Phương tiện nào là tối ưu trong phát triển quy hoạch Hà Nội?

0
1449

Theo Quy hoạch, tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.

Theo đó đô thị hạt nhân (trung tâm) phát triển từ khu vực nội đô về cả 4 hướng, 5 đô thị vệ tinh gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi đô thị này có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ… Cùng với đó là việc rà soát, di dời trụ sở của nhiều đơn vị, xây dựng mới các khu, cụm đại học tại khu vực ngoại thành; di chuyển các cơ sở y tế có mức độ lây nhiễm cao ra khỏi nội đô, đồng thời là đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc tế, quốc gia, hình thành 2 khu dịch vụ, phân phối, trung chuyển hàng hóa tại Sóc Sơn và Phú Xuyên.

Để phục vụ cho những quy hoạch đó, ngoài việc xây dựng các tuyến cao tốc hướng tâm nối Hà Nội với các cụm tỉnh thành khác, còn cần có các trục giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, trục giao thông nội vùng. Do đó, việc phát triển những hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng như BRT và đường sắt đô thị là cần thiết.

Phương tiện nào là tối ưu trong phát triển quy hoạch Hà Nội? - Ảnh 1.

Hà Nội hiện mới chỉ một tuyến BRT Kim Mã – Yên Nghĩa

Với năng lực vận tải lên tới 30.000 hành khách/ giờ/ hướng, Metro sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển số lượng lớn, tuyến xa. Bên cạnh đó, đường sắt đô thị là phương tiện lý tưởng đảm bảo giờ giấc, tiết kiệm hao phí xã hội lên đến hàng triệu giờ di chuyển trên đường. Lấy ví dụ, thời gian di chuyển khoảng 10 km là 35-40 phút bằng xe máy hay 60 – 70 phút bằng ô tô, và nếu gặp phải tắc đường thì thời gian còn tốn nhiều hơn nữa. Thế nhưng, cũng quãng đường như vậy nếu sử dụng Metro thì chỉ mất khoảng 15-20 phút vào bất kể thời điểm nào trong ngày, bởi tàu đường sắt đô thị chạy trên đường riêng biệt nên không bị ảnh hưởng bởi điều kiện giao thông như các phương tiện khác. Ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, ĐSTC được phát triển để trở thành xương sống của hệ thống giao thông công cộng, sau đó, các hệ thống chuyên chở khác có lợi thế về điểm số tuyến nhiều, phân tải linh động, có thể xuất hiện tại mọi địa điểm như như buýt sẽ được kết nối vào tạo thành một mạng lưới giao thông công cộng có tính bao phủ. Hệ thống này sẽ đáp ứng được phần nhiều nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm nhu cầu sử dụng xe cá nhân.

Phương tiện nào là tối ưu trong phát triển quy hoạch Hà Nội? - Ảnh 2.

Tuyến metro 2A: Cát Linh – Hà Đông sẽ được đưa vào vận hành đầu năm 2019

Dưới góc độ môi trường, tàu điện đường sắt chỉ xả ra lượng CO2 bằng 1/6 so với xe máy và bằng 1/12 so với ô tô. Rõ ràng, đây là một phương tiện cần thiết cho những thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, khi mà mật độ xe máy và ô tô luôn ở mức cao. Ví dụ như ở Hà Nội thành phố đang có khoảng gần 5.5 triệu xe máy và gần 670.000 ô tô vào năm 2017, chưa kể hơn 1 triệu xe từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông. Nếu như người dân có thể chuyển sang những phương tiện thay thế như đường sắt đô thị, chắc chắn môi trường sống của các Hà Nội sẽ được cải thiện trông thấy.

Giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, một thành phố sẽ có khó thể phát triển như mong muốn nếu như hạ tầng giao thông bị thiếu hụt. Với một đô thị như Hà Nội hây thành phố Hồ Chí Minh thì hệ thống giao thông, đặc biệt là vận tải công cộng cần phải có các đặc tính: giá thành hợp lý, diện tích chiếm dụng động thấp, xả thải ra môi trường thấp. Do vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị là cần thiết để thúc đẩy sự phát triển chung của cả xã hội cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.

H.T

Tag :hệ thống đường sắt đô thị, giao thông Hà Nội, phát triển Hà Nội