Cải thiện mức đóng BHXH cho người lao động
Gần 20 năm làm công nhân (CN) cho một doanh nghiệp (DN) tại KCN Tân Bình, TP HCM, mức lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của chị Nguyễn Thị Bé (quê Đồng Tháp) chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tổng thu nhập mỗi tháng của chị luôn đạt mức từ 8-11 triệu đồng.
Lo lương hưu không đủ sống
Chị Bé cho hay trước năm 2012, CN tại công ty được trả lương thời gian. Hằng năm công ty tổ chức thi tay nghề để xác định bậc thợ cũng như làm căn cứ nâng lương, nâng bậc cho CN. Mức đóng BHXH được điều chỉnh theo bậc lương của người lao động (NLĐ).
Giai đoạn sau này, công ty chuyển sang tính lương cho NLĐ theo sản phẩm. Cách tính lương mới giúp thu nhập thực tế của NLĐ, nhất là lao động lành nghề, tăng lên. Tuy nhiên, công ty lại bỏ kỳ thi nâng bậc, mức đóng BHXH của NLĐ được điều chỉnh theo mức tiền lương tối thiểu (LTT) vùng Chính phủ quy định cộng với 7% phụ cấp tay nghề.
“Vì thu nhập không cao nên tôi cũng như nhiều CN khác chỉ muốn bị trừ khoản đóng BHXH càng ít càng tốt. Tuy nhiên, khi tuổi hưu cận kề, tôi lại lo với mức đóng BHXH tương ứng LTT vùng, khoản lương hưu nhận được sau này sẽ không đủ sống” – chị Bé chia sẻ. Vì lẽ đó, chị Bé mong mỏi được tăng mức đóng BHXH bằng cách bổ sung phần đóng từ một số khoản phụ cấp để kéo giảm sự chênh lệch giữa mức lương thực nhận và khoản lương hưu sau này.
Trước khi vào làm tại Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), chị Phan Thị Thảo Trang có hơn 10 năm làm CN cho một DN may. Khi ấy, mức lương đóng BHXH của chị tương đương mức LTT vùng. Năm 2017, sau 1 năm nghỉ việc để sinh con và chăm sóc con ốm, vì túng quẫn chị Trang đành rút BHXH một lần đối với khoảng thời gian gần 10 năm tham gia BHXH.
Trang cho hay thời điểm đó, khoản tiền thai sản và BHXH một lần chị nhận được rất thấp, không mang lại nhiều ý nghĩa cho gia đình chị trong giai đoạn khó khăn ấy. Do vậy, khi vào làm việc tại Công ty TNHH Juki Việt Nam, chị rất ủng hộ việc DN không cào bằng mức đóng BHXH cho NLĐ bằng LTT vùng mà đóng theo lương cơ bản của từng người cộng thêm một số khoản phụ cấp. Với mức đóng BHXH như vậy, chị Trang nói chỉ mong công việc ổn định, được tham gia BHXH lâu dài để có lương hưu.
Chị Trần Thị Thanh Thảo, CN một DN giày da tại tỉnh Đồng Nai từng khá sốc khi bị trừ hơn 800.000 đồng/tháng để đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN. Sau khi bị trừ, thu nhập của Thảo chỉ còn 7,3 triệu đồng/tháng nên thấy rất xót. Tuy nhiên, sau khi được hưởng các chế độ liên quan như thai sản, ốm đau… Thảo mới hiểu rằng mức đóng cao thì mức hưởng cũng cao tương ứng. Hơn nữa, phần chị đóng chỉ chiếm khoảng 1/3, 2/3 còn lại DN gánh.
Doanh nghiệp “lách luật”
Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của NLĐ năm 2022 là 7,5 triệu đồng/tháng, năm 2023 là 7,1 triệu đồng/tháng và 6 tháng đầu năm 2024 là 7,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, theo BHXH Việt Nam, mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ thời gian qua chỉ đạt khoảng 5,7 triệu đồng/tháng.
Lý giải về việc mức đóng BHXH chưa tương xứng thu nhập thực tế của NLĐ, từ công tác phối hợp với BHXH TP HCM xử lý các hồ sơ DN chậm đóng, trốn đóng BHXH, Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP HCM, cho rằng xuất phát từ những thủ đoạn trốn đóng BHXH của DN.
Cụ thể, các DN chỉ giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) và tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo mức lương LTT được quy định hằng năm; chia nhỏ quỹ lương thành các khoản phụ cấp, hỗ trợ rồi đưa vào các mục không phải đóng BHXH; ký các loại hợp đồng với tên gọi khác nhau như cộng tác viên, hợp đồng khoán hoặc trả lương theo ngày để trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.
Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (TP Thủ Đức, TP HCM), chia sẻ tại một số DN, việc đóng BHXH tương ứng mức LTT vùng có sự đồng thuận của NLĐ. Điều này xuất phát từ suy nghĩ của NLĐ là tiền vô túi mình mới chắc ăn mà chưa quan tâm đến tương lai sau này.
Không ít NLĐ nhận lương vài chục triệu đồng nhưng chỉ ghi trong HĐLĐ và đóng BHXH với mức 5 triệu đồng. Khoản chênh lệch còn lại được DN quy vào các khoản phụ cấp điện thoại, nhà ở, xăng xe… và không đóng BHXH. Để hạn chế tình trạng trên, theo bà Yến, hơn ai hết NLĐ phải hiểu đúng quy định của Luật BHXH và ý thức được quyền lợi của mình, nhất là các quyền lợi lâu dài.
Đồng thời, cần có chế tài để DN đóng BHXH cho NLĐ trên mức lương và tất cả phụ cấp ghi trong HĐLĐ, không bao gồm tiền lương làm ngoài giờ và tiền thưởng. Đồng thời, cần có quy định về tỉ lệ giữa lương và phụ cấp để tránh trường hợp DN trả các khoản phụ cấp cao hơn lương hòng giảm phí đóng BHXH.
Ông Lại Thế Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Văn hóa Tân Bình (KCN Tân Bình), cho rằng mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ là yếu tố quyết định mức hưởng các chế độ BHXH. Do vậy, DN cần phải bảo đảm xây dựng bảng lương, thang lương với các ngạch, bậc lương cụ thể làm căn cứ trả tiền lương, xét nâng lương định kỳ và đóng BHXH cho NLĐ nhằm bảo đảm tính công bằng, minh bạch.
Không có chuyện đóng thấp, hưởng cao
Bà Phạm Thị Thanh Trúc, Thẩm phán TAND TP HCM, cho hay khi ký HĐLĐ, NLĐ luôn muốn đóng BHXH ở mức thấp nhất. Nhưng khi xảy ra tranh chấp, NLĐ lại đòi bồi thường với mức lương cao (lương thực nhận). Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, căn cứ để tòa án giải quyết là mức lương ghi trên HĐLĐ. Do vậy, NLĐ cần phải nhận thức được rằng họ đóng BHXH thế nào sẽ được hưởng các quyền lợi BHXH và các khoản bồi thường khi xảy ra tranh chấp tương xứng, không có chuyện đóng thấp, hưởng cao.
Theo: Người lao động