Đóng BHXH tự nguyện, hưởng lương hưu theo luật mới thế nào?
Luật BHXH năm 2024 đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1-7-2025. Trong đó, việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm được nhiều người lao động quan tâm. Đặc biệt, đối với những người tham gia BHXH tự nguyện, việc giảm số năm đóng sẽ tạo điều kiện cho họ dễ dàng tiếp cận với lương hưu hơn. Tuy nhiên, vấn đề khiến không ít người băn khoăn hiện nay là việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm có áp dụng với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện?
Bà Vũ Thị Tho (51 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TP HCM) cho hay bà đã tham gia BHXH tự nguyện được hơn 6 năm và lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH là 5 triệu đồng/tháng. Theo bà Huyền, nếu tham gia BHXH tự nguyện 15 năm mà được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu thì quá tốt, song bà không rõ nếu chỉ đóng BHXH tự nguyện đạt mốc tối thiểu thì người tham gia được hưởng lương hưu ra sao?
Giải đáp các băn khoăn trên, Luật sư Trần Hữu Tín- Trưởng văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, cho biết theo quy định tại Điều 98 Luật BHXH năm 2024, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên.
Bên cạnh đó, tại Điều 99 quy định mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 98 của Luật này được tính như sau:
– Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;
– Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Ngoài ra, tương tự như với người tham gia BHXH bắt buộc, lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện cũng được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu do Chính phủ quy định.
Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng BHXH của người tham gia BHXH tự nguyện từ ngày 1-7-2025:
– Người tham gia BHXH tự nguyện hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ, Chính phủ quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.
– Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng: Hàng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng 1 lần, 12 tháng 1 lần; Một lần cho nhiều năm về sau với số tiền đóng thấp hơn số tiền đóng theo mức 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất; Một lần cho thời gian đóng BHXH còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu với số tiền đóng cao hơn số tiền đóng theo mức 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Ngoài hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện, nhà nước khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế – xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo: Người lao động