối thực hiện và chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm tại địa bàn quận huyện đó.
Đối với việc phê duyệt hồ sơ, ban hành các quyết định thì UBND quận, huyện chịu trách nhiệm báo cáo, chuẩn bị nội dung trình Sở Xây dựng để thẩm định và phê duyệt, hoặc trình UBND TP phê duyệt đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP.
Về phía Sở Xây dựng cần phân cấp cho UBND quận, huyện trực tiếp quản lý lực lượng thanh tra xây dựng địa bàn trong khi chờ Đề án thí điểm lập Đội quản lý TTXD đô thị. Sở cũng là nơi lập danh mục các hình thức chế tài xử lý, trong đó hệ thống theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm và tính nghiêm khắc của chế tài.
Trước đó vào chiều 22/10 Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã phải trực tiếp xuống quận Thủ Đức để thị sát và chỉ đạo xử lý công trình vi phạm của Phó chủ tịch thường trực HĐND quận – Lê Hữu Thành.
7 công trình vi phạm của ông Thành và các anh chị em ruột được xác định xây không phép trong nhiều năm qua tại hẻm 419 đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh). Tuy nhiên quận Thủ Đức không tổ chức cưỡng chế dù đã có quyết định cưỡng chế tháo dỡ 4 công trình.
Trả lời báo chí, ông Thành thừa nhận công trình của mình được xây không phép trên phần đất của cha mẹ để lại. Ông Thành nói rằng, trong thời gian nhà nước chưa thực hiện quy hoạch, thấy đất để hoang nên đã xây nhà xưởng cho thuê. Phó chủ tịch HĐND cũng xin thời hạn 1 tháng để tự tháo dỡ công trình vi phạm và không đòi hỏi chi phí.