Pháp luật

Án Nước ngoài-Luật Việt Nam:Mất việc vì hộp sôcôla giá hơn 20.000 đồng

Án Nước ngoài:

Hiệu trưởng bị sa thải vì nhận sôcôla của học sinh

Trường mẫu giáo Sanxia nằm ở Thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) đã sa thải cô Vương, nữ Hiệu trưởng của trường, chỉ bởi cô đã nhận một hộp sôcôla do một nam học sinh của trường tặng, nhân ngày Nhà giáo. Hộp sôcôla có giá trị nhỏ, chỉ hơn 6 tệ (tương đương hơn 20.000 đồng).

Camera an ninh trong trường mẫu giáo cho thấy toàn bộ sự việc: Một bé trai đã tặng cô Vương một hộp sôcôla nhỏ, khi đó, cô đang ngồi trước cửa một lớp học cùng với một giáo viên khác. 

Cô Vương đã nhận món quà nhỏ của cậu học sinh, ôm cậu bé rồi chia kẹo trong hộp cho một số em học sinh đang ở gần đó.

Ngay sau sự việc, cô được người tuyển dụng thông báo rằng cô đã bị sa thải vì nhận quà của học sinh, gây ảnh hưởng tới hình ảnh của nhà trường.

Người tuyển dụng cho rằng cô Vương đã vi phạm quy định của Bộ Giáo dục Trung Quốc về việc cấm giáo viên nhận quà và tiền từ phụ huynh và học sinh.

Sự việc xảy ra hồi tháng 9/2023. Sau đó, cô Vương đã đưa sự việc ra tòa, cô kiện chính người đã đứng ra đầu tư mở trường, cũng chính là người đã tuyển dụng cô.

Tòa án quận Cửu Long Pha của Thành phố Trùng Khánh đã xét xử vụ việc trong tháng 3 năm nay và đưa ra kết luận rằng, hành động sa thải cô Vương đã vi phạm luật lao động. Nhà tuyển dụng của trường mầm non Sanxia cần phải bồi thường cho cô Vương.

Tòa cũng khẳng định rằng hộp sôcôla có giá trị nhỏ được tặng bằng tình cảm yêu mến và sự kính trọng của học sinh dành cho cô giáo. Hành động tặng và nhận quà trong tình huống này không thể bị nhìn nhận sai lệch như thể một hành vi vi phạm.

Dù vậy, nhà tuyển dụng của trường mầm non đã tiếp tục đệ đơn kháng cáo trong tháng 8 vừa qua. Vụ việc sẽ tiếp tục được tòa án cấp cao hơn đưa ra xét xử. 

Hiện tại, vụ kiện thu hút sự quan tâm bình luận của dư luận Trung Quốc, đa số đều đứng về phía cô Vương và phản đối cách ứng xử của nhà tuyển dụng.

Án Nước ngoài-Luật Việt Nam:
Mất việc vì hộp sôcôla giá hơn 20.000 đồng- Ảnh 1.

Hiệu trưởng của một trường mẫu giáo tại Trung Quốc bị sa thải vì nhận một hộp sôcôla nhỏ do học sinh tặng (Ảnh minh họa: SCMP).

Luật Việt Nam:

Chưa đến mức bị kỷ luật sa thải

Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định các hành vi tham nhũng như sau: 1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: a) Tham ô tài sản; b) Nhận hối lộ; c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi; l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. 2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: a) Tham ô tài sản; b) Nhận hối lộ; c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Như vậy, tham ô tài sản có hiểu được hiểu là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Tham ô tài sản là một trong các tội thuộc nhóm các tội phạm tham nhũng.

Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải trong trường hợp sau: 1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc; 2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động; 3. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này; 4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Như vậy, khi người lao động có hành vi tham ô tài sản tại nơi làm việc thì sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật là sa thải.

Về trách nhiệm hình sự, Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì bị xử lý hình sự về tội Tham ô tài sản. Nếu tham ô tài sản dưới 2 triệu đồng, người thực hiện hành vi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương 23 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các tội phạm về chức vụ, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Mặc dù pháp luật có quy định người lao động bị sa thải khi tham ô tài sản nhưng trước khi áp dụng chế tài cũng phải xem xét tính chất, mức độ của cụ thể của người thực hiện hành vi. Trong vụ việc trên, giá trị hộp sôcôla mà nữ Hiệu trưởng Vương đã nhận chỉ khoảng 20.000 đồng. Bên cạnh đó, cô này cũng chưa từng bị kỷ luật về hành vi nhận quà tặng, cũng chưa từng bị kết án về những tội danh tương tự. Xét về mặt lý, chiếu theo quy định của pháp luật hình sự, hành vi của cô Vương chưa đủ yếu tố cấu thành tội Tham ô tài sản. Xét về mặt tình, hành vi tặng sôcôla (tài sản có giá trị nhỏ) của cậu bé cho cô Vương thể hiện tình cảm yêu mến và sự kính trọng của học sinh dành cho cô giáo. Hành động tặng và nhận quà trong tình huống này không thể bị nhìn nhận sai lệch như thể một hành vi vi phạm để tiến hành kỷ luật sa thải cô Vương. Thế nên phán quyết của tòa án nhận định hành động sa thải cô Vương là vi phạm luật lao động và buộc nhà tuyển dụng của trường mầm non Sanxia phải bồi thường cho cô Vương là hợp lý, hợp tình.

Ánh Dương (Thực hiện)

Source

Related Articles

Back to top button