Thợ mộc nghèo thành ‘đại gia’ nhờ bám nghề truyền thống

0
1372

Trong xưởng chế tác, tiếng dao đục vào gỗ cọc, cọc đều đặn, giọng ông Trần Văn Bản (55 tuổi, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín) cũng nhẹ nhàng, từ tốn, “Tôi làm cái này cho vui lúc rảnh, không ngờ nhiều người đến hỏi mua”.

Anh Trần Viên Lãm (40 tuổi, giám đốc một công ty bánh trung thu ở Hà Nội) đã đi tìm nhiều tỉnh thành miền Bắc, nhưng dường như chỉ còn ông Bản làm nghề này. Thứ anh Lãm ngồi ngóng không rời mắt là khuôn bánh trung thu đặc biệt, nặng gần 50 kg.

Ngoài những công ty lớn như của anh Lãm, khách hàng của ông Bản đa số là những gia đình mua khuôn làm bánh trung thu số lượng ít. Bán đều mỗi ngày 7-8 cái, mỗi tháng ông bỏ túi vài chục triệu.

Ông Bản

Khuôn bánh trung thu của ông bản được làm thành nhiều sản phẩm mới lạ, như cặp trái tim có hình rồng, phượng. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Sản phẩm này được làm từ gỗ xà cừ bền dẻo, khó vỡ nên đắt tiền. Khi những sản phẩm bằng nhựa giá rẻ xuất hiện nhiều, nghề này gần như bị bỏ rơi. Ở làng ông, từ 10 người làm, giờ chỉ còn 2 người tiếp tục. Không nỡ bỏ nghề, ông thế chấp tài sản để duy trì xưởng gỗ.

Trước 2010, ông Bản từng nghe nhiều người nói “bán mấy thứ này giờ ai mua”. Mỗi lần có người đến bàn lùi như vậy, ông lại nâng thớ gỗ lên, gõ nhẹ, áp tai vào nghe, làm ngơ. “Nhìn ông Bản nâng niu mấy miếng gỗ như nâng niu em bé, người ta trêu ông hâm”, bà Nguyễn Thị Dung (50 tuổi) hàng xóm của ông Bản, kể.

Ông Bản chưa từng có ý định bỏ nghề, dù có tháng chỉ bán được 4-5 sản phẩm, cả nhà 5 người chỉ ăn cơm trắng với rau. Ông bố 3 con từ 60 kg trong vài tháng đã tuột 10 kg. Khi đó, vị nghệ nhân phải lặn lội đi từng tiệm bánh trên thành phố để giới thiệu khuôn bánh của mình. “Buồn nhất người ta nói đồ của mình là hàng ‘nhái’ mà giá cao”, ông Bản nói.

Lão Hạc thành đại gia nhờ làm nghề truyền thống

Lão Hạc thành đại gia nhờ làm nghề truyền thống

Đều đặn mỗi ngày, ông đạp 20 km trên chiếc xe đã rỉ sét, chở theo mớ khuôn bánh nặng 60-70 kg đi tìm khách hàng. Có hôm không ai mua, ông lủi thủi về với chiếc xe còn đầy hàng. Trời tối, không đèn đường, ông vấp trúng ổ gà ngã sóng soài giữa trời mưa gió. Thương vợ con ở nhà chờ, ông cắn răng cố quên cái chân đau đứng dậy dọn đồ rơi giữa đường rồi đi tiếp.

Về đến nhà, vợ ông, bà Phạm Thị Tâm (52 tuổi) thấy chồng đi cà nhắc, quần áo, mặt mũi dính bùn đất, hốt hoảng chạy tới. Nghe chuyện, bà nói “hay mình bỏ nghề làm khuôn bánh đi, đóng giường, tủ, bàn, ghế…còn có miếng ăn qua ngày”. Ông ngồi xuống hiên nhà, cầm cây đục nhỏ, nói “Bà cứ tin ở tôi”.

Cuối cùng, năm 2011, đã có công ty bánh trung thu đặt khuôn bánh của ông. Hôm ký hợp đồng 6 tháng làm sản phẩm, mắt ông cay cay, tim đập rộn ràng, nhưng gương mặt vẫn cố giữ sự bình thản. Năm tiếp theo, ông liên kết được với 3 công ty bánh trung thu.

Chế tác bằng tay chiếm 60 % công đoạn làm khuôn bánh trung thu. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Chế tác bằng tay chiếm 60 % công đoạn làm khuôn bánh trung thu. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Cả 4 mùa, khuôn bánh của ông được sản xuất liên tục, trung bình 200 cái mỗi tháng. Những cơ sở làm đồ gỗ xung quanh nhà ông cũng bắt đầu mua mắy cắt laser làm khuôn bánh. Thế nhưng ông vẫn bình thản đục từng hình cánh hoa, gân lá, vảy cá… “Người có hồn thì mới làm ra vật có hồn, máy móc không phải là nhất”, ông bảo các con.

Qua năm 2015, làng nghề gỗ vắng người mua, còn ông Bản vẫn nhận đơn hàng không ngớt, gỗ hết lại có xe chở đến lấp đầy. Trong hơn 50 hộ gia đình làm mộc, riêng ông Bản có 2 xưởng chế tác và 2 kho chứa gỗ, tổng gần 1.000 m2, lớn nhất làng.

Ông nhớ mãi vị khách biết đến sản phẩm của ông qua một lễ hội truyền thống năm 2016 tại Sài Gòn. Vị khách nam tên Dương đến tận nơi chờ ông làm 2 khuôn bánh khắc hình chữ Tâm và Nhẫn. Biết nghề ông Bản đang dần mai một, cứ vài ba tháng, anh Dương lại gọi điện động viên nghệ nhân đừng bỏ nghề.

Ông Bản - 2

Sản phẩm này có giá 500 nghìn đồng, được ông Bản chế tác trong vòng nửa ngày. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Sản phẩm của ông bán với giá trung bình 300 nghìn đồng mỗi khuôn. Những đợt cao điểm tháng 6-7 âm lịch, ông bán được gấp đôi số lượng. Mỗi tháng, ông thu hơn 50 triệu đồng nhờ sản phẩm truyền thống này. Từ căn chòi dột nát trong làng, giờ nhà ông đã xây lên 3 tầng khang trang.

Chị Lê Thanh Trang (40 tuổi, Hà Đông) cho biết, gia đình đã dùng khuôn bánh của ông Bản nhiều năm mà chưa hư hỏng, bền hơn rất nhiều so với đồ nhựa. Những chiếc bánh làm ra từ khuôn gỗ của ông Bản có màu vàng đều, không cháy xém hay loang lổ màu.

Hết tháng 7 âm lịch người mua ít đi, nhưng ông Bản vẫn làm không ngơi tay. Có hôm, người nước ngoài đứng chờ cả ngày hỏi mua khuôn bánh về để trưng bày. Ông lục tìm toát mồ hôi nhưng vẫn cười nói “đấy, đồ truyền thống nó cũ mà có chết được đâu”.

Ông Dương Văn Minh, Phó chủ tịch UBND xã Tiền Phong luôn hào hứng mỗi lần xem ông Bản chế tác vì sự nhịp nhàng và nhanh nhạy của vị nghệ nhân. “Có ông Bản, làng nghề chỉ có phát triển hơn, khó mà lụi tàn”, ông Minh nói.

Trọng Nghĩa