Hà Nội đề xuất tăng giá nước sinh hoạt: Giá tăng, chất lượng nước có tăng?

0
1435
ĐB Trần Văn Lâm

Ngay sau đề xuất này, đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau trong cộng đồng dân cư. Theo đó, nhiều ý kiến đặt ra khi sự cố Công ty nước sạch Sông Đà cung cấp cho hàng vạn dân Thủ đô nước bị nhiễm dầu chưa kịp lắng xuống, chất lượng nước chưa biết sẽ ra sao thì vì sao… Hà Nội lại rục rịch tăng giá? Phải chăng việc tăng giá nước chỉ nhằm phục vụ cho những nhà cung cấp?.

Lý giải điều này, UBND TP Hà Nội cho rằng mức giá hiện vẫn theo quyết định của UBND thành phố ban hành từ năm 2013, trong đó có định ra lộ trình tăng giá trong giai đoạn 2013-2015.

Theo đó, lần tăng giá nước sạch gần nhất vào ngày 1/10/2015, từ đó đến nay áp dụng mức giá bán nước sạch theo lũy tiến cho các hộ dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt là 5.973 đồng/m3 (10m3 đầu tiên), 7.052 đồng/m3 (trên10m3 – 20m3), 8.669 đồng/m3 (từ 20m3 – 30m3), 15.929 đồng/m3 (trên 30m3).

Theo quy định, sau khi liên ngành Thành phố Hà Nội xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Hà Nội, trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố quyết nghị. Theo đó, dự kiến phương án điều chỉnh tăng giá bán nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội sẽ được trình HĐND thành phố xem xét trong kỳ họp cuối năm 2019.

Chia sẻ với PV Infonet bên hành lang Quốc hội sáng nay 30/10, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Phó đoàn ĐB tỉnh Bắc Giang cho rằng dù không phải là người Hà Nội nhưng dưới con mắt khách quan ông cho rằng sự cố vừa rồi (Công ty nước sạch Sông Đà cung cấp nước nhiễm dầu – PV) là “sự cố hy hữu không phổ biến, cũng không ai muốn”.

Vì thế, đại biểu Lâm nhấn mạnh “không vì điều này mà đánh giá cho cả hệ thống cơ quan sản xuất nước sạch”.

“Thứ nữa, làm gì thì làm, kinh doanh phải có hiệu quả và trên cơ sở hiệu quả kinh doanh ấy, càng ngày nâng cao chất lượng dịch vụ. Nếu như giá nước quá rẻ chúng ta không có điều kiện nâng cao chất lượng cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống cung cấp”, đại biểu Lâm phân tích.

Ông cũng cho rằng, việc tăng giá nước sinh hoạt được Hà Nội lý giải nằm trong lộ trình – từng bước tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu thì đó là bình thường. Việc làm này nên theo đúng lộ trình, theo đúng kế hoạch nhằm đảm bảo bù đắp các chi phí trên cơ sở đó nâng cao chất lượng, tăng cường quản lý chất lượng, an toàn nước cho dân thì “cũng là tốt”.

“Việc Hà Nội tính giá nước lũy tiến, theo tôi điều này là hợp lý. Vì nước là nguồn tài nguyên hữu hạn, chúng ta cần sử dụng tiết kiệm. Giá lũy tiến sẽ hạn chế việc người dân sử dụng bừa bãi thiếu tiết kiệm, lãng phí. Những người sử dụng ít sẽ được trợ giá, những người sử dụng nhiều sẽ phải chi trả giá trị thực của nó để đảm bảo bù đắp các chi phí cho nhà sản xuất. Tôi nghĩ cho rằng đó là hợp lý”, đại biểu Lâm nhấn mạnh.

Để người dân yên tâm sử dụng nguồn nước, theo đại biểu Lâm cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế minh bạch. Ví dụ như trước đây có nhiều phản ánh doanh nghiệp này, kia xả thải ra môi trường vượt chuẩn. Lập tức cơ quan quản lý thiết lập những trạm quan trắc để đưa ra các thông số thực, tại thời điểm thực… đưa lên hệ thống thông tin để người dân dễ dàng kiểm tra, đánh giá được.

“Đây là những biện pháp quản lý mang tính kỹ thuật là chính nên hoàn toàn có thể giải quyết được. Làm thế nào minh bạch được các thông số kỹ thuật, để người dân tham gia vào quá trình giám sát chất lượng thì người dân sẽ yên tâm”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.

TIN LIÊN QUAN

Hòa Bình ‘đòi lại’ hồ Đầm Bài sau vụ ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà

Nước sạch nhiễm dầu: Viwasupco xin lỗi dân, trách nhiệm cơ quan giám sát ở đâu?

Cận cảnh quá trình xử lý môi trường sau sự cố tại nhà máy nước sạch Sông Đà

Huyền Anh