Trường vùng cao tìm cách ôn tập cho học sinh

0
3345

Thầy Tú là Hiệu trưởng trường Tiểu học Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Do cán bộ, giáo viên đang nghỉ phòng Covid-19, thầy kiêm luôn công việc hành chính, in bài ôn tập cho học sinh. Thầy giáo kể, trước khi quyết định phát phiếu bài tập về nhà, Ban giám hiệu đã lên phương án để 299 học sinh thuộc 5 khối lớp học online qua Youtube và học qua Đài VTC.

Ban giám hiệu dự định lập ra nhóm chat qua mạng xã hội, tương tác với giáo viên chủ nhiệm các lớp để duyệt chương trình ôn tập mỗi tuần, tập trung hai môn Toán, Tiếng Việt. Giáo viên chủ nhiệm sau đó lập ra nhóm chat riêng với phụ huynh và học sinh để gửi bài tập về nhà. Tuy nhiên, phương án này đổ bể.

Thầy Tú mở máy tính in phiếu ôn bài cho em Nguyễn Tiến Dũng (áo xám), học sinh lớp 4 vào sáng 18/3. Ảnh: Đức Hùng

Thầy Tú mở máy tính in phiếu ôn bài cho em Nguyễn Tiến Dũng, học sinh lớp 4 vào sáng 18/3. Ảnh: Đức Hùng

Thầy Tú giải thích, trường Tiểu học Thạch Ngọc nằm ở vùng núi, cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh vài chục km, đời sống người dân còn khó khăn. Phụ huynh đa số làm ruộng hoặc đi làm thuê miền Nam, số người có smartphone kết nối mạng chỉ đạt khoảng 45%. Vì thế hơn nửa học sinh không thể học và cập nhật chương trình online qua điện thoại của bố mẹ.

“Việc học qua Đài VTC cũng không khả thi, vì phải có đầu thu phát sóng. Khổ nỗi dân quê không phải ai cũng có tiền mua và nếu mua được rồi có người cũng không biết sử dụng”, thầy Tú nói. Thầy Tú đã gặp vài phụ huynh để khảo sát, tìm hiểu việc học online và qua truyền hình, nhiều người lắc đầu bảo: “Cái này khó, không biết làm, nếu thầy đến trợ giúp thì may ra mới được”.

Vì thế trường phải quay lại phương án thủ công. Theo cô Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, cứ sáng thứ hai cô sẽ trình phiếu ôn tập lên Ban giám hiệu, sau khi được duyệt nội dung sẽ in ra và đưa về 8 xóm ở xã Thạch Ngọc, nhờ đại diện phụ huynh đưa đến cho học trò. Các khối lớp từ 2 đến 5 cũng đều theo quy trình như vậy. Cuối tuần, phụ huynh sẽ thu phiếu ôn tập của con em nộp lại cho cô chủ nhiệm để đánh giá.

Thời gian này học sinh chỉ ôn lại chương trình cũ và được phân theo ba cấp độ. Với học sinh trung bình, bài tập chỉ yêu cầu đạt khoảng 5-6 điểm; khá phải đạt điểm 7-8; giỏi là 9-10. Theo cô Huyền, hình thức học qua phát phiếu trực tiếp được phụ huynh ủng hộ. Thỉnh thoảng họ gọi điện hỏi việc ôn bài của con.

“Qua kiểm tra, thấy đa số học trò vẫn nắm vững được kiến thức cũ, chỉ một vài em bị hổng”, cô giáo nói. Nhiều em gặp cô còn hồ hởi khoe: “Cô ơi, con đã hoàn thành hết bài cô giao”.

Cô Hiền kiểm tra lại các phiếu bài tập để trình lên Ban giám hiệu. Ảnh: Đức Hùng

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền kiểm tra lại các phiếu bài tập để trình lên Ban giám hiệu. Ảnh: Đức Hùng

Nhiều trường khác ở vùng cao cũng tổ chức ôn tập cho học sinh bằng cách phát phiếu bài tập tận nhà. Tại Lào Cai, thầy Nguyễn Đắc Chiến, quyền Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Kim, huyện Sa Pa, cho biết trong thời gian nghỉ phòng Covid-19, giáo viên in phiếu bài tập Toán, Tiếng Việt ra, sau đó phát cho giáo viên chủ nhiệm đưa đến nhà học sinh; nếu xa có thể gửi trưởng thôn phát hộ trong lúc đi tuyên truyền người dân phòng tránh dịch.

Mỗi tuần, thầy cô chuẩn bị 5 phiếu cho một học sinh, đảm bảo mỗi ngày các em đều có một phiếu. Đến tuần sau, giáo viên sẽ phát phiếu mới đồng thời thu lại phiếu cũ, bài tập đã làm của các em để chấm và nhận xét.

Hiệu trưởng Chiến chia sẻ, tại trường Tiểu học Thanh Kim, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là Dao và H’Mông. Ngoài đi học, các em còn lên nương, đi rừng giúp bố mẹ. Trừ một số học sinh con cán bộ, hầu hết tự học vì bố mẹ không có khả năng để kèm cặp. “Ngày bình thường, dạy trực tiếp đảm bảo chất lượng còn khó. Việc phát phiếu bài tập được khoảng 50% học sinh hoàn thành là tốt lắm rồi”, thầy Chiến nói.

Tại huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, giáo viên trường THCS Hồ Thầu cũng sử dụng hình thức in phiếu bài tập, nhờ Bí thư và cán bộ thôn phát cho học sinh hàng tuần. Với những phụ huynh sử dụng Zalo, thầy cô sẽ lập một nhóm chat chung và gửi bài tập vào đó.

Thầy Dương Văn Thưởng, Hiệu trưởng trường THCS Hồ Thầu, cho hay một lớp 30-35 học sinh có khoảng 10 phụ huynh sử dụng Zalo. Trường cũng nhờ bộ phận văn phòng gửi bài tập qua hệ thống iOffice tới phụ huynh, nhưng “không khả thi, vì mọi người thường xuyên đổi số điện thoại”. Cách phổ biến và đảm bảo bài tập đến tận tay học sinh vẫn là gửi phiếu bài tập.

“Hàng tuần, giáo viên sẽ giao bài tập ở ba môn cho một lớp, đến tuần sau giao ba môn khác. Với 90% học sinh dân tộc Dao, còn lại là người Tày và Nùng, tôi không muốn giao cùng lúc quá nhiều môn, tránh làm các em nản và không hoàn thành. Khi nào đi học trở lại, giáo viên sẽ kiểm tra toàn bộ bài tập đã giao trong thời gian nghỉ”, thầy Thưởng nói.

Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết, sau đó nghỉ phòng Covid-19. Các địa phương đã 5-6 lần điều chỉnh lịch nghỉ học, hầu hết cho học sinh từ mầm non đến THCS nghỉ hết tháng 3, học sinh THPT của hơn 30 tỉnh thành đi học từ ngày 2/3. Để duy trì nếp học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các tỉnh thành tổ chức dạy học qua Internet, truyền hình.

Đến ngày 18/3, Covid-19 đã lan ra 168 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 200.000 người nhiễm bệnh và gần 8.000 người chết. Đến trưa 18/3, Việt Nam ghi nhận 68 ca bệnh trong đó 16 ca đã khỏi. Đại dịch khiến 102 quốc gia đóng cửa toàn bộ trường học, làm gián đoạn học tập của gần 850 triệu học sinh, sinh viên từ mẫu giáo đến đại học. 11 quốc gia khác cho học sinh tại những vùng có dịch nghỉ học nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Đức Hùng – Thanh Hằng