– Phóng viên: Thưa Đại tá, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) vừa ra quân tổng kiểm soát xe trên toàn quốc. Xin Đại tá cho biết, công tác tổng kiểm soát sẽ tập trung vào những trọng tâm, trọng điểm, đối tượng chủ yếu nào?
– Đại tá Đỗ Thanh Bình: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, Cục CSGT vừa ban hành kế hoạch tổng kiểm soát xe ô tô từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô vận tải hàng hóa, nhằm chủ động phòng ngừa từ xa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trong đó có vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, quy định vận chuyển chất cháy nổ, hàng nguy hiểm.
Lực lượng CSGT được dừng các phương tiện thuộc phạm vi trên để kiểm soát chứ không chỉ phát hiện dấu hiệu vi phạm mới dùng xe để kiểm soát.
– Ngay trong những ngày đầu năm 2019, liên tiếp các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng (TNGT) đã xảy ra, gây thiệt hại lớn về người. Đại tá đánh giá như thế nào về tình hình TTATGT hiện nay?
– Qua phân tích nguyên nhân các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe tải, xe container, xe khách năm 2018 và đầu năm 2019 cho thấy gần 70% vụ xuất phát từ nguyên nhân do vi phạm các quy định về ATGT của người điều khiển phương tiện như: Chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát, sử dụng rượu bia, ma tuý…
Điều đáng suy nghĩ là một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng lại là các xe kinh doanh vận tải, tức là kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn như phải quản lý sức khoẻ, thời gian hoạt động của lái xe… Vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là phải quản lý thực sự nghiêm túc người điều khiển phương tiện từ quá trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quá trình hoạt động của lái xe; ngoài ra cũng cần quan tâm đến quản lý phương tiện và tổ chức giao thông.
Theo chúng tôi, nếu không quản lý được hoạt động kinh doanh vận tải thì khó có thể đòi hỏi quản lý được hoạt động của lái xe cá nhân.
– Một vấn đề đang gây chấn động dư luận xã hội sau các vụ TNGT thảm khốc vừa qua là tài xế dương tính với ma tuý. Đây là những trường hợp cá biệt hay đã có tiền lệ thưa Đại tá?
– Trước đây đã có những vụ TNGT mà lái xe gây tai nạn dương tính với ma túy, song số lượng không nhiều. Khi TNGT xảy ra thì kiểm tra nồng độ cồn và các chất ma tuý là một nội dung pháp lý mà cơ quan điều tra phải tiến hành để xác định trách nhiệm hình sự (cấu thành tăng nặng).
Theo kinh nghiệm quốc tế, kiểm tra nồng độ cồn, ma tuý là một phần quan trọng của quản lý lái xe đường dài chuyên nghiệp để loại trừ vi phạm, an toàn hơn cho mọi người. Việc chúng tôi thực hiện tổng kiểm soát cũng chỉ là giải pháp tình thế, chúng tôi mong cơ quản quản lý hiện nay là ngành giao thông và ngành y tế phải phối hợp chặt chẽ hơn để phòng ngừa từ gốc, giải quyết từ gốc vấn đề này.
– Nhiều người cho rằng, các chủ doanh nghiệp biết nhưng làm ngơ với tình trạng lái xe sử dụng ma tuý. Thậm chí, có những lái xe thừa nhận rằng ma tuý, heroin, cần sa là những “bài thuốc” để xả mệt mỏi vì những chuyến xe đường dài. Đại tá nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
– Hiện nay toàn quốc có hơn 355.000 xe tải và hơn 110.000 xe container đang hoạt động. Có thời điểm lượng xe tải đăng ký mới tăng 400%/1 năm, xe container tăng 500%/1 năm, dẫn đến sức ép về nguồn nhân lực.
Tôi cho rằng, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động đề nghị lái xe kiểm tra chất ma tuý và không ai ký hợp đồng nếu giấy khám sức khoẻ ghi là dương tính với ma tuý. Tuy vậy, thời gian đi kiểm tra hoàn toàn do lái xe chủ động để “qua mặt” nếu họ có sử dụng ma tuý.
Kiểm tra sức khoẻ định kỳ thường có thông báo trước, thiếu đột xuất nên khả năng phát hiện ma tuý không cao, khi kiểm tra đột xuất mới phát hiện được. Việc khám sức khỏe (nhất là kiểm tra ma tuý) cần phải làm đột xuất hoặc yêu cầu kiểm tra, xét nghiệm ngẫu nhiên lái xe, tương tự như trong hoạt động thể thao có kiểm tra doping ngẫu nhiên đối với vận động viên.
Cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần đột xuất mời lái xe (kể cả đang hoạt động trên đường) đến cơ sở y tế gần nhất đảm bảo cho việc khám chữa bệnh để làm xét nghiệm, kết quả sẽ được cập nhật kịp thời vào hồ sơ quản lý lái xe.
– Trước thực trạng giao thông hiện nay, thời gian tới, Cục Cảnh sát giao thông có giải pháp gì về quản lý lái xe?
– Ngoài việc thực hiện nghiêm túc trong quá trình tuần tra, kiểm soát phát hiện vi phạm như hiện nay, đối với một số vi phạm mà khó phát hiện được thông qua hệ thống giám sát, trực quan, thì chuyên đề kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý sẽ thuộc nhóm hành vi phải ngăn chặn từ xa; triển khai cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm để theo dõi quá trình hoạt động lái xe của lái xe, đây sẽ là căn cứ để cấp đổi giấy phép lái xe, nâng hạng và hành nghề lái xe chuyên nghiệp như các nước đã làm.
Qua các cơ quan báo chí, mạng xã hội, nhất là từ các clip ghi lại diễn biến vụ tai nạn và góp ý của người dân, đây phải là cơ hội để các cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông lắng nghe và phải thay đổi về tư duy và hành động để mạch máu giao thông không bị “tắc” từ những vụ tại nạn giao thông quá thảm khốc vừa qua.
– Xin cảm ơn Đại tá!
Châu Như Quỳnh (thực hiện)