Google và những bí mật đen tối của con người

0
3352
§

Chủ đề

Dòng chảyKinh điển


Tác giả: Seth Stephens-Davidowitz | Nguồn: The Guardian

Biên dịch: Minh Nhật | Hiệu đính: Ninh

04/08/2018

Mọi người ai cũng đã từng nói dối. Chúng ta nói dối về lượng cồn đã nốc trên đường về, về số lần lết đến phòng tập gym mỗi tuần, về số tiền bỏ ra cho đôi giày mới đang đi, hay chém gió về cuốn sách mà ta còn chưa từng giở ra xem. Chúng ta ho sụ vào điện thoại và cáo bệnh với sếp khi đang chờ đến lượt vào rạp; nói với người quen “cuối tuần này café nhé” vào năm ngoái nhưng đến năm nay vẫn chưa gặp nhau lần nào; an ủi người khác rằng mấy lời cay độc ấy không phải đang ám chỉ họ đâu khi thực tế thì ngược lại; tỏ tình với người mình không yêu; nói rằng bản thân hạnh phúc trong khi cảm thấy cuộc sống đang bế tắc. Một số bảo thích phụ nữ trong khi cặp kè với đàn ông. Ta nói dối với bạn bè, sếp, lũ trẻ, cha mẹ, bác sĩ, chồng hay vợ của mình, và nói dối cả chính bản thân chúng ta. Đương nhiên là những cuộc khảo sát cũng không thoát khỏi danh sách trên. Thử nhé:

Bạn đã bao giờ gian lận trong thi cử chưa?

Bạn đã bao giờ tưởng tượng ra cảnh cho ai đó lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân chưa?

Khi bị hỏi thế, bạn có thấy thôi thúc muốn nói dối không?

Trong các cuộc khảo sát, mọi người có xu hướng thiếu thành thật khi được hỏi về những suy nghĩ và hành vi đáng xấu hổ. Ai cũng muốn được nhìn nhận là người tốt, dù cho hầu hết các cuộc khảo sát đều giữ bí mật tên người thực hiện. Hiệu ứng tâm lý này được gọi chung là thành kiến mong ước xã hội (social desirability bias). Một thời báo có tiếng năm 1950 cung cấp những bằng chứng mạnh mẽ, cho thấy các cuộc khảo sát đã trở thành nạn nhân của loại thành kiến trên như thế nào. Các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu từ các nguồn chính thống về những người dân sống tại Denver để thống kê tỷ lệ phần trăm số người tham gia bầu cử, quyên góp từ thiện, và sở hữu thẻ thư viện. Sau đó thực hiện khảo sát trên dân cư để xác định xem hai số liệu này có khớp với nhau không. Kết quả rất bất ngờ. Những gì người dân trả lời khi được khảo sát khác xa so với dữ liệu các nhà nghiên cứu thu thập trước đó. Tuy cuộc khảo sát không ghi lại tên người tham gia, nhưng số đông mọi người vẫn thổi phồng câu trả lời của họ về việc đăng ký và tham gia bầu cử, và việc quyên góp từ thiện.

Đã có gì thay đổi trong 65 năm qua? Trong thời đại internet thịnh hành như ngày nay, việc không sở hữu thẻ thư viện không còn là điều đáng xấu hổ nếu được hỏi nữa. Thế nhưng, khi có những thay đổi trong những thứ mọi người từng cảm thấy xấu hổ nếu được hỏi, thì khuynh hướng lừa dối những người đi phỏng vấn của chúng ta vẫn không hề suy suyển. Trong một cuộc khảo sát mới được thực hiện gần đây tại Đại học Maryland, các cử nhân được hỏi về những trải nghiệm quãng đời sinh viên của mình. Câu trả lời sau đó được đem so sánh với các hồ sơ nhà trường. Các cử nhân đã đưa ra những thông tin sai lệch theo hướng làm cho họ trông giỏi giang hơn. Chưa đến 2% cử nhân cho biết điểm tốt nghiệp trung bình của họ dưới 2,5 GPA trong khi thực tế con số thống kê lên đến 11%. 44% cho biết đã tham gia quyên góp cho trường vào năm ngoái, nhưng thực sự chỉ có 28%.

Rồi lại còn một thói quen kỳ lạ, đó là chúng ta thỉnh thoảng lừa dối cả chính bản thân mình. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến rất nhiều người nói rằng họ giỏi hoặc tốt hơn mức trung bình. Vậy vấn đề này nghiêm trọng đến mức nào? Hơn 40% kỹ sư trong một công ty khẳng định họ đang nằm trong danh sách 5% kỹ sư giỏi nhất. Hơn 90% giáo sư đại học cho biết họ làm việc năng suất hơn số đông. Một phần tư số học sinh trung học phổ thông nghĩ rằng các em nằm trong danh sách 1% đứng đầu về khả năng hòa nhập với các bạn khác. Khi đến cả bản thân mà bạn còn đánh lừa như thế thì có gì đảm bảo bạn sẽ thành thật khi được người khác khảo sát?

Những lúc càng riêng tư, con người ta càng trở nên thành thật. Để thúc đẩy người được khảo sát trả lời thành thật hơn, những cuộc khảo sát trên internet sẽ hiệu quả hơn khảo sát qua điện thoại, và khảo sát qua điện thoại sẽ tốt hơn các cuộc khảo sát mặt đối mặt. Mọi người sẽ thừa nhận nhiều hơn nếu họ đang ở một mình hơn là khi đang có những người khác trong phòng. Tuy nhiên, đối với những chủ đề nhạy cảm, mọi phương pháp khảo sát đều dẫn đến những kết quả không đáng tin cậy vì mọi người chẳng có động cơ gì để nói thật cả.

Vậy làm thế nào chúng ta có thể biết được mọi người xung quanh đang thực sự nghĩ và làm gì? Câu trả lời là nhờ vào dữ liệu lớn (big data). Một số nguồn trực tuyến khiến con người thừa nhận cả những điều họ không bao giờ thừa nhận ở bất cứ nơi nào khác. Những nguồn trực tuyến ấy giống như một loại huyết thanh kỹ thuật số khiến mọi người nói ra sự thật. Hãy nghĩ về việc tìm kiếm trên Google. Nhớ lại những điều kiện khiến con người trở nên thành thật hơn. Trực tuyến? Chuẩn. Một mình? Chuẩn luôn. Không có ai quản lý cuộc khảo sát? Chuẩn nốt.

Quyền năng của Google nằm ở chỗ chúng ta tâm sự với cỗ máy tìm kiếm khổng lồ này những điều mà chúng ta chẳng bao giờ hé răng với người khác. Tuy Google được phát minh để mọi người có thể tìm hiểu thế giới chứ không phải để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về con người, nhưng hóa ra dấu vết mà ta để tại sau những lần tìm kiếm thông tin trên internet lại tiết lộ rất nhiều về chính chúng ta.

Dấu vết mà ta để tại sau những lần tìm kiếm thông tin trên internet lại tiết lộ rất nhiều về chính chúng ta.

Tôi đã dành bốn năm qua để phân tích kết quả tìm kiếm ẩn danh từ dữ liệu của Google. Những phát hiện mới vẫn không ngừng xuất hiện. Bệnh tâm thần, khuynh hướng tình dục, nạo phá thai, tôn giáo, sức khỏe. Các chủ đề này không hề nhỏ, và bộ dữ liệu này, dù chỉ mới xuất hiện trong vài thập kỷ gần đây, đã cho chúng ta những góc nhìn mới đáng ngạc nhiên. Đến giờ thì tôi tin chắc rằng những tìm kiếm qua Google là bộ dữ liệu quan trọng nhất từng được thu thập về tâm lý con người.

Sự thật về giới tính

Có bao nhiêu đàn ông Mỹ là đồng tính nam? Đây là một câu hỏi thường xuyên trong những nghiên cứu về khuynh hướng giới tính. Tuy nhiên, nó vẫn luôn là một trong những câu hỏi khó nhằn nhất đối với những nhà khoa học xã hội. Những nhà tâm lý học không còn tin vào ước tính nổi tiếng của Alfred Kinsey – dựa vào những khảo sát chủ yếu được thực hiện trên tù nhân và gái mại dâm – cho kết quả 10% đàn ông Mỹ đồng tính. Những khảo sát điển hình được thực hiện gần đây lại cho biết con số này chỉ dao động trong khoảng từ 2% – 3%. Dù vậy, khuynh hướng tình dục từ lâu đã là chủ đề mà mọi người có xu hướng nói dối. Vì thế tôi đã nảy ra ý tưởng sử dụng dữ liệu lớn để tìm ra câu trả lời chuẩn xác hơn cho vấn đề này.

Trước hết, hãy xem xét kết quả khảo sát. Khảo sát cho thấy ở các bang “cởi mở” có nhiều đàn ông đồng tính hơn những bang còn lại. Lấy ví dụ, theo một cuộc khảo sát của Gallup, tỷ lệ đàn ông đồng tính tại Rhode Island (nơi kết hôn đồng tính nhận được nhiều ủng hộ nhất) cao hơn gần gấp đôi so với bang Mississippi (bang ít ủng hộ kết hôn đồng tính nhất). Có hai cách giải thích cho sự khác biệt này. Một là những người đàn ông đồng tính sinh ra tại những bang “khó tính” kia di cư đến những bang “dễ tính”. Hai là những người đàn ông đồng tính tại những bang “khó tính” che giấu đi giới tính thật của họ. Hướng giải thích thứ nhất – sự di cư của những người đồng tính – cũng được một nguồn dữ liệu lớn khác hậu thuẫn: đó chính là Facebook, phương tiện truyền thông đại chúng cho phép người dùng liệt kê giới tính mà họ quan tâm. Khoảng 2,5% đàn ông sử dụng Facebook lựa chọn giới tính quan tâm là nam giới; kết quả này phù hợp với những gì mà các cuộc khảo sát đã chỉ ra.

Những tìm kiếm qua Google là bộ dữ liệu quan trọng nhất từng được thu thập về tâm lý con người. Ảnh: Pixabay.

Facebook cũng cho thấy những điểm khác biệt lớn trong số lượng người đồng tính nam giữa các bang “dễ tính” và “khó tính”; trên Facebook, số người đồng tính nam tại Rhode Island cao hơn gấp đôi so với tại Mississippi. Facebook cũng có thể cung cấp các thông tin về sự di chuyển của người dùng. Tôi đã mã hóa một số tài khoản người dùng đồng tính nam công khai tại một thị trấn. Điều này cho phép tôi trực tiếp ước lượng được số lượng người đồng tính nam di chuyển từ những bang “dễ tính” sang những bang khác “khó tính hơn” trong nước. Kết quả là? Những chuyển dịch hẳn nhiên là có diễn ra – ví dụ từ thành phố Oklahoma đến San Francisco. Nhưng ước tính của tôi cho thấy, việc những người đồng tính nam di chuyển đến các khu vực ít thành kiến hơn chỉ là lời giải cho chưa đến một nửa lượng khác biệt.

Nếu việc di cư không thể giải đáp đầy đủ cho câu hỏi hóc búa kia thì tại sao một số bang lại có nhiều người đồng tính công khai đến vậy? Hẳn phải có một bí mật to lớn nào đó ẩn sau. Điều này mang chúng ta trở lại với Google, nơi mọi người có thể dễ dàng bày tỏ hơn rất nhiều.

Sử dụng những dữ liệu từ hai dịch vụ Google tìm kiếm và Google AdWords, tôi ước tính được có khoảng 5% trên tổng số lượt tìm kiếm phim khiêu dâm của đàn ông trên khắp cả nước là những tìm kiếm về phim khiêu dâm đồng tính nam. Về tổng thể, số lượt tìm kiếm về chủ đề này tại những bang “dễ tính” cao hơn so với những bang “khó tính.” Tại Mississippi, tôi ước tính có khoảng 4,8% lượt tìm kiếm phim khiêu dâm đồng tính nam trên tổng số lượt tìm kiếm phim khiêu dâm, một con số cao hơn rất nhiều so với kết quả từ những cuộc khảo sát khác hay từ Facebook, và khá gần với kết quả 5,2% trong ước tính tương tự tại Rhode Island.

Vậy rốt cuộc có bao nhiêu đàn ông Mỹ là đồng tính nam? Theo kết quả tính toán từ số lượt tìm kiếm phim khiêu dâm của đàn ông Mỹ thì xấp xỉ 5% có vẻ là một đáp số hợp lý. Tất nhiên, 5% này chỉ là con số ước tính. Trong số đó có cả những người lưỡng giới và một số khác – đặc biệt là những người trẻ tuổi – không rõ về giới tính của mình. Rõ ràng đây không phải là loại thống kê có thể cho kết quả chính xác như trường hợp đếm số người bỏ phiếu hay số người đi xem một bộ phim. Ước tính của tôi tuy vậy lại gây ra một hệ quả: rất nhiều đàn ông tại Mỹ, đặc biệt là tại những bang “khó tính” vẫn tiếp tục che giấu vấn đề này. Họ không tiết lộ giới tính quan tâm trên Facebook, không thừa nhận khi được khảo sát, và trong nhiều trường hợp, họ thậm chí còn kết hôn với phụ nữ.

Nói về chuyện kết hôn, hóa ra các bà vợ nghi ngờ chồng mình là đồng tính nam khá thường xuyên. Sự nghi ngờ thể hiện qua số lượng lượt tìm kiếm nhiều một cách đáng ngạc nhiên: “Có phải chồng tôi là người đồng tính?” Từ “đồng tính” sẽ xuất hiện khi gõ chuỗi tìm kiếm “Có phải chồng tôi …” nhiều hơn 10% so với vị trí thứ hai là cụm từ “đang lừa dối,” gấp tám lần cụm “bị nghiện rượu” và 10 lần cụm “bị trầm cảm.”

Từ “đồng tính” sẽ xuất hiện khi gõ chuỗi tìm kiếm “Có phải chồng tôi …” nhiều hơn 10% so với vị trí thứ hai là cụm từ “đang lừa dối.”

Có lẽ điều ấn tượng nhất chính là những tìm kiếm nghi ngờ giới tính thật của chồng phổ biến hơn rất nhiều tại những bang “khó tính” nhất. Bang có tỷ lệ cao nhất số phụ nữ tìm kiếm nội dung này là South Carolina và Louisiana. Thực tế thì tại 21 trên tổng số 25 bang có lượt tìm kiếm nhiều nhất nội dung trên, việc ủng hộ kết hôn đồng tính thấp hơn so với trung bình toàn quốc.

Người ta không chỉ giấu giếm những nghi ngờ không căn cứ của mình. Khi đề cập đến chuyện giường chiếu, mọi người đều giữ lấy bí mật của mình – ví dụ như số lần họ quan hệ. Báo cáo cho biết người Mỹ sử dụng nhiều bao cao su hơn số lượng bán ra mỗi năm. Bạn có thể vì thế nghĩ rằng họ chỉ đang múa mép về việc chăm chỉ dùng bao cao su của mình. Nhưng có bằng chứng cho thấy họ còn thổi phồng tần suất lên giường của mình. Khoảng 11% phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44 cho biết họ thường xuyên quan hệ tình dục, hiện không mang thai, và không sử dụng các biện pháp tránh thai. Ngay cả khi giả định tương đối thận trọng về số lần quan hệ của họ, các nhà khoa học cũng tính ra rằng 10% trong số đó1 sẽ mang thai mỗi tháng. Nhưng tính toán này vượt qua tổng số trường hợp mang thai tại Mỹ (với tỷ lệ 1 trên 1132 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ).

Với một nền văn hóa bị ám ảnh bởi vấn đề tình dục như của chúng ta, thật khó để có thể thừa nhận việc bạn không được mạnh cho lắm trong chuyện chăn gối. Nhưng nếu bạn đang kiếm tìm sự cảm thông hay lời khuyên dành cho mình, bạn sẽ lại tâm sự với Google. Trên Google, những lời phàn nàn về vợ hoặc chồng không muốn quan hệ nhiều gấp 16 lần những lời ca thán rằng vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau. Số lời than thở về chuyện người yêu không muốn quan hệ thì nhiều gấp 5,5 lần số lời than phiền về việc họ không trả lời tin nhắn của đối phương.

Và những tìm kiếm bằng Google đưa ra một thủ phạm bất ngờ cho rất nhiều mối quan hệ “chay” nói trên. Số phàn nàn về việc bạn trai không muốn quan hệ nhiều gấp đôi so với những phàn nàn đối với những bạn gái. Cho đến nay, lời phàn nàn về bạn trai phổ biến nhất trên mục tìm kiếm là “Bạn trai tôi không muốn ‘lên giường’ với tôi.” (Google tìm kiếm không phân chia giới tính, nhưng theo phân tích trước thì có 95% đàn ông “thẳng,” và như vậy ta có thể đoán được rằng cũng không có nhiều tìm kiếm về “bạn trai” đến từ đấng mày râu.)

Mọi người có xu hướng thiếu thành thật khi được hỏi về những suy nghĩ và hành vi đáng xấu hổ. Ảnh: Unsplash.

Phải lý giải vấn đề trên thế nào đây? Liệu thực sự kết quả phân tích này có đưa đến kết luận các bạn trai từ chối quan hệ thường xuyên hơn những bạn gái hay không? Cũng không hẳn. Như đã đề cập, Google tìm kiếm có thể thiên về chọn đối tượng ngại nói chuyện, vì cánh đàn ông thường cảm thấy thoải mái hơn phụ nữ trong việc chia sẻ với bạn bè khi người yêu của họ ít hứng thú với việc quan hệ. Tuy nhiên, thậm chí cả khi những dữ liệu từ Google không thực sự dẫn đến kết luận trên, ta có thể thấy được việc các bạn trai từ chối quan hệ vẫn phổ biến hơn so với những gì mọi người tiết lộ.

Những dữ liệu từ Google cũng đưa ra lý do vì sao con người ta lại thường xuyên tránh né chuyện quan hệ như vậy: vì những lo lắng phần lớn là thái quá. Hãy bắt đầu với những nỗi lo của đàn ông. Chuyện đàn ông lo lắng về kỹ năng quan hệ của mình cũng không phải điều mới lạ, nhưng mức độ lại trầm trọng hơn ta tưởng. Họ tìm kiếm trên Google thông tin về “cậu nhỏ” của mình nhiều hơn so với tất cả những bộ phận khác như phổi, gan, chân, tai, mũi, họng, và não cộng lại. Phương pháp tăng kích thước “cậu nhỏ” còn được tìm kiếm thường xuyên hơn cách lên dây đàn, cách làm ốp-la, hay cách thay lốp xe. Mối quan tâm hàng đầu của đàn ông khi tìm kiếm trên Google về steroid không phải là liệu loại hooc-môn này có gây ra vấn đề sức khỏe nào hay không, mà là liệu nó có làm giảm kích thước “cậu nhỏ” của họ hay không. Và mối quan tâm hàng đầu khi tìm kiếm về những thay đổi cơ thể hay đầu óc khi họ già đi vẫn là liệu “cậu nhỏ” của họ có nhỏ đi hay không.

Vậy phụ nữ có quan tâm đến kích thước “cậu nhỏ” của đấng mày râu không? Rất hiếm khi, theo như phân tích từ các tìm kiếm trên Google. Cứ mỗi tìm kiếm của phụ nữ về thông tin về “cậu nhỏ” của bạn đời mình, thì người bạn đời kia đã tự tìm kiếm điều tương tự gần 170 lần. Thực sự thì trong một số rất ít trường hợp, phụ nữ cũng bày tỏ quan ngại về “cậu nhỏ” của bạn đời, và thường thì là về kích cỡ, nhưng không hẳn là vì nó nhỏ. Hơn 40% những phàn nàn về kích thước ấy lại là do nó quá to. “Đau” là từ được sử dụng nhiều nhất trong chuỗi tìm kiếm “___ khi làm tình”. Trong khi đó, chỉ có 1% nội dung tìm kiếm của đấng mày râu khi tra cứu thông tin về việc thay đổi kích thước “cậu nhỏ” là về cách giảm kích cỡ xuống.

Vấn đề phổ biến thứ hai của giới đàn ông là phương pháp làm “cuộc vui” diễn ra lâu hơn. Một lần nữa, cách đàn ông và phụ nữ quan tâm đến vấn đề này lại không giống nhau. Lượng tìm kiếm về cách làm cho bạn trai mình lên đỉnh nhanh hơn hay lâu hơn gần như bằng nhau. Mà trên thực tế thì mối quan tâm lớn nhất của chị em về chuyện cực khoái của bạn trai không phải là việc nó xảy ra nhanh chậm thế nào, mà là tại sao lại chẳng thấy nó đâu.

Chúng ta không thường nói về chuyện nhan sắc đàn ông. Nhưng trong khi mọi người nghĩ rằng nói chung sự quan tâm về ngoại hình là chuyện của phụ nữ, thì thực sự cán cân không hẳn chỉ hoàn toàn nghiêng về một bên như vậy. Theo kết quả phân tích Google AdWords (dịch vụ này có khả năng đếm số người tham quan các trang web) của tôi, nam giới chiếm tới 42% những quan tâm đến làm đẹp và thể dục hình thể (fitness), 33% đối với quan tâm đến giảm cân, và 39% đối với phẫu thuật thẩm mỹ. Còn với những tìm kiếm có nội dung “làm thế nào” liên quan đến ngực thì khoảng 20% quan tâm đến cách loại bỏ vú ở nam giới.

Sự thật về lòng căm ghét và thành kiến

Tình dục và tình yêu không chỉ là chủ đề duy nhất khiến mọi người cảm thấy xấu hổ, và vì thế cũng không phải là những thứ duy nhất mà mọi người giữ bí mật. Rất nhiều người, với lý do tốt, có khuynh hướng không thể hiện ra những thành kiến của mình. Có thể gọi đó là một sự tiến bộ, khi rất nhiều người ngày nay cảm thấy chính họ sẽ bị phán xét nếu thừa nhận bản thân phán xét người khác chỉ dựa vào màu da, giới tính, hay tôn giáo. Tuy nhiên rất nhiều người Mỹ vẫn hành xử như vậy. Nhìn vào Google, bạn có thể thấy người dùng thỉnh thoảng vẫn lên hỏi những câu như: “Tại sao người da màu lại thô lỗ như vậy?” hay “Tại sao người Do Thái lại độc ác đến thế?”

Có một số nét đặc trưng của những định kiến này. Ví dụ như những người Mỹ gốc Phi là nhóm người duy nhất phải đối mặt với định kiến “thô lỗ.” Gần như tất cả mọi nhóm người đều là nạn nhân của định kiến “ngu ngốc” ngoại trừ người Do Thái và Hồi giáo. Định kiến “xấu xa” áp lên người Do Thái, Hồi giáo và người đồng tính nhưng lại bỏ qua cho người da đen, người Mexico, người châu Á, và những người theo đạo Thiên Chúa. Người Hồi giáo là nhóm người duy nhất bị xem như những tên khủng bố. Khi một người Hồi giáo tại Mỹ dính vào định kiến này, phản ứng của công chúng có thể xuất hiện và trở nên dữ dội một cách rất nhanh chóng. Những dữ liệu từ Google tìm kiếm có thể cung cấp cho chúng ta thông tin đến từng phút khi những làn sóng giận dữ như thế bùng nổ.

Những dữ liệu từ Google tìm kiếm có thể cung cấp cho chúng ta thông tin đến từng phút khi những làn sóng giận dữ như thế bùng nổ.

Hãy cùng nhìn lại những gì đã diễn ra sau vụ xả súng tại San Bernardino, California ngày 02 tháng 12 năm 2015. Sáng hôm ấy, Rizwan Farook và Tashfeen Malik đã xông vào một cuộc họp mang theo súng lục cùng súng trường bán tự động và ra tay tàn sát 14 người. Đến tối, chỉ vài phút sau khi các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin đầu tiên về một trong những tay súng mang cái tên có vẻ Hồi giáo, một số lớn người dân California đã quyết định họ muốn làm gì với những người Hồi giáo: đó là xử tử họ. Tìm kiếm xuất hiện hàng đầu trên Google vào thời điểm ấy với từ khóa “người Hồi giáo” là “xử tử người Hồi giáo.” Về tổng thể, người Mỹ tìm kiếm cụm “xử tử người Hồi giáo” với tần suất bằng với cụm “công thức rượu martini” và “các triệu chứng đau nửa đầu.”

Trong những ngày kế tiếp sau vụ xả súng tại San Bernardino, người Mỹ bắt đầu quan tâm đến “làn sóng chống Hồi giáo,” số khác thì tìm kiếm về “xử tử người Hồi giáo,” Trong khi những tìm kiếm tiêu cực về người Hồi giáo trước vụ xả súng chỉ xấp xỉ 20%, con số này đã tăng lên hơn 50% tổng số tìm kiếm chỉ trong vài giờ sau đó. Và dữ liệu tìm kiếm thống kê từng phút này có thể cho thấy cơn thịnh nộ này đã trở nên khó kiểm soát đến thế nào.

Bốn ngày sau vụ xả súng, tổng thống Obama đã có một bài phát biểu vào khung giờ cao điểm đến toàn nước Mỹ. Ông cam đoan với người dân Mỹ rằng chính phủ có đủ khả năng ngăn chặn khủng bố, và quan trọng hơn là làm dịu đi làn sóng chống Hồi giáo đang trở nên nguy hiểm kia, đồng thời khẩn khoản kêu gọi lòng khoan dung từ mọi người. Bài phát biểu đã có sức lay động đến người dân. Thời báo Los Angeles ca ngợi Obama về việc “[xua tan] đi nỗi lo sợ đang bao phủ tâm trí của chúng ta.” Thời báo New York nhận xét đây là một bài phát biểu có tính “kiên định” và “bình tĩnh.” Trang web ThinkProgress tán dương bài phát biểu là “một công cụ không thể thiếu trong công tác an dân, hướng đến việc bảo vệ cuộc sống người Mỹ Hồi giáo.” Nói cách khác, bài phát biểu của Obama xem như đã gặt hái được thành công lớn. Nhưng liệu có phải vậy không?

Dữ liệu tìm kiếm trên Google lại cho thấy điều ngược lại. Tôi đã kiểm tra các dữ liệu cùng với Evan Soltas, tại Princeton. Trong bài phát biểu, tổng thống có đoạn: “Loại bỏ tình trạng phân biệt đối xử là trách nhiệm của toàn thể người dân Mỹ và của tất cả các đức tin.” Nhưng những tìm kiếm gọi người Hồi giáo là “những kẻ khủng bố,” “tệ hại,” “bạo lực,” và “xấu xa” lại tăng gấp đôi chỉ một thời gian ngắn sau bài phát biểu. Tổng thống có nói: “Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm loại bỏ việc kiểm duyệt tôn giáo của những người nhập cư vào nước Mỹ.” Nhưng những tìm kiếm tiêu cực về dân tị nạn Syrian — chủ yếu là những người Hồi giáo đang tuyệt vọng tìm kiếm cho mình một nơi lánh nạn an toàn — gia tăng lên 60%, trong lúc những tìm kiếm về cách giúp đỡ những người tị nạn này giảm đi 35%. Obama kêu gọi người dân Mỹ “đừng quên rằng tự do còn có sức mạnh lớn hơn cả nỗi sợ.” Thế nhưng những tìm kiếm về “xử tử người Hồi giáo” lại tăng gấp ba trong lúc ông đang phát biểu. Thực tế là, hầu hết những tìm kiếm tiêu cực về người Hồi giáo mà chúng tôi có thể nghĩ đến đều tăng vọt trong suốt và sau bài phát biểu của Obama, còn những tìm kiếm tích cực mà chúng tôi nghĩ ra được thì đều giảm.

Nói theo cách khác, Obama đã nói ra tất cả những điều đúng đắn mà ông cần phải phát biểu. Nhưng những dữ liệu mới từ internet, như một loại huyết thanh kỹ thuật số chống nói dối, đã cho thấy bài phát biểu thực ra lại đem tới kết quả ngược với mong đợi ban đầu. Thay vì làm dịu đi cơn giận dữ của đám đông như mọi người suy nghĩ, Obama thực sự đã khiến cho sự việc còn trở nên trầm trọng hơn. Thi thoảng những dữ liệu từ internet cũng giúp chúng ta điều chỉnh lại bản tính tự mãn của chính mình.

Lời kêu gọi lòng khoan dung không hề làm cho cơn sóng giận dữ dịu đi. Ảnh: Unsplash.

Vậy thì tổng thống Obama phải nói gì mới có thể dập tắt được con sóng thù hận đang dâng trào trên đất Mỹ đây? Ta sẽ cùng quay lại câu hỏi này sau. Trước tiên, hãy cùng nhau xem xét lại một định kiến đã tồn tại lâu đời như một nét đặc trưng của nước Mỹ, một định kiến mang trong mình sức tàn phá mạnh nhất, đồng thời cũng là chủ đề của nghiên cứu hình thành nên quyển sách này. Trong khi làm việc với những dữ liệu tìm kiếm của Google, sự căm ghét đáng đề cập nhất mà tôi tìm ra được chính là sự phổ biến của từ khóa tìm kiếm “nigger”3 (người da đen).

Dù ở dạng số ít hay số nhiều, từ khóa này cũng nằm trong 7 triệu tìm kiếm của người Mỹ mỗi năm. (Từ dùng trong các ca khúc rap hầu như luôn là “nigga”, thay vì “nigger”, nên lời bài hát hip-hop không ảnh hưởng tới thống kê này.) Số lượt tìm kiếm từ khóa “nigger jokes” (trò cười về dân da đen) nhiều gấp 17 lần so với tất cả những “kike jokes” (trò cười về dân Do Thái), “gook jokes” (trò cười về dân ngoại quốc), “spic jokes” (trò cười về dân Mỹ Latin), “chink jokes” (trò cười về dân Mỹ gốc Á), và “fag jokes” (trò cười về dân đồng tính nam) cộng lại4 Những tìm kiếm như thế xuất hiện nhiều nhất vào thời điểm nào? Bất cứ khi nào người Mỹ gốc Phi xuất hiện trên mặt báo. Và trong những lần đó, số lượt tìm kiếm tăng lên cao nhất chính là vào thời điểm cơn bão Katrina xảy ra vào năm 2015, khi đài báo đưa lên hình ảnh những người dân da đen khốn khổ đang đấu tranh để giành lại sự sống cho chính mình. Trong cuộc bầu cử đầu tiên của Obama, điều tương tự cũng xảy ra. Và số lượt tìm kiếm gia tăng trung bình khoảng 30% vào Ngày Martin Luther King Jr.5

Việc từ lóng miệt thị này quá đỗi phổ biến khiến ta phải đặt nghi vấn lại về những hiểu biết của chúng ta đối với vấn đề phân biệt sắc tộc. Bất kỳ lý thuyết nào về phân biệt sắc tộc cũng đều bị thử thách trước câu đố lớn tại Mỹ này. Một mặt, đại đa số người Mỹ da đen đều nghĩ họ phải chịu đựng thành kiến – và họ có thừa bằng chứng về việc phân biệt đối xử khi bị cảnh sát vẫy vào, khi phỏng vấn xin việc, và trong những quyết định của tòa án. Mặt khác, hiếm có người Mỹ da trắng nào lại đi thừa nhận họ có phân biệt chủng tộc. Những nhà khoa học chính trị thì cho rằng nguyên nhân phần lớn là do thành kiến ngầm lan rộng. Theo lý thuyết này, người Mỹ da trắng có thể có ý tốt, nhưng họ vẫn có thành kiến trong tiềm thức, và điều đó ảnh hưởng đến cách họ đối xử với những người Mỹ da đen.

Các học giả đã phát minh ra một phương pháp tinh vi để có thể kiểm chứng loại thành kiến này, gọi là kiểm nghiệm liên kết ngầm. Trong bài kiểm tra, hầu hết mọi người đều tốn nhiều hơn một phần nghìn giây để liên kết khuôn mặt của người da đen với những từ tích cực, như là “tốt đẹp,” hơn là với những từ tiêu cực, như “tồi tệ.” Nếu thay thế bằng khuôn mặt của người da trắng vào bài kiểm tra, kết quả sẽ đảo ngược lại. Phần thời gian mọi người tốn nhiều hơn trong bài kiểm tra chính là bằng chứng cho thành kiến ngầm của một số người – một dạng thành kiến mà bản thân một người thậm chí cũng không thể nhận thức được.

Dẫu vậy, cũng có một hướng giải thích khác cho sự phân biệt đối xử mà những người Mỹ gốc Phi phải hứng chịu trong khi những người da trắng lại chối bỏ: đó là sự phân biệt chủng tộc thẳng thừng nhưng được che giấu. Giả sử có một sự phân biệt chủng tộc có ý thức và phổ biến rộng rãi mà mọi người đều biết nhưng không ai muốn thú nhận – nhất là trong những cuộc khảo sát – thì điều đó hoàn toàn khớp với những gì mà dữ liệu tìm kiếm thể hiện. Mục đích quá rõ ràng khi anh tìm kiếm về “nigger jokes” (Những trò cười về dân da đen). Và thật khó có thể hình dung rằng không có một sự kỳ thị rõ rệt nào nhắm đến những người Mỹ gốc Phi, khi mà người Mỹ tìm kiếm từ khóa “nigger” trên Google với tần suất bằng với “chứng đau nửa đầu” và “nhà kinh tế học.” Trước khi có những dữ liệu Google, chúng ta không có một phương pháp thuyết phục nào để đo lường sự thù địch nguy hiểm này. Giờ thì mọi thứ đã thay đổi, nhờ đó chúng ta có thể đứng trên cương vị người quan sát để giải thích những điều đã xảy ra. Như lý do tại sao tổng số phiếu bầu cử cho Obama vào năm 2008 và 2012 lại sụt giảm tại một số vùng. Phân biệt chủng tộc cũng liên quan đến khoảng cách lương giữa người da trắng và da đen, như một nhóm những nhà kinh tế học báo cáo lại gần đây. Những khu vực có nhiều tìm kiếm mang tính phân biệt nhất mà tôi tìm được cũng là những nơi trả lương thấp hơn cho người da đen.

Tiếp đó là hiện tượng diễn ra xung quanh việc ứng cử của Donald Trump. Khi Nate Silver, một chuyên gia về bỏ phiếu, tìm kiếm những biến số địa lý có tương quan rõ rệt nhất đến việc ủng hộ Trump làm ứng cử viên của Đảng Cộng hòa vào năm 2016, ông đã tìm thấy kết quả trên bản đồ phân biệt chủng tộc do tôi phát triển. Để kêu gọi và khuyến khích nhiều nghiên cứu hơn trong lĩnh vực này, cho phép tôi đưa ra một phỏng đoán (sẵn sàng để các học giả trên nhiều lĩnh vực kiểm chứng) như sau: Lời giải thích chính cho sự phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Phi ngày nay không phải xuất phát từ việc những người tham gia thử nghiệm vô tình liên kết từ khóa tiêu cực với gương mặt da đen; mà là do hàng triệu người Mỹ da trắng vẫn tiếp tục các hành động như tìm kiếm về “nigger jokes” (những trò cười về người da đen).

Sự thật về những bé gái

Sự phân biệt chủng tộc mà những người da đen phải đối mặt tại Mỹ có vẻ là do thái độ thù địch rõ ràng, mặc dù được che giấu. Nhưng đối với những nhóm khác, thành kiến trong tiềm thức có thể mới là nguyên nhân gây ra những tác động lớn. Lấy ví dụ, tôi đã sử dụng Google để tìm ra bằng chứng cho một loại thành kiến tiềm ẩn tác động lên một phân khúc dân số khác: những cô gái trẻ. Và bạn có thể sẽ tự hỏi ai lại áp đặt thành kiến với những cô gái trẻ cơ chứ? Câu trả lời chính là: bố mẹ của họ.

Dường như sự bất công đối với nữ giới bám rễ sâu hơn ta tưởng. Ảnh: Pxhere.

Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi các bậc phụ huynh thường bị kích thích bởi suy nghĩ con mình có năng khiếu bẩm sinh. Trên thực tế, với tất cả những chuỗi tìm kiếm bắt đầu bằng “Phải chăng đứa con hai tuổi nhà tôi…” trên Google, từ khóa phổ biến nhất kế tiếp sẽ là “có năng khiếu bẩm sinh.” Nhưng điều đáng nói ở đây là sự chênh lệch giữa số lượt tìm kiếm đối với các cậu bé và cô bé. “Phải chăng thằng bé nhà tôi có năng khiếu bẩm sinh?” được tìm kiếm nhiều hơn hai lần rưỡi so với “Phải chăng con bé nhà tôi có năng khiếu bẩm sinh?” Các bậc phụ huynh cũng thể hiện một thành kiến tương tự khi sử dụng những cụm từ khác liên quan đến trí thông minh mà nếu nói cho người khác nghe có lẽ họ sẽ cảm thấy ngượng mồm như “Phải chăng thằng con nhà tôi là thiên tài?”

Liệu có phải các ông bố bà mẹ nhận thấy được những khác biệt rõ rệt giữa các bé trai và bé gái nhà họ chăng? Hay các bé trai thường thể hiện khả năng ngôn ngữ hoặc bộc lộ những dấu hiệu thiên khiếu nhiều hơn những bé gái? Không hề. Nếu có thì cũng phải ngược lại. Khi còn nhỏ, các cô bé luôn thể hiện một vốn từ phong phú cùng khả năng sử dụng câu phức tạp hơn so với các cậu bé. Tại các trường học ở Mỹ, khả năng các bé gái được chọn vào các chương trình bồi dưỡng tài năng thường cao hơn 9% so với các bé trai. Bất chấp những sự thật như vậy, các bậc phụ huynh vẫn chỉ luôn chăm chăm vào tìm kiếm các tài năng nơi con trai của mình. Trên thực tế, với tất cả tìm kiếm liên quan đến trí thông minh tôi từng kiểm tra, kể cả những tìm kiếm về sự thiếu thông minh, các bậc phụ huynh có xu hướng tìm hiểu về con trai mình nhiều hơn so với con gái. Các tìm kiếm như “phải chăng con trai tôi thua kém” hoặc “ngu ngốc” cũng nhiều hơn khi so sánh với những tìm kiếm tương tự về các bé gái. Nhưng sự chênh lệch trai-gái với những từ khóa tiêu cực như “thua kém” hay “ngu ngốc” có vẻ ít hơn so với những từ khóa tích cực như “có năng khiếu” hay “thiên tài.”

Nếu vậy thì mối quan tâm lớn nhất của các bậc phụ huynh đối với con gái của họ là gì? Là tất cả mọi thứ liên quan đến ngoại hình của các em. Hãy cùng xem xét các câu hỏi liên quan đến cân nặng. Các phụ huynh tìm kiếm trên Google “Có phải con bé nhà tôi bị thừa cân?” nhiều hơn gần gấp đôi so với “Có phải thằng bé nhà tôi bị thừa cân?” Các phụ huynh cũng lên mạng tìm kiếm phương pháp giảm cân cho con gái mình nhiều gấp đôi so với cho con trai. Giống như năng khiếu, loại thành kiến giới tính này không có cơ sở thực tiễn. Khoảng 28% bé gái bị thừa cân trong khi đối với bé trai là 35%. Mặc dù tỷ lệ trên cho thấy điều ngược lại, các phụ huynh vẫn thấy – hoặc lo lắng – về việc các bé gái bị thừa cân hơn so với các bé trai. Cũng tương tự, các phụ huynh thường thắc mắc nhiều hơn gấp 1.5 lần về việc các bé gái có xinh đẹp hay không, so với hỏi về diện mạo các bé trai.

Các phụ huynh tìm kiếm trên Google “Có phải con bé nhà tôi bị thừa cân?” nhiều hơn gần gấp đôi so với “Có phải thằng bé nhà tôi bị thừa cân?”

Những người suy nghĩ thoáng có thể suy diễn rằng các thành kiến trên sẽ phổ biến tại những khu vực bảo thủ của đất nước, nhưng tôi lại không tìm ra được bất cứ bằng chứng nào như vậy cả. Chính xác là tôi không tìm được bất cứ một mối quan hệ có nghĩa nào giữa một trong những thành kiến trên với đặc điểm văn hóa hay chính trị của một bang nào. Dường như sự bất công đối với nữ giới này đang ngày càng lan rộng và bám rễ sâu hơn những gì chúng ta suy nghĩ.

Liệu chúng ta có thể chấp nhận được sự thật hay không?

Tôi không thể vờ như không có bí mật tăm tối nào khi nhìn vào số dữ liệu này. Chúng đã tiết lộ sự tồn tại của hàng triệu người đồng tính nam đang ẩn mình; sự thù ghét đối xử với những người Mỹ gốc Phi; và một cơn bùng nổ sự thịnh nộ chống lại người Hồi giáo chỉ trở nên tệ hơn sau khi tổng thống ra lời kêu gọi lòng khoan dung. Những điều này chẳng hề vui vẻ gì. Nếu mọi người luôn nói về những điều họ nghĩ là ta muốn nghe, ta sẽ thường được nghe những điều ngọt ngào hơn là sự thật. Loại huyết thanh kỹ thuật số giúp điều tra sự thật này, về cơ bản, sẽ cho ta thấy thế giới tồi tệ hơn những gì ta từng nghĩ.

Nhưng có ít nhất là ba cách để những hiểu biết này giúp chúng ta cải thiện cuộc sống. Trước tiên, bạn có thể cảm thấy thoải mái khi biết rằng không chỉ có mình bạn thiếu tự tin và có những hành vi đáng xấu hổ. Google tìm kiếm giúp bạn cảm thấy mình không đơn độc trong thế giới này. Khi bạn còn nhỏ, giáo viên có thể đã từng nói với bạn rằng nếu có thắc mắc gì thì hãy giơ tay lên để hỏi, vì nếu bạn ngập ngừng, các bạn khác cũng sẽ như vậy. Nếu bạn giống như tôi, bạn sẽ lờ đi những gì thầy cô nói và ngồi im vì sợ phải mở miệng phát biểu. Câu hỏi của mình quá ngớ ngẩn, bạn sẽ nghĩ như vậy; còn những câu hỏi của các bạn khác lại quá sâu sắc. Những dữ liệu mà Google tập hợp trong chế độ tìm kiếm ẩn danh cho ta thấy cuối cùng thì những giáo viên vẫn luôn đúng. Nhiều câu hỏi cơ bản và thiếu sâu sắc cũng luẩn quẩn trong tâm trí của những người khác như vậy mà thôi.

Lợi ích thứ hai mà loại huyết thanh kỹ thuật số này mang lại là cảnh báo cho chúng ta về những người vẫn đang sống trong khổ đau. Chiến dịch Vận động Nhân quyền đã đề nghị tôi làm việc với họ, nhằm giúp những người đàn ông đồng tính đang sống tại một số bang biết được rằng họ vẫn có khả năng để thoát khỏi bí mật kia. Chiến dịch này đang tìm cách sử dụng dữ liệu tìm kiếm ẩn danh và tổng hợp mà Google mang lại để tìm ra nơi tốt nhất để bắt đầu vận động hiệu quả.

Và giá trị cuối cùng – giá trị to lớn nhất theo cách nghĩ của tôi – mà những dữ liệu này mang lại chính là khả năng đưa ta đến lời giải cho những vấn đề trên. Khi hiểu rõ hơn về những vấn đề phải đối mặt, chúng ta sẽ tìm ra cách để giảm thiểu nguồn gốc của những quan điểm tiêu cực trên thế giới. Hãy cùng trở lại bài phát biểu của Obama về làn sóng chống Hồi giáo. Mỗi lúc ông hùng biện rằng mọi người nên tôn trọng người Hồi giáo hơn thì những người mà ông đang cố gắng truyền đạt lại càng trở nên giận dữ hơn. Tuy nhiên Google tìm kiếm tiết lộ rằng có một câu nói đã kích hoạt một kiểu phản ứng mà có thể Obama đã trông đợi. Đó là câu: “Những người Hồi giáo tại Mỹ là bạn bè, là hàng xóm, là đồng nghiệp, là những người hùng thể thao của chúng ta và, vâng, họ còn là những người đàn ông và phụ nữ khoác áo lính, họ cũng sẵn sàng hi sinh để bảo vệ đất nước chúng ta.”

Sau câu nói trên, lần đầu tiên sau hơn một năm, danh từ phổ biến nhất được tìm kiếm sau tính từ “thuộc Hồi giáo” không phải là “khủng bố,” “phần tử cực đoan,” hay “dân tị nạn.” Mà “vận động viên” mới là từ trở thành tâm điểm trong cả một ngày sau đó. Khi chúng ta quở trách những người đang tức giận, dữ liệu tìm kiếm cho thấy cơn thịnh nộ của họ có thể còn tăng lên nữa. Nhưng nếu tinh ý kích thích trí tò mò của họ, cung cấp thêm những thông tin mới, và đưa ra những hình ảnh mới về nhóm người khiến họ giận dữ lại có thể chuyển hóa những suy nghĩ người này đi theo những hướng khác tích cực.

Hai tháng sau bài phát biểu, Obama đã có một bài phát biểu khác trên truyền hình về làn sóng chống Hồi giáo, và lần này là tại một nhà thờ Hồi giáo. Có lẽ có ai đó trong văn phòng tổng thống đã đọc qua bài viết của tôi và Soltas trên tờ Times, trong đó có thảo luận về những việc nên và không nên làm, nên bài phát biểu lần này đã có những chuyển biến đáng lưu ý.

Obama đã không còn nhấn mạnh nhiều vào giá trị của lòng khoan dung. Thay vào đó, ông tập trung hầu hết vào việc khiêu gợi sự tò mò của mọi người và thay đổi nhận thức của họ về những người Hồi giáo tại Mỹ. Rất nhiều trong số những nô lệ châu Phi là người Hồi giáo, Obama phát biểu; Thomas Jefferson và John Adams đều sở hữu một cuốn kinh Koran; một người Hồi giáo Mỹ đã thiết kế những tòa nhà chọc trời ở Chicago. Obama một lần nữa nói về những vận động viên người Hồi giáo và các thành viên phục vụ trong quân đội, nhưng đồng thời cũng nói thêm về các nhân viên cảnh sát, nhân viên cứu hỏa, giáo viên và bác sĩ người Hồi giáo. Và phân tích của tôi về các tìm kiếm trên Google cho thấy bài phát biểu này đã gặt hái được nhiều thành công hơn so với bài phát biểu trước đó. Số người tìm kiếm tiêu cực về người Hồi giáo đã giảm trong nhiều giờ kế tiếp.

Sẽ có những lúc khó khăn để đối diện với sự thật. Nhưng sự thật cũng có thể tiếp thêm cho ta sức mạnh. Ta có thể dùng những dữ liệu này để chiến đấu với những điều sai trái kia.

Vẫn còn những cách sử dụng dữ liệu tìm kiếm khác để xác định nguyên nhân, hoặc để giảm bớt lòng căm ghét. Ví dụ như, ta có thể nhìn vào những thay đổi trong việc tìm kiếm về những chủ đề phân biệt chủng tộc sau khi một tiền đạo da đen được chọn vào đội bóng của một thành phố, hoặc những tìm kiếm liên quan đến thành kiến giới tính thay đổi khi một ứng viên nữ đắc cử vào bộ máy chính quyền. Tìm hiểu về những thành kiến tiềm thức có thể giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Ta có thể cố gắng hơn để cảm thấy hãnh diện về tâm trí của những bé gái và bớt thể hiện sự quan tâm đến ngoại hình của các em đi. Những dữ liệu từ Google tìm kiếm và những nguồn thông tin cung cấp sự thật khác trên internet cho chúng ta thấy được những góc khuất tăm tối nhất trong tâm lý con người. Tôi thừa nhận là sẽ có những lúc khó khăn để đối diện với sự thật. Nhưng sự thật cũng có thể tiếp thêm cho ta sức mạnh. Ta có thể dùng những dữ liệu này để chiến đấu với những điều sai trái kia. Và việc thu thập những dữ liệu phong phú về các vấn đề trên thế giới sẽ là bước tiến đầu tiên trong cuộc cách mạng này.


  1. Tức 1,1% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ mang thai mỗi tháng, theo như thông tin mà họ cung cấp khi trả lời khảo sát.↩

  2. Tương đương 0,88%, thấp hơn so với ước tính từ trả lời khảo sát.↩

  3. “nigger” là một từ lóng mang tính sỉ nhục người da màu. Từ này được sử dụng phổ biến trong chế độ nô lệ dà màu ở Mỹ, kéo dài đến khoảng những năm 1960. Sau cuộc cách mạng đòi nhân quyền vào những năm 60, từ “nigger” trở thành một từ miệt thị, mang nặng tính chất phân biệt sắc tộc. Người ta thậm chí tránh dùng từ này trong mọi hoàn cảnh và sẽ thay bằng cụm từ “the n word” nếu bắt buộc phải nhắc đến.↩

  4. Tất cả những từ này đều là từ lóng miệt thị.↩

  5. Martin Luther King (1929 – 1968) là một nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi. Ông được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động.

    Tại cuộc tuần hành lịch sử ngày 27/8/1963 ở Washington đấu tranh cho nhân quyền và quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi, cố mục sư King đã có bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” từ bậc thềm của Đài tưởng niệm Lincoln, trong đó ông nói về ước mơ của ông cho tương lai của nước Mỹ khi người da trắng và người da màu có thể sống chung hoà thuận, bình đẳng.

    Mục sư Luther Kinh bị ám sát ngày 4/4/1968. Để tưởng nhớ ông, từ năm 1986, người dân Mỹ đã lấy thứ Hai của tuần thứ ba trong tháng 1 hàng năm là “Ngày Martin Luther King”.↩

Giới thiệu về tác giả
Seth Stephens-Davidowitz là một nhà khoa học dữ liệu, tác giả và diễn giả. Ông nhận bằng tiến sĩ kinh tế ở Đại học Harvard năm 2013. Ông từng là nhân viên phân tích định lượng ở Google. Cuốn sách “Everybody Lies: Big Data, New Data, and What the Internet Can Tell Us About Who We Really Are” đạt được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có “New York Times Bestseller” và “Economist Book of the Year.”