Một nhà máy xử lý rác tại TP.HCM nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Google Maps |
Tại cuộc họp của UBND TP.HCM về tình hình KTXH 6 tháng đầu năm 2019 tổ chức vào sáng nay (19/7), khi đề cập đến tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý rác cho phát điện của TP, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay, trong lần nói chuyện với một lãnh đạo ở đồng bằng sông Cửu Long gần đây, ông được biết nơi này đã hoàn thành một nhà máy xử lý rác công suất 500 tấn/ngày do một công ty đến từ Hồng Kông đầu tư.
Cũng theo ông Phong, doanh nghiệp trên đã nghiên cứu kỹ loại rác của vùng nhiệt đới, do vậy đốt được cả rác chưa phân loại hay còn ướt. “Đưa vào đốt là thành điện liền” – ông Phong cho hay.
“Người ta không nói gì nhiều mà thực tế đã có một nhà máy hiện hữu. Còn mình nói nhiều, kêu gọi đến nay đã 2 năm mà chưa có nhà máy xử lý rác” – ông Phong so sánh, và cho biết mùi hôi tại các bãi rác lớn của TP đang khiến cuộc sống người dân rất bức bối.
“Riêng vụ này thấy Sở Tài nguyên và Môi trường không quyết liệt gì hết. Sở cần ra đầu bài cho các đơn vị xử lý rác, nếu không ứng dụng công nghệ thì đình chỉ chứ dễ dãi thế này không được.
Nếu kéo dài mãi thì người dân rất bức xúc. Vừa rồi ở Phú Mỹ Hưng người dân đã phản ứng, các lão thành cách mạng ở Củ Chi cũng có ý kiến. Mình phải xử lý quyết liệt vì đây cũng là nâng cao chất lượng cuộc sống” – Chủ tịch TP nhấn mạnh.
Ngay sau đó ông Phong yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng báo cáo. Trả lời câu hỏi của Chủ tịch TP, ông Thắng cho biết hiện 3 nhà máy lớn tại TP đang xử lý khoảng 8.000 tấn rác/ngày, trong đó 5.000 tấn được chôn lấp.
Dù tiến độ chậm, nhưng ông Thắng cho biết dự kiến quý 4 năm nay sẽ khởi công 2 nhà máy xử lý rác có công nghệ đốt phát điện với tổng công suất khoảng 6.000 tấn. Điều này sẽ giúp đạt mục tiêu giảm tỉ lệ rác chôn lấp xuống dưới 50% vào năm 2020.
Ngoài ra một số nhà máy khác cũng đang chuyển từ chôn lấp sang đốt thu khí gas. “Sở đã làm việc cụ thể với các nhà máy, nếu không chuyển đổi công nghệ sẽ ngưng hợp đồng” – ông Thắng cam kết.