Xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi bị xử lý ra sao?
Pháp luật bảo vệ các nạn nhân bị xâm hại tình dục
Thời gian qua, tại tỉnh Bình Phước xảy ra vụ việc ông Trần Quốc Duy (43 tuổi, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước), nghi giao cấu đồng tính với một nam sinh 16 tuổi gây xôn xao dư luận.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Văn Đoàn, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho hay, hiện nay pháp luật đã đặt ra quy định bảo vệ người đồng tính trước hành vi xâm hại tình dục và xử lý trách nhiệm hình sự đối với những ai có hành vi hiếp dâm người đồng tính.
“Cụ thể theo Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145,146,147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi là người đồng tính có thể hiểu được cấu thành bởi: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác, thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác và trái với ý muốn của nạn nhân.
Vì vậy, hành vi xâm hại tình dục người khác là vi phạm pháp luật bất kể là cùng giới hay khác giới. Nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành nêu trên, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 141 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội Hiếp dâm”, luật sư Nguyễn Văn Đoàn phân tích.
Cần cơ chế hỗ trợ tâm lý, pháp lý cho nạn nhân
Theo dõi vụ việc trên, luật sư Nguyễn Văn Đoàn nhận định, nếu có hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo khoản 4, Điều 141; phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Theo đó, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp thực tiễn, việc áp dụng pháp luật có thể gặp khó khăn do sự phê phán từ xã hội đối với cộng đồng LGBT (LGBT là cụm từ viết tắt của các cụm từ tiếng anh như: Lesbian “đồng tính nữ”, Gay “đồng tính nam”, Bisexual “người song tính/lưỡng tính” và Transgender “người chuyển giới”. Đây đều là những người thuộc cộng đồng người có xu hướng tính dục khác – PV), cũng như tâm lý e ngại của nạn nhân.
Điều này có thể dẫn đến nguy cơ của việc không báo cáo, hoặc không truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các tội phạm xâm hại tình dục đồng tính.
“Để đảm bảo rằng các nạn nhân của xâm hại tình dục đồng tính được bảo vệ và được quan tâm, cần có các cơ chế hỗ trợ tâm lý và pháp lý chuyên biệt. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, và hỗ trợ pháp lý đặc biệt cho cộng đồng LGBT”, luật sư Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước khóa XI đã họp kỳ thứ 55, 56 và 57 vào ngày 30/7. Tại đây, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trần Quốc Duy (SN 1981, trú tại Tp.Đồng Xoài), Tỉnh ủy viên – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư – Thương mại, dịch vụ tỉnh Bình Phước.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy, ông Trần Quốc Duy đã vi phạm đạo đức lối sống, thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh của người đảng viên, cấp ủy viên. Sai phạm của ông Duy đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, quyết định.
Trước đó, ngày 18/5, ông Phạm Văn Trinh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Phước, đã cung cấp thông tin chính thức về vụ việc Trần Quốc Duy nghi giao cấu đồng tính với nam sinh gây xôn xao dư luận.
Theo đó, tối 15/5, người nhà em N.Đ.T.K. (SN 2008, ngụ ấp Cầu Rạt, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) phát hiện và bắt quả tang ông Duy có hành vi quan hệ đồng tính với em K.
Sau khi bị bắt quả tang, ông Duy bị một số người đánh đập và quay video. Công an địa phương đã có mặt tại hiện trường đưa đối tượng về cơ quan để làm việc. Qua khám xét, phát hiện trong túi của người đàn ông này có nhiều bao cao su và vỉ thuốc đã sử dụng nhiều viên.