Tin trong nước

Lương hưu được điều chỉnh tăng 7 lần trong 10 năm qua

Lịch trả lương hưu bắt đầu từ đầu tháng nhưng ngay từ cuối tháng, bà Nguyễn Thị Hảo (74 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) đã ra vào nhìn cuốn lịch treo tường chờ đến ngày ra bưu điện lĩnh lương. Nghỉ hưu từ đầu những năm 2002, đến nay sau nhiều lần được tăng, mức lương hưu của bà Hảo được nhận hơn 4,9 triệu đồng/tháng.

Chồng bà Hảo là lao động tự do nên không lương hưu, khoản tiền lương của bà là nguồn thu lớn nhất của hai vợ chồng. Với khoản lương hưu gần 5 triệu của đồng, bà phải dành ra một khoản để phòng đám cưới, giỗ chạp, thăm người ốm… Số còn lại lo chi tiêu hằng tháng của hai vợ chồng.

Lương hưu được điều chỉnh tăng 7 lần trong 10 năm qua- Ảnh 1.

Từ ngày 1-7-2024, người nhận lương hưu được điều chỉnh tăng 15%

“Các con tôi làm công nhân nên thu nhập chỉ đủ ăn, không dư dả để đỡ đần được ba mẹ. Với mức lương hiện tại ở thành phố khi mà rau thịt, điện, nước… đều tăng, khj nhận lương về tôi phải tính toán rất kỹ xem chi các khoản thế nào, chứ không sẽ thiếu” – bà Hảo nói.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội, mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính trên cơ sở mức tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội và thời gian người lao động đã đóng. Như vậy, mức lương hưu của người lao động cao hay thấp tùy thuộc vào thời gian đóng, và mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi còn làm việc.

Theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Trong 10 năm qua (2013-2023), Chính phủ đã 7 lần điều chỉnh lương hưu với mức điều chỉnh tăng bình quân là hơn 8,43% mỗi lần điều chỉnh, cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong cùng giai đoạn.

Gần đây nhất, ngày 30-6-2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP quy định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Theo đó, từ ngày 1-7-2024, thực hiện điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, và trợ cấp hằng tháng của tháng 6-2024 với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, và trợ cập hằng tháng.

“Mức điều chỉnh này cao gấp 2 lần mức điều chỉnh tăng bình quân của giai đoạn 2013-2023. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của Chính phủ trong việc cân đối nguồn lực cải thiện, đảm bảo đời sống của người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, và trợ cấp hằng tháng” -Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay.

Lương hưu được điều chỉnh tăng 7 lần trong 10 năm qua- Ảnh 2.

Trong 10 năm qua (2013-2023), Chính phủ đã 7 lần điều chỉnh lương hưu với mức điều chỉnh tăng bình quân là hơn 8,43% mỗi lần điều chỉnh

Thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu Chính phủ khi thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 28-NQ/TW nêu trên.

Để cải thiện lương hưu cho những người có mức hưởng thấp, tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có hiệu lực từ ngày 1-7 năm sau, cũng đã quy định thêm việc điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng, đối với đối tượng có mức lương hưu thấp, và nghỉ hưu trước năm 1995.

Đây là chính sách nhằm bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu, giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

Theo: Người lao động

Related Articles

Back to top button