Trẻ bị bắt nạt ở trường là điều thường xuyên xảy ra. |
Cụ thể, người được cho là mẹ bé trai này viết: “Hôm đó, tôi đến trường đón con như thường ngày. Không thấy con hớn hở và kể cho tôi nghe những câu chuyện mà con trải nghiệm từ sáng khi ở trường như mọi ngày mà con ngồi bên cạnh cầu trượt với ánh mắt rất lạ.
Tôi chạy ngay đến cạnh con và hỏi nhưng con trai không chịu nói. Trên đường về, hai mẹ con trò chuyện nhưng con nhất quyết không chịu chia sẻ xem con đang gặp phải chuyện gì. Linh cảm của người mẹ khiến tôi cảm thấy rằng con mình đang gặp vấn đề.
Sau khi ăn tối xong, tôi vào phòng con, âu yếm, vỗ về thì bỗng dung cậu bé của tôi òa khóc. Con nói “mẹ ơi, không phải ai cũng yêu thương con như mẹ đúng không mẹ. Hôm nay ở trường con liên tục bị các bạn bắt nạt mẹ ạ, các bạn không cho con chơi cùng, các bạn mắng con là “mất não”, các bạn xô ngã con, con rất tức mà không làm sao được mẹ ạ”.
Tôi rất bình tĩnh và hỏi con: “Vậy giờ con trai mẹ định xử lý chuyện này thế nào”.
“Con sẽ mang con dao mà mẹ hay gọt hoa quả đến và trả thù. Con thực sự rất ấm ức, con nhất định phải trả thù bạn đó”.
Tôi thực sự sốc trước câu trả lời của cậu bé 5 tuổi. Tôi biết nếu mình không khéo léo trong chuyện này thì sẽ để lại một hệ lụy khôn lường. Tôi nói với con “được rồi, mai mẹ sẽ đưa cho con một vật để con trả thù nhé”.
Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng xong, tôi hỏi con có còn muốn đánh lại bạn để bớt tức không. Con trai vẫn trả lời rất dứt khoát “có ạ”. Tôi đưa cho con một chiếc balo khá to và nói “vậy thì vũ khí của con đây”.
Cậu con trai tò mò mở chiếc balo ra thấy 1 tấm chăn mỏng, vài bộ quần áo, bàn chải đánh răng. Cu cậu tò mò hỏi tôi, với “vũ khí này con sẽ làm gì được các bạn hả mẹ”.
Tôi nhẹ nhàng xoa đầu con và nói “nếu con dùng dao làm bạn con tổn thương, chắc chắn con sẽ bị các chú công an bắt vào tù và khi ấy thì mẹ không thể nuôi con, không thể chăm sóc cho con như bây giờ. Vậy mẹ chuẩn bị những thứ này để khi vào tù con tự chăm sóc cho mình nhé”.
Cậu bé trầm ngâm một lúc và nói “vậy thôi, con không muốn làm các bạn tổn thương đâu ạ, con muốn ở nhà với mẹ, được mẹ chăm sóc, con sợ đi tù lắm”. Tôi thở phào nhẹ nhõm như tháo được “một quả bom” trong lòng. Vậy là tạm thời con đã không nghĩ đến chuyện trả thù nữa. Tôi đưa con đến trường như mọi ngày và trao đổi lại vấn đề đó với cô giáo chủ nhiệm của con.
Sau đó, tôi đã liên hệ gặp gỡ gia đình bạn học sinh liên tục bắt nạt con tôi và cho 2 bạn ấy gặp nhau, nói chuyện cùng nhau và bạn học kia đã xin lỗi con trai tôi. Vậy là con trai đã thực sự “cởi nút thắt” trong lòng”.
Câu chuyện nhanh chóng thu hút sự chia sẻ của rất nhiều bà mẹ. Một phụ huynh cho hay “mình phục cách ứng xử khéo léo của mẹ cậu bé. Đúng là nếu mẹ không chủ động phát hiện và can thiệp kịp thời thì hậu quả sẽ kinh khủng đến mức nào thực sự mình không dám tưởng tượng”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Ly (nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay: “Nuôi dạy con là cả một quá trình và mỗi ngày con bạn lại gặp những vấn đề khác nhau. Cha mẹ hay đóng vai trò rất lớn trong việc định hướng con xử lý “khủng hoảng” của từng lứa tuổi.
Bố mẹ hãy là người bạn của con, nói chuyện tâm tình với con và tìm hiểu kỹ tình huống xảy ra. Việc lắng nghe con nói chuyện là điều rất quan trọng để con cảm thấy tin tưởng vào bạn. Nếu con là nguyên nhân của vấn đề thì cha mẹ phải giảng giải cho con để con hiểu bản chất.
Một trong những điều khá quan trọng trong quá trình hướng dẫn con xử lý “khủng hoảng” là phải khéo léo tôn trọng sự quyết định của trẻ. Người mẹ trong tình huống trên đã rất thông minh khi cho con tự quyết định “vào tù hoặc là đánh bạn”. Bên cạnh đó người mẹ cũng nên sát cánh cùng con, lắng nghe con chia sẻ, tâm sự hàng ngày để phát hiện vấn đề và xử lý kịp thời”.