Hành tinh cỏ dại (Phần 2)

0
3413
§

Chủ đề

Kinh điểnLo xa


Tác giả: David Quammen | Nguồn: Church of Euthanasia

Biên dịch: Minh Nhật | Hiệu đính: Coda

26/05/2018

Phần 2 và cuối cùng trong bài viết về sự suy kiệt các loài động-thực vật học của David Quammen. Các bạn có thể đọc phần 1 tại đây.

Tăng trưởng dân số loài người sẽ làm cho tình trạng vốn tồi tệ còn trở nên tồi tệ hơn khi gia tăng áp lực lên tất cả những vùng đất hiện có.

Thật ra tốc độ tăng trưởng dân số đã sụt giảm tại nhiều quốc gia trong vài thập kỷ trước. Nhưng dân số thế giới vẫn tiếp tục gia tăng, và thập chí nếu như tỷ lệ sinh trung bình đột ngột giảm xuống 2,0 con mỗi phụ nữ một cách thần kỳ, dân số sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong một khoảng thời gian nữa (theo đà tốc độ sinh vẫn vuợt qua tốc độ tử do cơ cấu dân số tập trung vào những người dân khỏe mạnh và trẻ tuổi hơn.) Mức gia tăng dân số hiện tại là 80 triệu người mỗi năm, hầu hết đến từ các nước kém phát triển. Những dự báo dài hạn mới nhất do Ủy ban Dân số Liên Hiệp Quốc cung cấp vào đầu năm thấp hơn chút ít so với những dự báo vào năm 1992 nhưng vẫn chỉ ra một tương lai ngập vấn đề. Trong số bảy kịch bản sinh sản, kịch bản trung bình của Liên Hiệp Quốc (mà chưa chắc là kịch bản có khả năng xảy ra nhất) ước tính dân số loài người sẽ gia tăng từ 5.9 tỷ người vào thời điểm hiện tại lên 9.4 tỷ người vào năm 2050, và lên 10.8 tỷ người vào năm 2150, trước khi dừng lại vào cuối thể kỷ hai mươi hai. Nếu dự báo này chính xác, khoảng 9.7 tỷ người sẽ sinh sống tại những quốc gia thuộc châu Phi, Mỹ Latin, vùng Caribe, và châu Á. Tổng dân số tại các quốc gia ấy sẽ tăng lên hơn gấp đôi con số hiện nay, trong đó có rất nhiều quốc gia nằm ở khu vực vĩ độ thấp, kém phát triển, và được che phủ bởi một phần lớn những cánh rừng nhiệt đới còn lại trên Trái Đất. 9.7 tỷ người cấu thành 90% dân số nhân loại trên sẽ chen chúc cùng nhau trong những khu vực nóng bức, hình thành một đại dương mà tại đó những khu bảo tồn thiên nhiên rừng nhiệt đới bị cô lập như những hòn đảo. Bất cứ ai quan tâm đến tương lai của tính đa dạng sinh học cần phải suy nghĩ về các áp lực mà những người dân này phải đối mặt, và những sức ép mà họ gây ra.

Ta cũng cần phải nhớ rằng tác động của loài Homo sapiens lên sinh quyển không chỉ đơn giản có thể đo lường dựa trên các thông kê về dân số. Chuyên gia nhân khẩu học Paul Harrison, trong cuốn sách The Third Revolution (tạm dịch: Cuộc cách mạng lần thứ ba) đã chỉ ra rằng tác động là một sản phẩm sinh ra từ ba biến số khác nhau: kích thước dân số, mức độ tiêu thụ, và sự phát triển của công nghệ. Mặc dù các quốc gia kém phát triển có tốc độ gia tăng số dân cao nhất, thì mức độ tiêu thụ lại thường vượt xa tại những quốc gia phát triển (lấy ví dụ, trung bình người Mỹ tiêu thụ mức năng lượng gấp mười lần người dân Chile, và khoảng một trăm lần người dân Angola), và cũng cao hơn nếu so sánh giữa thành phần thiểu số giàu có và người dân nghèo. Trong khi mức tiêu thụ cao làm thổi bùng những ảnh hưởng môi trường của các tác nhân về dân số, thì sự phát triển về công nghệ có thể khiến chúng trở nên trầm trọng thêm (hãy nghĩ về xe hơi, máy điều hòa, cưa máy) nhưng cũng có thể giúp giảm nhẹ chúng xuống (như khi đổi mới công nghệ giúp cải thiện hiệu suất máy móc). Cả ba biến số đều đóng vai trò quan trọng, nhưng sự chuyển hướng của các tác động từ phía con người – dựa trên ô nhiễm không khí do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, hay đánh bắt cá biển – có thể chủ yếu quy cho sự thay đổi trong một biến số, với ảnh hưởng nhỏ từ hai biến còn lại. Phát thải lưu huỳnh đioxit (SO2) tại những quốc gia phát triển đột ngột giảm xuống vào những năm 70 vào 80, nhờ vào những cải tiến công nghệ trong ngành sản xuất giấy và các quy trình công nghiệp khác; phát thải đáng lẽ ra đã tiếp tục giảm thêm nữa nếu không phải do gia tăng dân số (chiếm 25% vector gia tăng) và gia tăng tiêu thụ (chiếm 75%). Ngược lại, nạn phá rừng là một thay đổi có tính định hướng chủ yếu do sự bùng nổ số dân .

9.7 tỷ người cấu thành 90% dân số nhân loại trên sẽ chen chúc cùng nhau trong những khu vực nóng bức, hình thành một đại dương mà tại đó những khu bảo tồn thiên nhiên rừng nhiệt đới bị cô lập như những hòn đảo.

Theo những tính toán của Harrison, gia tăng dân số là nguyên nhân đóng góp tới 79% sự gia tăng nạn phá rừng tại những quốc gia kém phát triển trong khoảng những năm 1973 đến 1988. Một số chuyên gia không đồng tình với những tính toán trên (hẳn rồi), và luôn cố gắng chuyển hướng mối quan tâm của chúng ta vào những người tiêu thụ ở xa (những người mua các sản phẩm từ gỗ thuộc thành phần dân số tăng trưởng chậm nhưng giàu có tại những quốc gia phát triển) điều khiển việc tàn phá những cánh rừng họ Dầu tại Borneo hay những cánh rừng gỗ cứng tại phía Tây châu Phi. Tuy nhiên, những con số của Harrison chỉ ra một thực tại không thể tranh cãi rằng: nhiều người hơn tất nhiên sẽ cần nhiều đất ở hơn. Theo ước tính của ông, diện tích đất tối thiểu cần thiết cho việc trồng lương thực và những nhu cầu khác của con người (như cấp nước và chôn lấp chất thải) lên đến 0,2 hecta một người. Dựa trên con số dự báo 4.9 tỷ người sẽ tăng thêm trước thời điểm dân số loài người ngừng tăng trưởng từ phía Liên Hiệp Quốc, thì sẽ cần thêm đến một tỷ hecta đất cho nhu cầu của con người. Diện tích đất này sẽ không có nhiều rừng cho lắm – thậm chí cả khi nạn phá rừng, hoặc tình trạng mất đất nông nghiệp do suy thoái nguồn đất ngừng lại. Một tỷ hecta – hay 10 triệu km2– dù là một ước tính dè dặt, nhưng con số này vẫn lớn hơn một nửa diện tích rừng còn lại tại châu Phi, Mỹ Latin, và châu Á. Điều đó gợi lên một viễn cảnh về sức ép khủng khiếp của dân số loài người lên từng khẩu đất tự nhiên còn sót lại.

Một vấn đề khác là tình trạng đói nghèo đang trở nên trầm trọng hơn. Theo một ước tính mới đây của Ngân hàng Thế giới, khoảng 30% dân số tại những quốc gia kém phát triển sống trong tình trạng đói nghèo. Trong cuốn sách How Much Is Enough? The Consumer Society and the Fate of the Earth (tạm dịch: Bao nhiêu cho vừa? Hội người tiêu dùng và Số phận của Trái đất) xuất bản vào năm 1992, Alan Durning đã xem xét vấn đề này trên một viễn cảnh rộng hơn khi ông cho rằng dân số thế giới được chia ra thành ba “tầng sinh thái”: những người tiêu dùng, người có thu nhập trung bình, và người nghèo. Tầng lớp người tiêu dùng gồm 1,1 tỷ người tốt số có thu nhập hàng năm trên mỗi nhân khẩu lớn hơn 7.500 đô la. Ở phía đầu bên kia là những nghèo với số lượng cũng vào khoảng 1,1 tỷ người – với mức thu nhập thấp hơn 700 đô la trên mỗi nhân khẩu. Durning viết: “Họ hầu hết là những người dân sống tại những vùng nông thôn thuộc châu Phi, Ấn Độ, và các quốc gia Nam Á với nguồn lương thực chính là ngũ cốc, cây củ, các loại đậu và hầu hết sử dụng nguồn nước uống không đảm bảo vệ sinh. Họ sống trong những túp lều và chòi, không có phương tiện di chuyển nào khác ngoài đôi chân, hầu hết tài sản được xây dựng nên bởi đá, gỗ, và những vật liệu có sẵn khác từ môi trường xung quanh.” Durning gọi họ là “những người nghèo thuần túy.” Khả năng cao nhất xảy ra là một tỷ người dân nữa sẽ được bổ sung vào tầng lớp này, tầng lớp hầu hết hiện nay đang tồn tại ở quốc gia kém phát triển, trước khi tăng trưởng dân số trở nên ổn định. Và rồi một tỷ người dân được bổ sung vào ấy, không được giáo dục và mất đi những quyền lợi khác sẽ tương tác với những cảnh quan nhiệt đới như thế nào? Không đời nào có thể bằng cách tham gia những công việc chuyên sâu về thông tin trong khu vực dịch vụ của nền kinh tế toàn cầu mới. Julian Simon lập luận rằng sự khéo léo của con người – có khả năng tự mở rộng theo gia tăng dân số – là “nguồn tài nguyên tối thượng” để giải quyết các vấn đề và vượt qua những giới hạn của Trái Đất, đồng thời biến sự khan hiếm thành trù phú. Nhưng nếu như tất cả những sáng kiến tạo nên từ 5.9 tỷ người vẫn chưa thể làm dịu đi sự cấp bách của 1.1 tỷ người dân nghèo thuần túy kia, thì điều gì khiến ta có thể trông đợi được rằng sự khéo léo của con người sẽ làm tốt hơn với gần 2 tỷ người nghèo trong tương lai?

Cùng với Durning, những nhà văn khác cũng đã đưa ra cảnh báo cho mối bất hòa tầng lớp ngày càng sâu đậm thêm này. Tom Athanasiou, trong cuốn Divided Planet: The Ecology of Rich and Poor (tạm dịch: Hành tinh bị chia rẽ: Ngành sinh thái học về người giàu và kẻ nghèo) cho rằng gia tăng dân số chỉ làm sự chia rẽ trở nên trầm trọng hơn, và cần lưu ý rằng chính phủ thường thúc đẩy các kế hoạch tiêu cực như di trú và xâm lấn những rừng mưa nhiệt đới vì chúng là một phương án an toàn để giải quyết các áp lực về vấn đề thiếu hụt và xung đột đất đai. Nhà phân tích chính sách trẻ người Canada Thomas F. Homer-Dixon, tác giả của một loạt các bài viết mang giọng văn điềm tĩnh nhưng tạo cảm giác khốc liệt về mối liên hệ giữa những điều ông đặt tên là “sự khan hiếm môi trường” và sự bất ổn chính trị xã hội toàn cầu, đã báo cáo về sự sụt giảm lượng đất canh tác có sẵn trên đầu người tại những quốc gia kém phát triển do gia tăng dân số và việc hàng triệu hecta “đang mất đi mỗi năm bởi tổ hợp nhiều vấn đề, bao gồm sự xâm lấn của các thành phố, xói mòn, suy kiệt dinh dưỡng, axit hóa, rắn hóa, xâm nhập mặn, và ngập úng do tưới tiêu quá mức.” Đối với lượng đất canh tác ít ỏi và các dạng khan hiếm môi trường khác, Homer-Dixon dự báo hai “lỗ hổng đang mở rộng” – một giữa nhu cầu và khả năng phân phối, và một giữa người giàu và người nghèo. Trong một buổi nói chuyện với nhà báo Robert D. Kaplan, theo trích dẫn trong cuốn sách The Ends of the Earth (tạm dịch: Những cái kết của Trái Đất), Homer-Dixon đã nói về điều này một cách sinh động hơn: “Hãy nghĩ đến một chiếc limo dài trên những con phố đầy ổ gà tại Thành phố New York, nơi những người ăn xin vô gia cư sinh sống. Trong chiếc limo là những vùng hậu công nghiệp có gắn điều hòa của Bắc Mỹ, Châu Âu, vành đai Thái Bình Dương, và một vài địa điểm biệt lập khác, cùng những cuộc hội nghị thương mại thượng đỉnh và những xa lộ thông tin máy tính. Còn ngoài kia là phần còn lại của nhân loại, đi theo một hướng hoàn toàn khác.”

Sống xanh “đã” trở thành một đặc quyền? Ảnh chụp tại dự án bất động sản Kingdom 101 ở Đường Tô Hiến Thành, Quận 10, TP Hồ Chí Minh. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Đông Dương thuộc Tập đoàn Hoa Lâm. Nguồn ảnh: CTV dịch Hồng Phúc.

Hướng đi đó chắc chắn sẽ hướng về việc khai thác cảnh quan một cách ồ ạt. Khi nghĩ về chiếc limo trên những con phố thành thị đầy ổ gà của Homer-Dixon, đừng mộng tưởng rằng sẽ có đủ không gian cho những cánh rừng nhiệt đới trên xe. Ngay cả chiếc thuyền Noah cũng chỉ có thể cứu được những cặp động vật, chứ không phải là những mảnh môi trường sống lớn. Những mảng sinh thái mà chúng ta yêu quý như các công viên, khu bảo tồn, và khu dự trữ đang tồn tại một nguy cơ lớn, gây ra bởi cả tác động bên trong lẫn bên ngoài: bên trong là tính cô lập bản thân nó1 sẽ dẫn đến phân mảnh sinh thái; còn bên ngoài là những người dân nghèo khổ và đói khát. Dự báo về một tương lai 10.8 tỷ người, trong đó có 2 tỷ người đang chết đói bên rìa những khu vực này, trong khi 2 tỷ kia lại đang sống trong thiên đường của kẻ ngốc duy trì bởi việc khai thác không ngừng tất cả những tài nguyên còn lại, nguy cơ trên gia tăng đến mức độ không tưởng. Hơn nữa, bất kỳ hình thức biến đổi khí hậu nào trong trung hạn , dù do khí nhà kính hay do sự bấp bênh tự nhiên của những ảnh hưởng khí hậu, đều có khả năng thay đổi các điều kiện môi trường sống trong một khu vực bảo tồn nhất định vượt quá ngưỡng chịu đựng của nhiều loài. Nếu những sinh vật đó không thể di cư ra khỏi ranh giới của công viên hoặc khu dự trữ để theo đuổi các nhu cầu về môi trường sống, chúng có thể được “bảo vệ” khỏi súng đạn và cưa máy trong ốc đảo nhỏ bé này, nhưng rồi cuối cùng chúng vẫn sẽ biến mất.

Ta không nên cảm thấy thoải mái chỉ bởi những giả định cho rằng ít nhất thì Vườn Quốc gia Yellowstone vẫn sẽ là nơi ẩn náu cho loài gấu xám Bắc Mỹ vào năm 2150, hay ít nhất thì Vườn Quốc gia Royal Chitwan tại Nepal vẫn sẽ bảo vệ được loài hổ, hoặc là Hệ sinh thái xa-van Serengeti tại Tanzania và Gir, Ấn Độ vẫn sẽ là nơi sinh sống cho loài sư tử. Số lượng của những loài động vật ăn thịt này, và những loài khác theo sau trong chuỗi thức ăn tự nhiên, đều có khả năng biến mất. “Hoang dã” sẽ trở thành một từ chỉ phù hợp cho tình trạng hỗn độn ở đô thị. Sư tử, hổ, và gấu sẽ nằm trong sở thú, chấm hết. Thiên nhiên sẽ không đi đến hồi kết, nhưng sẽ mang một dáng vẻ rất khác.

Những khác biệt rõ ràng nhất là những điều tôi vừa đề cập: những cánh rừng nhiệt đới và các hệ sinh thái trên cạn khác sẽ bị suy giảm diện tích trầm trọng, bỏ lại rải rác những tàn dư sinh thái mãi vụn vặt và đi vào quên lãng. Bởi hai tác nhân trên, cộng thêm những tác động thứ cấp theo sau, và cả một tác nhân tàn khốc nữa mà tôi sẽ đề cập ngay sau đây, tất cả sẽ xóa sổ phần lớn tính đa dạng sinh học trên Trái Đất. Nhưng phần lớn là bao nhiêu? Đây là thứ không thể dự báo một cách chính xác được, nhưng Robert May, Stuart Pimm, và các nhà sinh vật học khác đã đưa ra những phỏng đoán thận trọng rằng số lượng tổn thất có khả năng chạm đến ngưỡng một nửa đến hai phần ba số lượng loài hiện nay. Tại các đại dương, những loài cá tầng sâu và loài có vỏ sẽ suy kiệt trầm trọng do đánh bắt quá mức, dù không đến ngưỡng tuyệt chủng thì ít nhất cũng đủ để gây ra nhiều hậu quả dây chuyền. Các rặng san hô và hệ sinh thái nước nông khác vẫn sẽ chịu sức ép nặng nề, nếu không bị tàn phá bởi xói mòn và rò rỉ hóa chất từ đất liền. Tác nhân tàn khốc còn lại tôi nhắc đến chính là những loài xâm lấn, tác nhân thứ năm trong năm tác nhân đóng góp vào kiểm nghiệm hiện nay của chúng ta về cuộc đại tuyệt chủng.

“Hoang dã” sẽ trở thành một từ chỉ phù hợp cho tình trạng hỗn độn ở đô thị. Sư tử, hổ, và gấu sẽ nằm trong sở thú, chấm hết. Thiên nhiên sẽ không đi đến hồi kết, nhưng sẽ mang một dáng vẻ rất khác.

Tác nhân đó thậm chí còn gây ảnh hưởng hơn cả sự phân mảnh và hủy hoại môi trường sống, đồng thời cũng là một dấu hiệu của tính hiện đại. Có thể bạn chưa được nghe nhiều về những loài xâm lấn, nhưng bạn sẽ nghe về chúng nhiều hơn vào những năm sắp tới. Nhà sinh thái học Daniel Simberloff nhìn nhận đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng khiến ông đi đến quyết định thành lập một viện nghiên cứu về sinh vật học xâm lấn tại Đại học Tennessee, và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bruce Babbitt cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo vào tháng Tư năm ngoái, trong một phát biểu tại hội nghị chuyên đề về quản lý cỏ dại ở Denver. Hình ảnh một vị bộ trưởng chính phủ đang lên án một loài cây ngoại lai mang tên purple loosestrife (Chân châu tía) khiến mọi người có ấn tượng như một trò hề, nhưng sự việc lại không hề lố bịch như vẻ bên ngoài của nó. Bốn mươi năm trước, nhà sinh thái học người Anh Charles Elton, như một vị tiên tri, đã cảnh báo trong cuốn sách có tựa đề The Ecology of Invasions by Animals and Plants (tạm dịch: Ngành sinh thái học về sự xâm lấn của các loài động thực vật) rằng “chúng ta đang sống trong một giai đoạn lịch sử thế giới mà sự pha trộn giữa hàng ngàn loài từ những khu vực khác nhau khắp thế giới đang gây ra những hỗn loạn rất lớn trong tự nhiên.” Cụm “những hỗn loạn” đã được Elton cân nhắc sử dụng nhằm diễn tả hai ý nghĩa: các loài đang bị di chuyển từ nơi này đến nơi khác, còn các hệ sinh thái, như một kết quả của quá trình di chuyển đó, đang rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Vấn đề nảy sinh từ khi con người bắt đầu sử dụng những hình thức chuyển chở mới (ngựa, lạc đà, xuồng) để di chuyển nhanh chóng hơn qua các dãy núi, sa mạc, và đại dương, cùng lúc đó mang theo chuột, rận, vi khuẩn gây bệnh, thực vật có gai, chó, lợn, dê, mèo, bò, và những dạng sinh vật ký sinh, cộng sinh, hoặc được thuần hóa khác. Hệ quả trực tiếp là những chuyến đi ấy trở thành một làn sóng tuyệt chủng đối với chim trên đảo, gây tổn thất cho hơn một ngàn loài, rồi lại tiếp tục theo những chiếc tàu ấy băng qua Thái Bình Dương và những nơi khác nữa. Tiến hóa trong những hệ sinh thái không có thú ăn thịt trên đảo, rất nhiều loài trong số chúng không có khả năng bay, không được trang bị những khả năng cần thiết để bảo vệ bản thân và trứng khỏi những loài thú có vú đói khát. Raphus cucullatus, một nhánh lớn của họ bồ câu, loài chim đặc trưng cho vùng Mauritius tại Ấn Độ Dương và được biến đến nhiều hơn với tên gọi dodo2, chỉ là một ví dụ dễ thấy nhất, đại diện cho bức tranh lớn hơn nhiều này. Những thủy thủ người Hà Lan đã săn bắt và ăn thịt loài dodo trong suốt thế kỷ mười bảy, thế nhưng điều thực sự dẫn đến sự tuyệt chủng của loài Raphus cucullatus này lại là những chiếc thuyền châu Âu mang theo chuột, lợn và Macaca fascicularis, một loài khỉ châu Á. Mặc dù được biết đến là loài khỉ đuôi ngắn ăn cua, nhưng thực ra M. fascicularis ăn tạp gần như tất cả mọi thứ. Loài khỉ này tựa như một cơn dịch bệnh tràn vào Mauritius, đói khát và hung tợn, sẵn sàng vồ lấy tất cả mọi thứ trong tầm tay, trong đó bao gồm cả những quả trứng non của loài chim này. Kết quả là không ai còn thấy loài dodo từ năm 1662 nữa.

Kỷ nguyên thám hiểm và chinh phục của châu Âu cũng là thời kỳ huy hoàng của ngành địa sinh vật học, một nhánh của ngành sinh vật học được thực hiện bởi những lữ khách cần mẫn như Carolus Linnaeus, Alexander von Humboldt, Charles Darwin, và Alfred Russel Wallace, chuyên nghiên cứu và tìm hiểu những loài sinh vật cũng như nơi sinh sống của chúng. Darwin và Wallace thậm chí còn xây dựng cho ngành địa sinh vật học một nền tảng từ những phát hiện của họ, rằng những loài này tiến hóa ở các khu vực cụ thể thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên chứ không phải được tạo ra và thả xuống Trái Đất nhờ vào phép thánh. Trớ trêu thay, cùng với việc đem lại dữ liệu cho các nhà địa sinh thái học, những chuyến hành trình dài cũng đã làm rối tung và xóa mất những dữ liệu ấy do quá trình cấy những loài tinh ranh vào những vùng đất mới và bằng cách đó gieo rắc cảnh khốn cùng cũng như cái chết đến những loài khác. Chuột và mèo đi đến khắp nơi, gây ra sự tàn phá cho những hệ sinh thái vốn ít khả năng cạnh tranh và được che chở hàng triệu năm qua. Bệnh cháy lá châu Á và chim sáo đá châu Âu đã đến châu Mỹ; chuột xạ châu Mỹ và cua lông Hồng Kông đã sang đến châu Âu. Những cuộc di chuyển thông qua trung gian là con người đôi khi do vô ý, nhưng đôi khi là do sự thiển cận của con người. Những vận động viên nhớ nhà tại New Zealand nhập về loài hươu đỏ của Anh; loài cá hồi nâu châu Âu và loài cá hồi cầu vồng ven bờ được nuôi trồng cùng với sự thiếu quan tâm đến loài cá hồi đốm địa phương dọc những con sông trên dãy Rocky Mountain. Loài xương rồng lê gai, thỏ, và cóc lớn Nam Mỹ cũng đã được chào đón một cách thiếu thận trọng tại Úc. Dê đi hoang tại Galapagos. Vi khuẩn gây bệnh dịch hạch theo bọ chét, chuột, và những con tàu du lịch từ Trung Quốc sang California. Loài cá mút đá Đại Tây Dương tìm ra được đường lên Hồ Erie sau khi kênh Welland tạo ra một lối vòng quanh Thác Niagara. Tất cả những chuyển dịch trên đều gây ra những hậu quả không cố ý, hay nói cách khác là không lường trước được, trong số đó có rất nhiều trường hợp dẫn đến sự tuyệt chủng của những loài địa phương ít cạnh tranh và ít có cơ hội hơn. Sên sói tía, một loài sinh vật nhỏ được đưa vào Oahu với mục đích kiểm soát những loài ốc lớn và gây hại hơn (bản thân cũng là loài xâm lấn) nhưng kết quả là thuốc kém hơn bệnh; chúng đã trở thành một loài ăn thịt đáng sợ đối với những loài ốc địa phương, khiến hai mươi loài trong số đó hiện đã không còn. Cá rô sông Nile, một loài cá ăn thịt lớn được đưa vào Hồ Victoria năm 1962 vì dự kiến sẽ là một nguồn thức ăn tốt, tuy nhiên loài cá rô này có khả năng đã tiêu diệt ít nhất tám loài cá hoàng đế nhỏ hơn có nguồn gốc từ vịnh Mwanza Gulf.

Các loài cỏ dại có xu hướng phát triển mạnh ở những địa hình con người thống trị vì theo những cách rất quan trọng, chúng có nét tương đồng với loài Homo sapiens: hung hăng, linh hoạt, sinh sản tốt, và luôn sẵn sàng di chuyển.

Vấn đề còn mở rộng thêm nữa bởi quá trình vận tải hiện đại bằng đường thủy và hàng không diễn ra nhanh chóng trên diện rộng, đủ để khiến cho rất nhiều loài sinh vật đi vào những môi trường sống mà chúng không bao giờ có thể tự đạt được. Loài rắn cây nâu đã ăn hầu hết các loài chim rừng bản địa tại Guam sau khi đi nhờ những chiếc máy bay quân sự khởi hành từ vùng New Guinea vào gần cuối Thế chiến thứ II. Virus Hanta, được xác định lần đầu tiên tại Hàn Quốc, đang âm thầm len lỏi và chờ đợi trong những con chuột tại Arizona. Không ai biết được Ebola sẽ xuất hiện ở đâu tiếp theo. Bên cạnh những ảnh hưởng về dịch tễ học đáng quan ngại, thì những thiệt hại về nông nghiệp là những hệ quả dễ dàng nhận ra. Một nghiên cứu do Văn phòng Đánh giá Công nghệ (Office of Technology Assessment – OTA) thực hiện đánh giá có đến 4.500 loài sinh vật phi bản địa tại Hoa Kỳ đã và đang hình thành những quần thể sống tự do, 15% trong số đó (khoảng 675 loài) gây ra những thiệt hại rất khủng khiếp. Chỉ xem xét 75 loài trong số đó, OTA đã ghi nhận thiệt hại lên tới 97 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị mất đi từ những loài ốc Hawaii và sự đa dạng các loài cá hoàng đế lại khó có thể đo lường được. Nhưng trong một báo cáo khác từ Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng gần 20% các loài động vật có xương sống đang bị đe dọa trên thế giới phải chịu những áp lực (cạnh tranh nguồn thức ăn, bị săn đuổi, và biến đổi môi trường sống) gây ra từ những loài ngoại lai xâm lấn. Michael Soule, một nhà sinh vật học nhận được nhiều sự tôn trọng vì những công trình của ông về sự biến đổi và tuyệt chủng cảnh quan, cho biết những loài xâm lấn này có thể sớm vượt qua tình trạng mất và phân mảnh môi trường sống (nguyên nhân chính làm “tan rã sinh thái”). Tiêu diệt xong hệ chim vùng Guam, loài rắn cây nâu mới đây lại được phát hiện tại Hawaii.

Còn bức tranh nào lớn hơn nữa đối với những cuộc xâm lấn này không? Loài kiến lửa, trai nước ngọt, sâu bướm phá hoại mùa màng châu Á, loài cây thánh liễu, cây loại tràm, sắn dây, ruồi giấm Địa Trung Hải, mọt ăn bông vải và lục bình có điểm chung nào với loài khỉ đuôi ngắn và loài cá sông Nile kia không? Câu trả lời là: chúng đều là những loài cỏ dại, theo nghĩa được dùng cho cả động vật và thực vật. Ngụ ý là chúng thể hiện những điểm đặc trưng của các loài này: khả năng tái sinh nhanh chóng, nhân rộng ra khi có cơ hội, thích nghi tốt trong những điều kiện sống có ngưỡng thay đổi rộng, bám trụ được ở trong những môi trường lạ, đặc biệt thành công khi sinh sống trong những hệ sinh thái không ổn định, và một khi đã bám rễ, chúng có thể tái sinh lại dù bị nhổ bỏ. Chúng là những kẻ hung tợn, đa năng, biết tận dụng cơ hội. Chúng có xu hướng phát triển mạnh ở những địa hình con người thống trị vì theo những cách rất quan trọng, chúng có nét tương đồng với loài Homo sapiens: hung hăng, linh hoạt, sinh sản tốt, và luôn sẵn sàng di chuyển. Chim bồ câu thành phố có mặt khắp nơi trên thế giới là một loài cỏ dại. Chúng có tổ tiên hoang dã là loài bồ câu đá Á Âu (Columba livia), sau đó phát triển nhờ những người thích chơi chim trong nhiều thế kỷ.Thế là những loài ấy, hưởng lợi từ những tác động của con người lên cảnh quan, đã gia tăng nhanh chóng về số lượng hoặc mở rộng phạm vi địa lý mà không cần vượt biển nhờ vào máy bay hay thuyền – lấy ví dụ như loài sói đồng cỏ ở New York, gấu mèo ở Montana, hươu đuôi trắng ở phía Bắc Wisconsin và phía Tây Connecticut. Chim chìa vôi đầu nâu cũng là một loài cỏ dại, đã mở rộng lãnh thổ từ miền Đông Hoa Kỳ sang vùng Trung Tây nông nghiệp với cái giá phải trả là trở thành loài chim di trú biết hót. Với cách sử dụng phổ thông, từ “cỏ dại” có thể mang nghĩa hoàn toàn chủ quan, ám chỉ đến tất cả các loại cây bạn không thích, nhưng trong cách dùng sinh thái học, nó mang nghĩa tổng quát hơn. Những nhà sinh vật học thường nói về những loài cỏ dại với nghĩa động vật và cả thực vật nữa.

Những nhà cổ sinh vật học cũng tán đồng với ý tưởng và thậm chí cả thuật ngữ ấy. Bản thân Jablonski, trong một bài báo năm 1991 được công bố trên tạp chí Khoa học, đã ngoại suy từ những cuộc đại tuyệt chủng trong quá khứ về một cuộc tuyệt chủng đang diễn ra hiện nay và cho rằng những hoạt động của con người có khả năng gây ra thiệt hại nặng nề nhất cho những loài đặc hữu sống ở môi trường hẹp, trong khi gây ra số ít những vụ tuyệt chủng hơn đối với những loài thích nghi và phân bố rộng rãi. Ông viết: “Khi đối mặt với sự thay đổi và phân mảnh môi trường sống liên tục, ám chỉ một khu sinh vật ngày càng trở nên trù phú trên diện rộng, những loài cỏ dại – chuột, cúc dại, và gián – sẽ tương xứng với số lượng lớn những loài dễ bị tổn thương và có khả năng trở nên hữu ích với con người trong việc trở thành thức ăn, thuốc, và nguồn gen.” Khi chúng tôi đang ngồi trong văn phòng của ông, ông lặp lại: “Đó chỉ là vấn đề bao nhiêu phần trên thế giới sẽ trở nên trù phú với đám cỏ dại này mà thôi.” Cả trong bài viết và lúc nói, ông dùng từ “trù phú” có hơi chua cay, dù biết rằng thực tế xu hướng này đang hướng đến sự cùng kiệt.

Nói về sự cùng kiệt, chúng ta hãy lưu ý đến một điều trớ trêu thú vị và u ám nữa: đó là hai xu thế đối lập mà tôi đã miêu tả – sự phân mảnh cảnh quan do môi trường sống bị chia cắt, và sự thống nhất cảnh quan do khả năng lan tỏa toàn cầu của các loài cỏ dại – không những không tạo ra một kết quả đối lập mà còn có hiệu ứng cộng hưởng, khiến cho sự suy giảm đa dạng sinh học càng trở nên trầm trọng hơn.

Chúng ta gần đây đã ra khỏi thời đại của sự phân chia sinh học theo địa lý nhưng sẽ tiến vào một thời đại mới, thời đại mà hầu như mọi thứ sẽ có mặt ở hầu hết mọi nơi, mặc dù danh sách các loài được bao gồm trong cái “mọi thứ” đó sẽ không được dài.

Trong suốt một thập niên qua, sau khi nghiền ngẫm tài liệu về những cuộc tuyệt chủng, và thực hiện một số chuyến du khảo nghiệp dư đến Ấn Độ, Madagascar, New Guinea, Indonesia, Brazil, Guam, Úc, New Zealand, Wyoming, những ngọn đồi ở Burbank, và vài khu vực bán hoang dã khác, tôi đã nhìn thấy xu hướng này ở khắp nơi, báo trước một viễn cảnh trong tương lai gần, khi cảnh quan của Trái Đất trở nên xơ xác, chật cứng người, và rất “phong phú” các loài cỏ dại. Đó là một viễn cảnh xấu xí, nhưng tôi cũng thấy nó thật sinh động. Các loài hoang dã sẽ bao gồm bồ câu và sói đồng cỏ, thỏ rừng đuôi trắng, chuột đen (Rattus rattus), chuột nâu (Rattus norvegicus) và vài loài gặm nhấm phổ biến khác, khỉ ăn cua và lũ gián (mặc dù, giống như chuột, không phải tất cả các loài đều là loài xâm lấn – một số có phạm vi phân bố hẹp, như loài gián huýt gió Madagascar khổng lồ, cầy Mangut, sẻ nhà, thạch sùng, ruồi nhà, mèo hoang, lũ chó hoang ốm đói, và một danh sách ngắn gồm một số loài khác tuân theo các tiêu chí của chúng ta. Các khu rừng sẽ chỉ còn là những khoảng đất hẹp cô lập, tồn tại một cách bất đắt dĩ, phần lớn sự đa dạng sinh học (tạo nên bởi các loài săn mồi lớn, các loài chim di trú, những sinh vật nhút nhát không thể có giới hạn sống hẹp, và nhiều loài khác có quan hệ gắn bó chặt chẽ với chúng) đã suy kiệt từ lâu. Về bản chất, chúng chỉ còn là những khu vườn có cây cao thay vì những khu rừng đúng nghĩa. Ở đâu đó, cảnh quan sẽ có vài mảng xanh, nhưng, ngoại trừ trên những thảm cỏ và sân gôn bị nhiễm độc trầm trọng, thảm thực vật sẽ bị xâm lấn bởi cỏ cheatgrass3, hắc mai châu Âu, xa cúc đốm, kế Nga, đại kích Esula, cỏ Spartina và chân châu tía. Chúng ta gần đây đã ra khỏi thời đại của sự phân chia sinh học theo địa lý nhưng sẽ tiến vào một thời đại mới, thời đại mà hầu như mọi thứ sẽ có mặt ở hầu hết mọi nơi, mặc dù danh sách các loài được bao gồm trong cái “mọi thứ” đó sẽ không được dài. Tôi nhìn thấy một thế giới như vậy đã được ngầm báo trước trong các dự báo dân số của Liên Hợp Quốc, các báo cáo của FAO về nạn phá rừng, sự dịch chuyển về phía bắc hướng vào Texas của loài ong lai châu Phi, lũ khỉ rhesus ám ảnh trong góc tường của các công trình công cộng ở New Delhi, và mọi con sóc xám béo ú trên các chuồng chim ở Anh. Sớm thôi, chỉ trong năm hay sáu thế hệ người nữa, Trái Đất sẽ trở thành một nơi rất khác. Tôi đặt tên cho nơi ấy và thời đại ấy (một viễn cảnh không thể tránh khỏi) là Hành tinh Cỏ dại (The Planet of Weeds). Điều an ủi duy nhất của nó, trong chừng mực mà tôi có thể tưởng tưởng ra được, là sẽ không hề thiếu quạ.

Giờ chúng ta hãy chuyển sang một vấn đề được nhiều người quan tâm hơn: sự tồn vong của loài người. Đây là một bước nhảy vọt đầy cáu kỉnh về logic mà các nhà quan sát vốn rất thận trọng lại có vẻ như rất sẵn lòng, thậm chí là hăm hở thực hiện: rằng kết quả cuối cùng sẽ là sự tuyệt chủng của chính chúng ta. Do lạm dụng nguồn dự trữ của Trái Đất và lợi dụng một cách bất chính lòng khoan dung của nguồn dự trữ đó, và hủy diệt quá nhiều loài sinh vật, chúng ta sẽ tự đào hố chôn mình. Đây là ý tưởng thường gặp ở những người theo chủ nghĩa môi trường. Tôi lại cho rằng ý tưởng này là rất khó xảy ra xét về mặt sinh thái học và nó quá lạc quan. Nhưng ý tưởng này thường được thông qua bởi đây luận điểm tối hậu giúp chống lại việc tiếp tục những gì chúng ta đang gây ra.

Jablonski cũng có những hoài nghi riêng. Tôi đã hỏi xem ông thấy loài người giống kẻ sống sót hay nạn nhân hơn. Và ông trả lời rằng: “Ồ, chúng ta đã trở thành một trong những loài vật có sức chịu đựng tốt nhất hành tinh này. Chúng ta có phạm vi phân bố rộng, và có tỷ lệ sinh sản khá cao, chúng ta rất giỏi tước đoạt và độc chiếm lấy các nguồn tài nguyên. Tôi cho rằng cần có một nỗ lực có tính toán và thực sự nghiêm túc nếu muốn xóa sổ loài người.” Quan điểm mà ông đưa ra có lẽ cũng giống điều vừa xuất hiện trong đầu bạn. Bản thân loài Homo sapiens là một loại cỏ dại tuyệt vời. Thế thì làm sao mà chúng ta lại không thể sống sót trên Hành tinh Cỏ dại cơ chứ? Tuy nhiên Jablonski nhắc tôi nhớ rằng cũng có một loạt các tình huống có thể xảy ra giữa sự tuyệt chủng của loài người và sự gia tăng liên tục của dân số, mức độ tiêu dùng và tiện nghi. Ông nói: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ nằm trong số các loài sống sót, “như những kẻ bới rác” (sort of picking through the rubble.) Ngoài sự mất đi của tất cả các nguồn tài nguyên di truyền và dược liệu ẩn trong những loài đã bị tuyệt chủng, cùng với tất cả những giá trị tinh thần và thẩm mỹ mà chúng tạo ra, ông còn dự đoán một mức tổn thất không thể lường trước của các chức năng vật lý và hóa sinh học đến từ các hệ sinh thái đa dạng, bền vững – các chức năng như lọc và tuần hoàn không khí và nước, giảm thiểu hạn hán và lũ lụt, phân hủy chất thải, kiểm soát xói mòn, tạo nguồn đất mới , thụ phấn cho cây trồng, cố định và vận chuyển chất dinh dưỡng, giảm nhẹ các trạng thái nhiệt độ cực đoan ngắn hạn và các biến động khí hậu dài hạn, kiềm chế sự bùng phát các loài gây hại, và bảo vệ bề mặt Trái Đất trước sự công kích của tia cực tím từ mặt trời. Xóa bỏ các hệ sinh thái cùng những chức năng đó, Jablonski nói, sẽ dẫn đến sự tàn phá khủng khiếp đối với thực tại mà chúng ta đang sống. “Rất nhiều điều sẽ xảy đến và khiến nơi đây trở nên bẩn thỉu hơn, căng thẳng hơn, khó sống hơn và kém bền vững hơn, trước khi loài người gặp bất cứ hiểm họa nào khác.” Và ông cũng cho biết thêm rằng có thể một trong số những khó khăn mới đó sẽ trở thành động lục thúc đẩy những thay đổi quan trọng trong cách mà chúng ta theo đuổi sự tư lợi tổng thể (aggregate self-interests) của mình. Có thể chúng ta sẽ hãm lại kịp trước khi hiện tại trở nên giống với sự kiện tuyệt chủng kỷ Trias hay sự kiện K-T. Cũng có thể sẽ không tệ hơn sự kiện tuyệt chủng Thế Eocence, gây biến mất của 35% số loài. Tôi hỏi: “Anh có hy vọng không?” Vì hy vọng là một nghĩa vụ mà các nhà cổ sinh vật học được miễn trừ, tôi thật sự ngạc nhiên ông trả lời: “Có, tôi vẫn hy vọng.”

Tôi thì lại không. Dự đoán trung hạn của tôi là Hành tinh Cỏ dại của chúng ta sẽ trở thành một nơi bẩn thỉu, cô độc và xấu xí hơn, mặt khác cũng là nơi tồi tệ đối với 2 tỷ người nghèo thuần túy của Alan Durning. Tôi ngờ rằng thứ sẽ gia tăng dữ dội theo thời gian sẽ không phải cảnh khốn cùng tập thể hay những hình thái tiêu dùng vị lai mà là khoảng cách giữa hai tầng lớp sẽ trải nghiệm. Sự mất mát không ngừng các chức năng của hệ sinh thái ư? Đúng vậy, nhưng con người, với sự tháo vát theo kiểu mà Julian Simon rất ngưỡng mộ, sẽ tìm ra các biện pháp công nghệ thay thế, tất nhiên là có giá của nó. Vậy nên tầng lớp có đặc quyền của thế giới, tức là tầng lớp của bạn và tôi, sẽ vẫn có thể an vị trong chiếc limo Homer-Dixon, uống nước đóng chai, thở khí đóng chai và ăn những thứ thực phẩm lành mạnh đã trở nên quý hiếm, trong khi những ổ gà ổ voi trên đường ngày càng sâu hơn. Rốt cuộc, chiếc limo sẽ ngày càng trông giống xe tự hành mặt trăng. Những kẻ vô gia cư tuyệt vọng sẽ bám vào thanh cản của nó, giống như những người hâm mộ đã bám vào chiếc Cadilac cuối cùng của Elvis. Những người nghèo cùng cực sẽ phải chịu đựng tình trạng thiếu đặc quyền sinh thái, thể hiện qua những điều như tuổi thọ ngắn hơn, sức khỏe kém, không được giáo dục, nhu cầu bị hạn chế, và sự phẫn nộ. Có thể đến lúc nào đó, họ sẽ tâp hợp lực lượng và tạo ra các cuộc nổi loạn cục bộ chống lại tầng lớp giàu có. Nhưng khả năng này không cao, vì những kẻ giàu có sẽ mua súng. Dù trong bất cứ trường hợp nào, thì trước đó họ cũng sẽ đốt que gỗ dầu cuối cùng để làm pháo hoa, nướng con vượn cáo cuối cùng, con gấu xám cuối cùng, và con voi cuối cùng không được bảo vệ bên ngoài ngoài các sở thú.

Jablonski có hàng trăm thứ phải làm trước khi đi Alaska, nên tôi đã rời đi sau hai giờ. Cái nóng trên vỉa hè thật gay gắt, nhưng còn chưa bằng cái oi nóng mùa hè ở New Delhi hay Dallas, nơi người dân đang chết dần. Vì chuyến bay của tôi đến đầu giờ chiều mới khởi hành, tôi bắt xe xuống phố và trốn nóng trong một nhà hàng Cajun mới mở gần bờ sông. Uống một cốc bia và thưởng thức món jambalaya, tôi lần nữa lướt qua bài báo của Jablonski với tựa đề: “Extinctions: A Paleontological Perspective” (tạm dịch: Tuyệt chủng: Quan điểm của một nhà cổ sinh vật học). Tôi cũng bật lại băng ghi âm cuộc trò chuyện, áp tai vào chiếc máy ghi âm nhỏ xíu để có thể nghe được giữa những tiếng ồn ào.

Một trong số những câu hỏi cuối cùng tôi đặt ra cho Jablonski là: nếu đi theo kịch bản tồi tệ nhất, điều gì sẽ xảy ra sau cuộc tuyệt chủng hàng loạt này? Nếu chúng ta hủy diệt một nửa hoặc hai phần ba số loài thì tiến hóa sẽ mất bao lâu để lấp đầy hành tinh một lần nữa? Ông nói: “Tôi không biết câu trả lời cho điều đó. Tôi không muốn lao xuống đáy vực và xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.” Nhưng ông đã đánh bạo đưa ra dự đoán trong bài báo, dựa trên chứng cứ hóa thạch trong các lớp đá nằm trên ranh giới sự kiện K-T, thời gian cần thiết để phục hồi hoàn toàn sẽ vào khoảng 5 hay 10 triệu năm. Theo quan điểm của một nhà cổ sinh vật học thì như vậy đã là nhanh rồi. Ông viết: “Sự phục hồi sinh học sau những sự kiện đại tuyệt chủng diễn tiến khá nhanh nếu tính theo thời gian địa chất, nhưng lại lâu đến kinh khủng nếu tính theo thang đo của con người.” Chưa kể còn có một điều kiện, theo ý kiến của một chuyên gia khác, đó là sự phục hồi có thể không bắt đầu cho đến khi các nguyên nhân gây tuyệt chủng biến mất. Nhưng, tất nhiên, trong trường hợp này chúng sẽ không biến mất đến khi nào chính chúng ta biến mất.

Tuy nhiên, tiến hóa không bao giờ ngừng lại. Nó vẫn đang diễn ra ngay lúc này, trong những đám cỏ dại. Tôi không dám mạo muội cảnh báo bạn về hồi kết của thế giới, hồi kết của tiến hóa, hay hồi kết của tự nhiên. Thứ tôi đang cố miêu tả ở đây không phải là một cái kết tuyệt đối mà chỉ là một cú xổ dốc rất nhanh, một điểm lặp trong một chu trình dài và khắc nghiệt. Các loài cũ suy vong, các loài mới trỗi dậy. Tốc độ tương đối của hai quá trình này mới là điều quan trọng. Trong điều kiện cho phép, nghĩa là đủ đa dạng về sinh cảnh và thời gian, ngay cả lũ chuột và gián cũng có thể hình thành loài mới. Và việc hình thành loài mới sẽ tạo nên sự đa dạng mới. Vì thế, chúng ta có thể tưởng tượng một cách hợp lý về Trái Đất 10 triệu năm sau sự tuyệt chủng (hoặc sự biến đổi mạnh mẽ) của loài Homo sapiens, ở đó những khu rừng kỳ diệu sẽ lại tràn ngập những loài vật diệu kỳ. Đó quả là tin tốt.


  1. “Tính cô lập” ám chỉ những khu vực được đề cập đến ở trên có diện tích bị giới hạn khiến những loài có không gian sinh sống rộng lớn bị thu hẹp, dẫn đến một số vấn đề như phối giống cận huyết, một số loài nằm tầng thấp trong chuỗi thức ăn bị các loài khác tập trung tiêu diệt,… dẫn đến giảm số lượng loài và tuyệt chủng, từ đó gây xáo trộn cân bằng sinh thái và dẫn đến phân mảnh.↩

  2. Dodo (hay còn gọi là chim cu lười) còn là loài chim tạo cảm hứng cho nhà văn Lewis Carol xây dựng nên hình tượng nhân vật Charles Lutwidge Dodgson trong câu chuyện nổi tiếng “Alice ở xứ sở thần tiên”.

    Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về loài chim này tại đây:

    https://en.wikipedia.org/wiki/Dodo↩

  3. Tên khoa học là Bromus tectorum, một loài thực vật có hoa trong họ Hòa thảo.↩