Khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”
Ngày 9-8, hội thảo khoa học cấp quốc gia do Trường Cao đẳng Kinh tế TP HCM phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, khách sạn Majestic Sài Gòn tổ chức đã thu hút hơn 250 đại biểu là các chuyên gia đầu ngành, đại diện các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giảng viên, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đến tham dự.
Còn quá chú trọng thương mại
Tại hội thảo, bà Lê Thị Thúy Tiên, Giám đốc nhân sự Công ty CP Đầu tư Địa ốc Sài Gòn King Land, chỉ rõ những mặt hạn chế khiến giáo dục đại học, GDNN và DN không thể gắn kết chặt chẽ với nhau.
Theo bà Tiên, các hoạt động hợp tác giữa nhà trường và DN diễn ra rời rạc, riêng lẻ, chỉ mang tính nhất thời; hợp tác với DN không nằm trong kế hoạch đầu năm học của nhà trường; nhà trường chưa sâu sát đến những hoạt động của câu lạc bộ, để sinh viên (SV) tự triển khai và chịu trách nhiệm dẫn đến các hoạt động diễn ra tự phát, ảnh hưởng uy tín nhà trường.
Ngoài ra, nhà trường và DN không nắm rõ tầm nhìn và mục tiêu từng bên, dẫn đến việc hợp tác không mang lại giá trị phù hợp. “Hiện vẫn có nhiều DN quá chú trọng yếu tố thương mại, lồng ghép thương hiệu vào các hoạt động tại trường học. Việc này khiến nhà trường phải khựng lại, nhiều thỏa thuận không thành công” – bà Tiên nói.
TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Phòng Quan hệ DN và Việc làm SV – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP HCM), cho rằng nhiều DN vẫn có suy nghĩ phân biệt, ưu tiên lựa chọn hợp tác với trường công lập nhiều hơn. “Việt Nam có khoảng 94% DN nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, nhà trường không có nhiều đơn đặt hàng đào tạo, nhu cầu đổi mới công nghệ tại các DN này không cao và chưa có tầm nhìn trong việc hợp tác lâu dài. Ngoài ra, nhà nước chưa có chính sách ưu đãi dành cho các DN hỗ trợ giáo dục” – TS Phương đánh giá.
Ở lĩnh vực GDNN, TS Nguyễn Đặng An Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP HCM, đánh giá các hoạt động liên kết đào tạo hiện chưa phong phú, thiếu tính thuyết phục với giảng viên và SV. Thực tế, SV vẫn chưa nhận thức đúng ý nghĩa của việc thực tập tại DN. Có thể SV không thật sự yêu thích ngành đang học nên tỏ vẻ hời hợt hoặc có thể do chương trình thực tập tại DN chưa thu hút SV. Điều này khiến việc liên kết giữa nhà trường và DN không đạt hiệu quả như mong muốn.
Tích cực hợp tác
TS Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, nói để duy trì và phát triển vị thế đổi mới sáng tạo của địa phương, việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các DN và cơ sở giáo dục – đào tạo cũng như giáo dục đại học là yếu tố cốt lõi.
“Khoảng 42% chương trình đào tạo đại học có tính thực tiễn cao, 35% SV tham gia các chương trình thực tập tại DN. Con số này còn quá khiêm tốn với một thành phố năng động, hiện đại như TP HCM” – TS Minh nhấn mạnh. Theo số liệu từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, có khoảng 70% SV tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng và trung cấp đang làm việc tại các DN trong thành phố, trong đó chỉ 30% được đánh giá là có kỹ năng và kiến thức đáp ứng.
Còn khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy hơn 60% DN gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu sản xuất – kinh doanh. Nguyên nhân chính là do sự thiếu liên kết và phối hợp giữa DN và các cơ sở giáo dục dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” kéo dài.
Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, tăng cường các chương trình “thực chiến” như học kỳ DN, thực tập trong DN nước ngoài Việt Nam, thực tập ở nước ngoài. TS Nguyễn Thanh Phương cho rằng DN chính là cánh tay nối dài, góp phần đưa những dự án khoa học của SV đến gần với thực tế, tạo nhiều cơ hội phát triển cho SV. “Nhiều công trình nghiên cứu đã được DN chuyển giao công nghệ, ứng dụng vào xã hội. Nhờ sự cố vấn và hỗ trợ của DN mà một số SV đã khởi nghiệp thành công” – TS Phương đánh giá.
Về phía DN, cần nhận thức đầy đủ hơn lợi ích cũng như xu thế tất yếu của mối liên kết giữa DN và nhà trường. Định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược, kế hoạch sản xuất – kinh doanh một cách cụ thể và lâu dài.
Bà Lê Thị Thúy Tiên đề xuất DN cần tăng cường tham gia tư vấn chương trình đào tạo, hỗ trợ cơ sở thực tập cho SV, hỗ trợ tài chính cho cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở GDNN. Để khuyến khích DN đồng hành với SV, nhà nước cần có chính sách giảm thuế hoặc có chính sách ưu đãi đối với những DN tham gia các hoạt động giáo dục; khen thưởng đối với các DN tham gia phối hợp tích cực với nhà trường và đạt hiệu quả cao.
Nâng cao đội ngũ giảng viên giáo dục nghề nghiệp
Theo báo cáo kết quả công tác 7 tháng đầu năm và định hướng 5 tháng cuối năm 2024 trong lĩnh vực GDNN của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, Trường Box Hill (Úc) đề xuất chuyển giao chương trình đào tạo ngành logistics theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề của Úc ở trình độ cao đẳng cho TP HCM; Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo nghề (The VDC), Liên minh Đào tạo nghề Tây Úc (WA TVET) và các trường tại bang Victoria, bang Tây Úc đề xuất thiết kế một chương trình đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên GDNN tại các cơ sở GDNN của thành phố về nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, giảng dạy, xây dựng chương trình, kỹ năng đánh giá người học…
Theo: Người lao động