Tin trong nước

Giúp CNVC-LĐ cân bằng công việc – trách nhiệm gia đình

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, vừa ban hành quyết định số 23000/QĐ-SLĐTBXH phê duyệt đề án thí điểm “Hỗ trợ công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở LĐ-TB-XH cân bằng giữa công việc – trách nhiệm gia đình, hướng tới gia đình hạnh phúc giai đoạn đến năm 2030”.

Mục tiêu tổng quát của đề án là rà soát và vận dụng các quy định cùng chính sách pháp luật, khai thác nguồn lực và dịch vụ sẵn có nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. 

Đề án đặc biệt chú trọng hỗ trợ kịp thời cho đội ngũ cán bộ gặp khó khăn, từ đó giảm khoảng cách về tinh thần và vật chất, phòng ngừa rủi ro nghề nghiệp và tạo động lực làm việc bền vững.

Các hoạt động truyền thông sẽ được triển khai để nâng cao nhận thức và vai trò lãnh đạo của Đảng và chính quyền trong việc thực hiện các mục tiêu của đề án. Đặc biệt, sẽ huy động nguồn lực từ các cấp, đơn vị, theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

Đến năm 2030, đề án sẽ hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, nhân rộng mô hình cho toàn ngành, đồng thời đánh giá tình trạng gia đình hạnh phúc của cán bộ để đề xuất tiêu chí hạnh phúc tại nơi làm việc, liên kết với sự hài lòng của những đối tượng mà ngành đang phục vụ.

Giúp CNVC-LĐ cân bằng công việc - trách nhiệm gia đình- Ảnh 1.

5 chỉ tiêu cụ thể sẽ được Sở LĐ-TB-XH TP HCM triển khai

Để thực hiện mục tiêu này, sở đã xác định 5 chỉ tiêu cụ thể và giao nhiệm vụ cho từng phòng, ban chuyên môn triển khai ngay sau khi đề án được phê duyệt. Một trong những biện pháp quan trọng là áp dụng quy định về “Chế độ làm việc dựa vào kết quả với thời gian biểu linh hoạt, làm việc bán thời gian, và giao việc tại nhà”. 

Điều này nhằm giúp công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình, hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bên cạnh đó, sở sẽ bố trí các phòng đa chức năng tại cơ quan để hỗ trợ cán bộ nữ và những người có con nhỏ, nhằm tạo điều kiện chăm sóc bản thân và gia đình, từ đó tăng cường sự an tâm trong công tác. 

Đề án cũng nhấn mạnh việc phòng ngừa và can thiệp kịp thời vào các vụ bạo lực gia đình, đồng thời hỗ trợ đặc biệt cho cán bộ nữ bị bạo lực, xâm hại hoặc quấy rối tình dục. Hỗ trợ khẩn cấp cũng sẽ được triển khai cho những cán bộ gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, cùng với việc kết nối các nguồn lực và chính sách từ ngành.

Ngoài ra, cán bộ có nhu cầu vay vốn để tạo lập nhà ở hoặc cải thiện điều kiện sống sẽ được hỗ trợ thông qua các nguồn lực từ cơ quan và tổ chức trên địa bàn thành phố.

Một khảo sát trên 3.314 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho thấy: 45,2% có thu nhập thấp, rơi vào diện nghèo thu nhập; 49,3% gặp khó khăn về kinh tế; 42,5% chưa có nhà, phải thuê trọ; 45,2% không đủ thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt cá nhân và gia đình; 11,9% đang chăm sóc người thân ốm đau hoặc người già. 

Đáng chú ý, những cán bộ này chính là “người chăm sóc” cho các nhóm yếu thế như người nghèo, trẻ mồ côi, người khuyết tật, bệnh nhân AIDS…

Giúp CNVC-LĐ cân bằng công việc - trách nhiệm gia đình- Ảnh 2.

Cán bộ ngành LĐ-TB-XH chính là “người chăm sóc” cho các nhóm yếu thế như người nghèo, trẻ mồ côi, người khuyết tật, bệnh nhân AIDS…

  • Đãi ngộ tinh thần: Ngày càng quan trọng

    Đãi ngộ tinh thần: Ngày càng quan trọngĐỌC NGAY

Theo nguyên tắc, họ cần có sự ổn định về kinh tế và tinh thần để thực hiện sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, nhiều cán bộ lại đối mặt với hoàn cảnh tương tự như những đối tượng họ phục vụ, làm gia tăng áp lực công việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần. 

Điều này dễ dẫn đến căng thẳng gia đình, xung đột với đồng nghiệp và giảm hiệu quả công việc. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, những cán bộ này có thể rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ hành vi bạo lực với đối tượng chăm sóc hoặc lợi dụng vị trí công việc để trục lợi.

Để giải quyết thực trạng này, Sở LĐ-TB-XH TP HCM đã thành lập tổ nghiên cứu từ năm 2022, tiến hành nhiều cuộc họp và khảo sát xã hội học để đánh giá tình hình. Các đơn vị trực thuộc cũng tổ chức lấy ý kiến người lao động và tổng hợp để tham gia Hội thảo “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp xây dựng gia đình hạnh phúc trong đội ngũ cán bộ” vào ngày 22-12-2023.

Tại hội thảo, nhiều cán bộ đã chia sẻ về những thách thức khi công việc kéo dài liên tục 24/24, áp lực từ việc phải tiếp xúc thường xuyên với các đối tượng như người tâm thần, nghiện ngập… Thậm chí ngay cả giám đốc trung tâm cũng chỉ về nhà được hai đêm mỗi tuần.

Giúp CNVC-LĐ cân bằng công việc - trách nhiệm gia đình- Ảnh 4.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho rằng xây dựng nơi làm việc hạnh phúc, nơi người lao động có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình vô cùng quan trọng

Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, tầm quan trọng của việc xây dựng nơi làm việc hạnh phúc, nơi người lao động có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình. 

Đề án ra đời nhằm xây dựng những quy chế, tiêu chí phù hợp với đặc thù ngành, đồng thời đo lường được hiệu quả tác động đến đời sống người lao động; giảm áp lực, căng thẳng, tạo điều kiện cho người lao động sắp xếp công việc một cách khoa học.

Theo: Người lao động

Related Articles

Back to top button