Thương cho roi cho vọt: Có nên cứng rắn để giúp người khác tốt lên?

0
5889
§

Chủ đề

Kinh điểnVặt vãnh


Tác giả: Belén López-Pérez | Nguồn: aeon

Biên dịch: Bích | Hiệu đính: Za

29/12/2018

Hãy thử tưởng tượng một người bạn thân thiết của bạn vẫn đang trì hoãn việc ôn bài dù kì thi sống còn đang đến gần. Nếu người bạn rớt trong bài kiểm tra sắp tới, anh ta sẽ không thể vào đại học và điều này sẽ gây ra ảnh hưởng to lớn tới cuộc đời của anh ta. Nếu bạn đã động viên anh ta một cách tích cực nhưng vẫn không có hiệu quả, có thể bạn nên thay đổi chiến thuật của mình, đó là làm cho bạn mình cảm thấy thật tồi tệ, thật lo lắng, và thật sợ hãi đến mức mà anh ta chỉ có thể lao vào học như điên.

Đôi khi điều duy nhất mà chúng ta có thể làm để giúp đỡ một ai đó là dùng tới biện pháp mạnh và cứng rắn, phương pháp này có thể khiến chúng ta cảm thấy tội lỗi và sai trái. Tuy nhiên, những nghiên cứu của chúng tôi tại Đại Học Liverpool Hope đã làm sáng tỏ hiệu ứng của phương pháp này.

Chúng ta thường quy đồng những cảm xúc tích cực với kết quả tốt, và đã có nghiên cứu nhằm chứng minh điều đó. Nhiều nghiên cứu về cơ chế vận hành cảm xúc cá nhân, cụ thể về cách mà một người có thể thay đổi hay gây ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác, đã nhấn mạnh hiệu quả của việc gia tăng những cảm xúc tích cực và giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực. Một số nghiên cứukhác chỉ ra rằng việc khiến ai đó cảm thấy tồi tệ có thể có tác dụng: sự giận dữ rất hữu ích khi đối mặt với một tên lừa đảo, và việc làm tổn thương một người có thể tốt cho chính người đó.

Nhóm của tôi đã ghi chép lại ứng dụng thường ngày của việc nghiêm khắc với mục đích xây dựng. Để minh chứng cho hiện tượng này, chúng tôi đã đưa ra giả thuyết về ba điều kiện tiên quyết: đầu tiên, việc làm cho người khác cảm thấy tồi tệ cần xuất phát từ một mục đích tốt; ngoài ra, những cảm xúc tiêu cực gây ra cho người kia là để giúp họ có thể đạt được một mục tiêu cụ thể nào đó; và người tạo nên nỗi đau này cần phải có sự đồng cảm với người tiếp nhận.

Để thử nghiệm hiện tượng mà chúng tôi gọi là “altruistic affect-worsening,”1 chúng tôi đã chọn ra 140 người trưởng thành và thông báo rằng họ sẽ được ghép cặp với một người chơi giấu mặt, để cùng tham gia một trò chơi trên máy tính nhằm giành lấy phần thưởng là voucher trị giá £50 trên Amazon, và sự thật thì không có ai cùng chơi với họ cả. Trước đó, những người tham gia được yêu cầu đọc một bài tâm sự, có vẻ như được viết bởi đối thủ của họ, kể về cuộc chia tay đầy đau khổ. Một số người tham dự được yêu cầu hãy cảm thông và đặt mình vào trường hợp của người này; một số thì được hướng dẫn để không để bản thân bị ảnh hưởng bởi nỗi đau khổ ấy, và nhờ đó có thể điều khiển mức độ thương cảm dành cho đối thủ. Những người tham gia chơi một trong hai trò: đầu tiên là Soldier of Fortune, trong trò chơi này, người chơi sẽ phải tiêu diệt càng nhiều kẻ thù càng tốt, đây là một trò chơi mang tính đối kháng; trong khi đó, với trò Escape Dead Island, người tham gia sẽ phải tìm cách sống sót và thoát khỏi đám zombie, trò này lại là một trò thiên về phòng vị.

Sau khi luyện tập một mình trong vòng năm phút, những người tham gia sẽ được yêu cầu quyết định xem trò chơi này nên được giới thiệu với đối thủ của họ như thế nào. Những người có sự đồng cảm cao với đối thủ đề nghị nên khiến cho đối thủ cảm thấy tức giận trong trò đối kháng và sợ hãi trong trò giải thoát – cả hai cảm xúc này đều có thể nâng cao cơ hội chiến thắng của đối thủ.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng một người càng cảm thấy thông cảm với ai đó thì người này lại càng có xu hướng chọn cách khiến người kia cảm thấy tồi tệ. Chúng tôi còn phát hiện ra một điều bất ngờ là sự lựa chọn này không phải là một điều ngẫu nhiên. Những người tham gia với sự cảm thông cao chọn những hình ảnh và âm thanh gây cảm giác tức giận trong trò đối kháng, còn ở trò chơi zombie, họ chọn nhạc và hình ảnh khiến người chơi cảm thấy sợ hãi. Trong cả hai trường hợp, những tác động này đều có tác dụng thúc đẩy đối thủ chiến thắng.

Nói tóm lại, con người, một cách bản năng, có thể hiểu được những cảm xúc tiêu cực là cách tạo động lực tốt nhất. Và hành động của những người tham gia cũng hoàn toàn có mục đích tốt: Họ chọn tạo ra những cảm xúc mà họ biết có thể giúp cho đối thủ chơi tốt hơn, đồng nghĩa với việc giảm đi cơ hội chiến thắng của chính bản thân mình.

Con người, một cách bản năng, có thể hiểu được những cảm xúc tiêu cực là cách tạo động lực tốt nhất.

Tuy nhiên, vẫn còn một số câu hỏi chưa có lời giải đáp: liệu chúng ta có hành động như thế trong suốt thời thơ ấu và khi bắt đầu trưởng thành? Nếu không, những yếu tố nào đã góp phần hình thành nên xu hướng này? Chiến thuật nào mà chúng ta thường dùng trong giao tiếp đời thường nhằm khiến cho người khác cảm thấy tồi tệ? Nghiên cứu của chúng tôi chỉ xem xét phản ứng diễn ra giữa những người hoàn toàn xa lạ, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như người tham gia và đối thủ của anh ta là bạn thân hoặc là người thân trong gia đình? Những nghiên cứu khác cho thấy rằng, trong một số trường hợp, xu hướng sử dụng chiến thuật “thương cho roi cho vọt” này có thể còn mạnh hơn. Một số nghiên cứu sử dụng những phương tiện như nhật ký hay video còn có thể cho thấy được cách “thương cho roi cho vọt” (affect-worsening) vận hành trong đời sống.

Cuối cùng thì đâu là giới hạn của “thương cho roi cho vọt” (affect-worsening), và liệu ý tốt cùng sự quan tâm có trở thành một con dao hai lưỡi? Có thể việc tỏ ra nghiêm khắc là không cần thiết, chúng ta đã hiểu nhầm và nghĩ rằng phải khiến người khác thấy tồi tệ mới có thể giúp họ có được cuộc sống viên mãn dài lâu. Nói cách khác, có thể việc làm này trên thực tế lại khiến cuộc sống của họ tồi tệ hơn. Trở lại với câu chuyện mở đầu bài viết, sau khi nhận được sự tác động, người bạn cuối cùng cũng có thể đỗ đại học, nhưng anh ta chợt nhận ra rằng con đường này không dành cho mình. Hoặc nếu người bạn kia là một người dễ bị tổn thương, chiến thuật của bạn nhằm giúp đỡ anh ta cuối cùng lại khiến cho người bạn cảm thấy bất hạnh và làm tổn thương lòng tự trọng của anh ấy, dẫn đến một sự tụt dốc không phanh.

Đâu là giới hạn của “thương cho roi cho vọt?” Liệu ý tốt cùng sự quan tâm có trở thành một con dao hai lưỡi? Ảnh: Unsplash.

Dù cho sự phũ phàng có thể có tác dụng, nhưng liệu nó có phải là biện pháp hữu ích nhất? Trong nghiên cứu ban đầu của chúng tôi, những người tham dự không được lựa chọn cách tạo ra những cảm xúc tích cực cho đối thủ. Vì thế mà chúng tôi không thể kiểm tra được những người tham gia với sự đồng cảm cao hơn liệu có muốn giúp đối thủ của mình bằng cách tạo ra những cảm xúc tích cực ở họ? Nghiên cứu của chúng tôi vẫn tiếp tục, tuy nhiên có một điều đã rõ, cảm thông với người khác không chỉ có nghĩa là giúp đỡ và cổ vũ mà còn cả sự nghiêm khắc. Chỉ có nghiên cứu sâu hơn mới có thể giúp ta trả lời được câu hỏi: làm thế nào để tàn nhẫn một cách hiệu quả mà vẫn không gây tổn hại đến những người chúng ta yêu thương.


  1. “Altruistic affect-worsening” có thể hiểu là làm ai đó cảm thấy tồi tệ hơn nhưng với mục đích tốt.↩