Tin trong nước

LUẬT VIỆC LÀM (SỬA ĐỔI): Bảo đảm quyền lợi cho người lao động

Theo đề xuất của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), các trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) bao gồm: đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật theo quy định Bộ Luật Lao động; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức; bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức; hưởng lương hưu; đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc. Hiện có nhiều ý kiến băn khoăn liên quan đến đề xuất này.

Có đóng phải có hưởng

Ông Giang Văn Thái, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty CP Đại Đồng Tiến (quận 5, TP HCM), cho rằng quy định người lao động (NLĐ) hưởng lương hưu; đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng khi chấm dứt HĐLĐ không được hưởng TCTN gây thiệt thòi cho NLĐ.

Người lao động tại TP HCM làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp Ảnh: HUỲNH NHƯ

Người lao động tại TP HCM làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp .Ảnh: HUỲNH NHƯ

Hiện nếu hưởng hưu sẽ không được hưởng TCTN nên nhiều NLĐ dù đủ điều kiện nhận lương hưu vẫn chọn phương án hưởng TCTN trước vì lương hưu thấp hơn bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Lựa chọn này là chính đáng, bởi hưu trí và TCTN là 2 chế độ khác nhau, chi từ 2 nguồn quỹ có sự đóng góp của NLĐ. 

Hơn nữa các quy định pháp luật đều khuyến khích thực hiện chính sách có lợi hơn cho NLĐ. Đối với người thuộc đối tượng hưởng nhiều chế độ chính sách sẽ được chọn mức hưởng cao hơn. Do đó, ông Thái kiến nghị các nhà làm luật cần thiết kế chính sách theo hướng cho phép NLĐ có quyền chọn phương án nào có lợi hơn cho mình.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (TP Thủ Đức, TP HCM), đặt vấn đề cơ sở nào để Ban soạn thảo đưa quy định NLĐ đủ điều kiện nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt HĐLĐ thì không được hưởng TCTN vào Luật Việc làm? Đã có đánh giá tác động xã hội trước khi đề xuất hay chưa? “Nguyên tắc của Luật Việc làm là có đóng có hưởng, vậy tại sao NLĐ đủ kiều kiện nhưng chưa hưởng hưu lại không được hưởng TCTN, trong khi nếu đối tượng này tiếp tục làm việc thì vẫn phải đóng quỹ BHTN như những NLĐ khác?” – bà Yến thắc mắc.

Ở trường hợp trên, nếu không cho NLĐ nhận TCTN thì ít nhất cho đối tượng này nhận BHTN một lần, mức hưởng có thể thấp hơn mức bình thường (60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc) để NLĐ an tâm gắn bó lâu dài với chính sách.

Về đối tượng bị sa thải, luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng không ít trường hợp NLĐ bị doanh nghiệp (DN) sa thải trái pháp luật. Vậy nếu NLĐ được tòa phán quyết là bị sa thải trái quy định nhưng họ không được hưởng BHTN thì không hợp lý. Do đo, khi sửa đổi Luật Việc làm cần xem xét tình huống này để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.

Không nên quy định cứng nhắc

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 30.000 DN nợ BHXH, BHYT, BHTN đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn. Tổng số tiền nợ khó thu hồi là hơn 4.000 tỉ đồng của trên 213.300 NLĐ. Ngoài các quyền lợi về BHXH, BHYT, khi thôi việc, mất việc số lao động trên cũng không được hưởng TCTN. Từ thực tế này, có nhiều kiến nghị cần có giải pháp khả thi để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

Ông Nguyễn Quốc Đạt, từng là công nhân Công ty TNHH S.H (quận 8, TP HCM), cho hay khi nghỉ việc vào tháng 7-2023, ông bị công ty nợ BHXH, BHYT, BHTN 6 tháng nên không thể chốt sổ BHXH. Sau khi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng nhờ can thiệp thì hơn 3 tháng sau DN mới khắc phục nợ, chốt và trả sổ BHXH cho ông. 

Khi nhận sổ BHXH, vì đã qua thời hạn đăng ký hưởng BHTN nên ông Đạt mất quyền lợi. Từ tình huống của mình, ông Đạt cho rằng không nên quy định cứng nhắc về thời gian nộp hồ sơ hưởng TCTN là trong vòng 3 tháng kể từ khi nghỉ việc, chỉ cần NLĐ đáp ứng điều kiện về thời gian đóng và chưa có việc làm mới thì được hưởng BHTN.

Nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ trong trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) không còn khả năng đóng BHTN, BHXH Việt Nam đề nghị bổ sung quy định về cơ chế đặc thù trong dự thảo luật. Cụ thể, cơ quan BHTN xác nhận tạm thời thời gian đã đóng khi có yêu cầu của NLĐ làm cơ sở thực hiện chế độ BHTN trong trường hợp NSDLĐ trốn đóng, chậm đóng BHTN mà tạm ngừng kinh doanh; 

không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cưỡng chế về quản lý thuế; đang làm thủ tục giải thể; đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập; đang làm thủ tục phá sản; đã phá sản; không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Khi NSDLĐ tiếp tục hoạt động sản xuất – kinh doanh hoặc có quyết định tuyên bố phá sản, giải thể mà thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng thì cơ quan BHTN xác nhận bổ sung thời gian đóng làm cơ sở thực hiện chế độ BHTN cho NLĐ. Đối với trường hợp tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng BHTN thì NLĐ được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ BHTN để đủ điều kiện hưởng TCTN. Đề xuất này đã được Bộ LĐ-TB-XH tiếp thu, rà soát bổ sung quy định. 

Cần xem xét thấu đáo

UBND TP HCM kiến nghị, hiện có tình trạng một số DN có người đại diện theo pháp luật bị tạm giam (chưa có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền) nhưng không có người thay thế, điều hành dẫn đến quyền lợi BHTN của NLĐ không được bảo đảm. Do đó, khi sửa đổi Luật Việc làm cần xem xét cho NLĐ tại các DN này được hưởng TCTN khi nghỉ việc.

Theo: Người lao động

Related Articles

Back to top button