Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, chương trình khai giảng sẽ có các nghi thức: đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước. Có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh để tạo không khí vui tươi, phấn khởi.
Riêng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Lưu ý không đọc báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường, bảo đảm sức khỏe của học sinh và bảo vệ môi trường.
Sáng nay (5/9) cả nước tổ chức lễ khai giảng năm học mới |
Tại địa phương, các Sở GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi cơ sở giáo dục lưu ý tổ chức lễ khai giảng, tinh thần chung là hướng tới học sinh, vì học sinh.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, dự báo quy mô học sinh năm học 2019 – 2020, cả nước có khoảng 5.517.000 trẻ mầm non, trong đó trẻ nhà trẻ là 932.000, mẫu giáo là 4.585.000 em. Giáo dục phổ thông có 17.055.000 học sinh, gồm 8.660.000 học sinh tiểu học, 5.550.000 học sinh trung học cơ sở và 2.599.000 học sinh trung học phổ thông. Riêng quy mô đại học chính quy đạt 1.518.986 sinh viên.
Năm học 2019 – 2020, ngành Giáo dục tiếp tục đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản, trong đó tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm: Một là, các địa phương tiếp tục rà soát, dự báo quy mô phát triển trường học, đảm bảo dành quỹ đất cho xây dựng trường lớp, nhất là trong giai đoạn thực hiện sắp xếp, dồn dịch trường lớp như hiện nay. Các địa phương phải quyết liệt khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, nhất là đối với bậc học mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Hai là sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, không để tình trạng thừa thiếu cục bộ, đảm bảo nguyên tắc ở đâu có học sinh ở đó có giáo viên, giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên hợp đồng nhiều năm chưa được tuyển dụng vào viên chức.
Ba là tạo sự chuyển biến căn bản trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó giáo dục nhà trường đóng vai trò định hướng. Phòng chống bạo lực học đường, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy trong trường học. Làm rõ mục tiêu, trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò.
Bốn là tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Luật Giáo dục năm 2019 cũng đã đưa ra ngân sách nhà nước đảm bảo tối thiểu 20% cho giáo dục.
Cuối cùng là đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học và các trình độ đào tạo; đổi mới công tác quản lý và đẩy mạnh phân cấp, thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục.