Tin trong nước

Nghỉ việc… cần thiết

Chị Trương Thị Bích Hồng (SN 1986, TP Hà Nội) từng là giám đốc kinh doanh tại một tập đoàn lớn về khách sạn, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng. Thế nhưng, vào tháng 9-2023, chị bất ngờ xin nghỉ việc khiến nhiều người ngạc nhiên. Chị Hồng cho biết nguyên nhân là từ áp lực công việc quá lớn và căng thẳng kéo dài khiến sức khỏe sa sút. 

“Do đó, tôi cần một khoảng nghỉ để tái tạo bản thân trước khi tiếp tục. Không phải ai cũng dám buông bỏ nhưng tôi tin rằng việc dừng lại đúng lúc là cách duy nhất để giữ gìn sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống” – chị Hồng bày tỏ.

“Quãng nghỉ sự nghiệp” hợp lý sẽ giúp người lao động quay lại công việc với tinh thần tích cực hơn

“Quãng nghỉ sự nghiệp” hợp lý sẽ giúp người lao động quay lại công việc với tinh thần tích cực hơn

Tương tự là trường hợp anh Nguyễn Văn Thật (SN 1992, tỉnh Gia Lai) – từng làm cho một công ty công nghệ. Ban đầu, anh thấy công việc khá thú vị nhưng sau 6 tháng, cảm giác đó dần thay đổi, bởi công việc quá căng thẳng khi phải đáp ứng tiến độ. “Đó là lý do tôi quyết định nghỉ việc, dù mức lương gần 1.000 USD/tháng. Sau khi nghỉ việc, tôi đã đăng ký một khóa học chuyên sâu về kỹ thuật phần mềm để nâng cao trình độ và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tốt hơn” – anh Thật nói.

Quyết định “Quãng nghỉ sự nghiệp” của chị Hồng và anh Thật phản ánh xu hướng ngày càng phổ biến, chứng tỏ người lao động (NLĐ) đặt sức khỏe và chất lượng cuộc sống lên hàng đầu. Theo bà Ngô Mỹ Linh, Trưởng Phòng Marketing – Công ty CP Adecco Việt Nam (quận 4, TP HCM), sự gia tăng của khoảng nghỉ trong sự nghiệp xuất phát từ sự thay đổi quan điểm về công việc, nhu cầu cao về sức khỏe tâm lý và sự linh hoạt trong thị trường lao động.

Khoảng nghỉ không chỉ giúp NLĐ phục hồi sức khỏe, tinh thần, mà còn mở ra cơ hội khám phá bản thân, cải thiện sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống và tìm kiếm cơ hội mới.

Bà Linh lưu ý quyết định nghỉ việc cần cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên sức khỏe, mục tiêu nghề nghiệp và kế hoạch tài chính. Nếu cần thời gian để phục hồi hoặc thay đổi hướng đi nghề nghiệp, phải lập kế hoạch cụ thể để tối ưu lợi ích và giảm thiểu rủi ro.

Còn bà Điêu Hoàng Tú Uyên, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn nguồn nhân lực – Công ty CP Anphabe (quận 1, TP HCM), đánh giá hiện nhiều doanh nghiệp tích cực đưa chính sách kỳ nghỉ dài hạn vào các gói đãi ngộ, nhằm thu hút và giữ chân nhân tài. Chính sách này cho phép NLĐ nghỉ việc trong một khoảng thời gian nhất định để thực hiện các mục tiêu cá nhân hoặc tham gia các hoạt động họ mong muốn. 

“Nếu triển khai chính sách hợp lý, có thể nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu suất làm việc của NLĐ, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp” – bà Uyên nhấn mạnh.

Theo: Người lao động

Related Articles

Back to top button