Theo truyền thuyết, ở điểm cuối bán đảo Otago của New Zealand có một nơi mà linh hồn của những thủy thủ không may thiệt mạng trên biển sẽ tái sinh. Những thủy thủ này đầu thai trở thành loài hải âu lớn1 – những sinh vật mềm mại với đôi cánh to lớn, ban phát vẻ đẹp và sức mạnh lên những ai mang bộ lông của chúng. Và khi những bầy hải âu non ở đây, khu vực Taiaroa Head của bán đảo, đủ lớn để tung cánh vào ngọn gió biển Thái Bình Dương, một số người nói là loài chim ấy sẽ mang lại may mắn cho những ai nhìn thấy chúng chao liệng băng qua đại dương rộng lớn.
Khi tôi ghé thăm Trung tâm Hoàng gia Hải Âu (Royal Albatross Centre) ở đó vào một thập kỉ trước, tôi đã tự sa vào câu thần chú của những chú chim non này khi ngắm nhìn chúng từ đài quan sát. Chúng dang rộng đôi cánh lớn không thể tin được của mình như thể đang học cách điều khiển những con rối. Và cũng không thể tưởng tượng là, vẫn những đôi cánh ấy, chỉ một vài tháng nữa thôi, sẽ mang chúng ra biển cả. Triển lãm mà tôi tham dự giải thích rằng chúng sẽ ra đi và quay trở lại sau khoảng năm năm.
Việc những chú chim này đi đâu vẫn là một điều bí ẩn. Sau tất cả những gì tôi đã học về hải âu, đây là điều khiến tôi thấy phấn khích nhất. Tôi tưởng tượng loài chim đó có một nơi bí mật của mình từ thủa sơ khai của những chiếc bản đồ hay những quả địa cầu, đặt những sinh vật cổ tích ở nơi bắt đầu của những điều kì diệu chưa được biết tới.
Hai năm sau chuyến thăm của tôi, Bindi Thomas, một chuyên gia trong lĩnh vực theo dõi động vật hoang dã bằng cách sử dụng vệ tinh, và các đồng nghiệp của cô gắn thiết bị phát tín hiệu lên ba chú chim thuộc bầy hải âu non ở Taiaroa Head. Cứ sáu tiếng một lần, một vệ tinh sẽ phát âm thanh báo hiệu vị trí của những chú chim này. Đầu tiên, những chú hải âu bay dọc bờ biển New Zealand, ở lại đó trong vài tuần. Rồi chúng sải cánh bay đi xa hơn, cuối cùng là hướng đến bờ biển Chile, nơi chúng kiếm ăn cho đến khi những chiếc máy phát tín hiệu không hoạt động được nữa. Một chú chim có thể vượt qua Thái Bình Dương chỉ trong 16 ngày.
Tôi lo rằng với mỗi loài vật mà chúng ta cố gắng để đưa lên biểu đồ và định vị, sẽ còn sót lại rất ít những điều kỳ thú xung quanh biển cả và vô vàn những điều chưa biết về nó.
Nghiên cứu của Thomas đáng lẽ đã phải làm tôi thấy phấn khích: chúng ta giờ đã biết nhiều hơn bao giờ hết về hải âu và hành trình bay vĩ đại tiên phong của chúng. Vậy mà thay vì thế, tôi cảm thấy thất vọng một cách kì lạ. Tôi lại thích ý tưởng rằng những con hải âu bằng cách nào đó đã bay vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chúng ta trong ít nhất là một vài năm. Giờ đây, những phép màu xung quanh đàn chim non này đã bị phá vỡ.
Đối với tôi, đại dương vẫn luôn là vùng hoang dã đúng nghĩa cuối cùng. Nhưng lần đầu tiên nghĩ về những con hải âu bị theo dõi, tôi lo rằng với mỗi loài vật mà chúng ta cố gắng để đưa lên biểu đồ và định vị, sẽ còn sót lại rất ít những điều kỳ thú xung quanh biển cả và vô vàn những điều chưa biết về nó. Cá nhân tôi cũng cảm thấy một sự mất mát: câu chuyện tôi tự kể cho mình về loài hải âu – nơi thần kì mà tôi mơ là chỉ có loài chim này mới có thể bay tới – giờ không còn tồn tại nữa.
Vậy nên tôi quyết định đi tìm những điều bí ẩn khác về đại dương – những câu đố về nơi mà những loài vật sinh ra và đi đến. Đầu tiên, khá bực mình, tôi chỉ có thể tìm những loài mà chúng ta vốn đã biết về chúng, với những câu hỏi đã có sẵn câu trả lời. Nhưng khi tôi trò chuyện nhiều hơn với những nhà khoa học đã nghiên cứu những điều bí ẩn về đại dương của chúng ta, tôi càng thấy rằng mỗi bí ẩn được giải đáp lại ươm mầm cho rất nhiều điều bí ẩn nữa, đặc biệt là khi những bí ẩn ấy đến từ biển cả.
Chẳng hạn như câu chuyện về loài rùa biển quản đồng (loggerhead sea turtle) ở Đại Tây Dương. Trong nhiều năm, con người đã quan sát hang của loài rùa này trên những bãi biển ở khu vực Đông Nam nước Mỹ. Những người kiên trì, hoặc may mắn, đã được nhìn thấy những đàn rùa con, nhỏ đến nỗi có thể được ấp ủ trong lòng bàn tay, tự thoát ra khỏi chiếc tổ đầy cát và tìm đường ra biển cả, thường là vào ban đêm. Những chú rùa này sẽ không ở trong tầm quan sát được của con người trong một năm hoặc hơn để đi vào lòng đại dương hoang dã. Một số sẽ xuất hiện trở lại ở bờ bên kia Đại Tây Dương, một số thì về lại nơi gần với bờ biển chúng đã sinh ra, với kích cỡ lớn hơn gấp 10 lần so với khi chúng rời đi. Trong khi các nhà khoa học đã khám phá ra rằng quá trình di trú của loài rùa biển này trải dài cả đại dương, không một ai biết điều gì đã xảy ra trong những năm chúng ở trong lòng biển cả.
Kate Mansfield, một nhà sinh học đại dương ở Đại Học Central Florida tại Orlando, muốn nghiên cứu nhiều hơn về những cuộc chu du trong những năm đầu đời của những chú rùa con này. Từ năm 2009 đến năm 2011, cô và các đồng nghiệp của mình thu thập những chú rùa con từ hang của chúng, nuôi chúng trong phòng thí nghiệm, và rồi gắn thiết bị phát tín hiệu nhỏ bằng đồng xu lên 17 trong số chúng và thả chúng vào dòng hải lưu Gulf Stream, cách bờ biển khoảng 18 km. Rồi họ theo dõi những chú rùa này khi chúng hướng về phương Bắc – đi theo cung đường mà các nhà nghiên cứu đã dự đoán là thích hợp nhất dựa trên các dòng hải lưu và quan sát về biển cả. Những chú rùa đi theo những hướng di cư khác nhau, hoặc men theo hoặc rời khỏi dòng hải lưu, và tránh xa những vùng nước lạnh.
Bảy trong số những chú rùa mà Mansfield và nhóm của cô nghiên cứu cuối cùng đến Biển Sargasso, vùng nước trong và sâu nằm ở trung tâm một dòng hải lưu xoắn ốc được gọi là hải lưu Bắc Đại Tây Dương. Mansfield nghĩ rằng những chú rùa này bơi ở gần mặt biển, giữ thân nhiệt ấm khi trôi nổi phía trên những mảng tảo mơ (sargassum algae), ngụy trang an toàn khỏi những loài săn mồi trong quá trình trưởng thành.
Vậy nhưng Mansfield vẫn trấn an tôi rằng còn rất nhiều điều chưa được khám phá về những chú chú rùa quản đồng con, đặc biệt là khoảng thời gian chúng ở trong lòng đại dương. Cô giải thích, nhiều nghiên cứu đến thời điểm này được dựa trên những hiểu biết còn hạn chế về cách mà những loài vật này sử dụng đại dương. Loại công nghệ chúng ta dùng để nghiên cứu rùa biển đã hướng chúng ta theo dõi những chặng đường di cư theo kiểu hai chiều từ điểm này đến điểm khác. Nhưng rùa, và rất nhiều loài khác, suy nghĩ và di chuyển trong không gian ba chiều – và “vẫn còn cả một thế giới bên dưới [bề mặt] đại dương,” cô nói, và chúng ta chỉ mới đang bắt đầu khám phá.
Bản chất của biển cả – sự mờ ảo, độ sâu, bề mặt luôn chuyển động của nó – có nghĩa là dù chúng ta có cố gắng thế nào, “chúng ta không thể biết nhiều về đại dương như chúng ta biết về đất liền.”
Trên thực tế, với những ai yêu thích sự kì bí, đại dương vẫn là một trong những nơi tuyệt vời nhất trên thế giới để tìm kiếm. Chúng ta chỉ mới khám phá năm phần trăm hoặc ít hơn ở những vùng đại dương chúng ta tới được. Và theo Helen Rozwadowski, một nhà sử học về đại dương tại Đại học Connecticut Avery Point, thì bản chất của biển cả – sự mờ ảo, độ sâu, bề mặt luôn chuyển động của nó – có nghĩa là dù chúng ta có cố gắng thế nào, “chúng ta không thể biết nhiều về đại dương như chúng ta biết về đất liền.” Chúng ta chỉ có thể cố gắng hiểu hơn về nó với những công cụ chúng ta có. Những công cụ của chúng ta hiện nay bao gồm những bảng tên tí hon chạy bằng năng lượng mặt trời và những vệ tinh ở trên cao – và cả trí tưởng tượng của chúng ta, thứ giúp tạo ra những công nghệ mới để tìm hiểu về đại dương, và tìm kiếm những câu đố mới để giải đáp. “Chừng nào chúng ta còn suy nghĩ và tưởng tượng,” Rozwadowski nói, “chừng đó vẫn có thêm câu hỏi để nghiên cứu.”
Và việc thu thập dữ liệu với những công nghệ mà chúng ta mơ về có thể trực tiếp góp phần bảo vệ những công dân của đại dương. Vào cuối thập niên 50, những ngư dân tìm ra một lượng lớn cá hồi Đại Tây Dương gần mặt biển bờ tây Greenland. Rất nhanh sau đó, thuyền đánh bắt cá từ nhiều nước thả neo ở khu vực này với những chiếc lưới trôi nổi. Không chắc chắn những chú cá này đến từ đâu và lo lắng về sự sinh tồn của chúng, các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu về nghề đánh bắt cá. Sử dụng dữ liệu từ việc đánh dấu, họ lần theo những con cá hồi về dòng suối và lòng sông ở Bắc Mỹ và Châu Âu nơi chúng đẻ trứng. Dựa trên nghiên cứu này, Ủy ban Quốc tế về Ngư nghiệp khu vực Tây Bắc Đại Tây Dương (International Commission for the Northwest Atlantic Fisheries) đã cấm việc đánh bắt cá hồi ở phía tây vùng biển quốc tế của Greenland, bắt đầu từ năm 1976.
Tương tự, những nghiên cứu tương lai về sự di cư của loài hải âu có thể giúp chúng ta tìm ra cách làm thế nào để bảo vệ đường bay của loài chim này. Ví dụ như, nếu những dữ liệu từ việc đánh dấu cho thấy là phần lớn những chú chim non sinh trưởng ở khu vực biển Chile, Thomas nói rằng các nhà nghiên cứu có thể thu thập dữ liệu về tần suất những chú chim này vô tình bị bẫy bởi những ngư dân ở đó và hợp tác với họ để giảm thiểu việc đánh bắt nhầm (by-catch). Biết nhiều hơn về loài chim còn có thể giúp các nhà bảo tồn dự đoán trước các loài vật sẽ phát triển như thế nào trong những năm tới. Các thay đổi trong hướng gió và bão có thể thay đổi đường bay của một con hải âu. “Khi bạn có một ý tưởng về nơi chúng đi tới và nơi chúng dừng chân,” Thomas nói, “bạn có thể nhìn thấy tương lai chúng có thể bị ảnh hưởng thế nào bởi biến đổi khí hậu.”
Biết về nơi những chú hải âu con bay đến trong những năm đầu đời chỉ mới là sự khởi đầu. Một trong những chú chim được đánh dấu – tên là Toroa, một từ trong tiếng Māori có nghĩa là hải âu – đã bay về New Zealand vào năm 2014, hơn 6 năm kể từ khi chú ra đi. Nhưng thiết bị theo dõi của chú chim này đã ngừng hoạt động sau 362 ngày, có vẻ như là đã rơi rụng cùng những chiếc lông vũ của chú. Thomas cho hay, điều chúng ta còn chưa biết là điều gì đã xảy ra trong khoảng thời gian sau khi thiết bị theo dõi ngừng hoạt động và trước khi Toroa xuất hiện trở lại trên bầu trời phía trên Taiaroa Head.
Tôi cũng đã bắt đầu nghĩ về một điều khác mà Thomas nói với tôi: Có một thời điểm, Toroa bay về phía bờ biển Nam Mĩ, rời khỏi địa điểm chú thường kiếm ăn. Nửa ngày sau đó, ngọn núi lửa Chaitén gần đó bắt đầu phun trào. Giờ đây khi tôi nghĩ về những điều bí ẩn của đại dương, tôi nghĩ về Toroa, và tự hỏi có phải chú chim ấy đã cảm nhận được sự phun trào đang trực chờ theo một cách mà, vào lúc đó, con người đã không đoán trước được. Và lần tiếp theo khi tôi nhìn thấy một chú hải âu, tôi sẽ vẫn cảm thấy sự kì diệu của loài vật này, những may mắn mà nó mang lại, dưới hình thù của những điều bí ẩn đang chờ được khám phá.
- Nguyên gốc Tiếng Anh: Albatross, chỉ loài hải âu lớn, thuộc họ Diomedeidae, sinh sống chủ yếu ở Nam Đại Dương và Bắc Thái Bình Dương.↩