Cơ hội bứt tốc cho các thương hiệu tại F1

0
574

F1 là một trong những sự kiện thể thao đắt đỏ bậc nhất thế giới. Giải đua danh giá này đã nhận tổng số tiền tài trợ 30 tỷ USD trong 15 năm, từ 2004 đến 2018. Trong năm 2018, nguồn tiền từ các nhà tài trợ chiếm 44,7% tổng chi phí của giải đua. Sân chơi này là nơi quen thuộc với những thương hiệu danh giá như DHL, Emirates, Pirelli, Rolex, Mercedes AMG, Amazon hay Tata Communications…

Nhưng trở thành đối tác hoặc nhà tài trợ cho F1 không hề dễ dàng. Thương hiệu tham gia phải đạt được ba tiêu chí mà ban tổ chức F1 đề ra. Thứ nhất, doanh nghiệp phải có sức ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Thứ hai, thương hiệu phải là một biểu tượng của sự phát triển, thịnh vượng và uy tín. Thứ ba, đây phải là một thương hiệu quốc gia, là niềm tự hào của đất nước đăng cai.

Nguồn lực tài chính không phải là đóng góp duy nhất mà các nhà tài trợ mang đến F1. Các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, chuyển giao công nghệ giữa nhà tài trợ và các đội đua cũng đã góp phần làm nên danh tiếng và nâng cao chất lượng giải. Petronas là ví dụ.

Gã khổng lồ dầu khí của Malaysia là đơn vị đồng hành lâu năm cùng đội Mercedes. Hãng đã tạo ra một loại dầu nhờn đặc biệt giúp Mercedes sở hữu loại động cơ thành công và hiệu quả nhất lịch sử F1, tỷ lệ thắng cuộc 74% từ năm 2014.

Việc tài trợ cho F1 là khoản đầu tư lớn với các nhãn hàng. Tuy nhiên, những lợi ích mà thương hiệu thu lại được cũng không nhỏ.

“Một nghiên cứu từ năm 2007 chỉ ra rằng, với khoản đầu tư trung bình khoảng 252 tỷ đồng, thương hiệu sẽ đạt được hoàn vốn đầu tư bình quân khoảng 580 tỷ đồng”, đại diện BTC F1 tại Việt Nam nói. “Tính toán này được dựa trên tần suất được nhắc đến trên các kênh truyền hình, báo chí, các chỉ số marketing online, doanh số bán hàng trực tiếp và các cơ hội kinh doanh mới”.

Mua

Sơ đồ đường đua F1 tại Hà Nội.

Bên cạnh việc đạt độ phủ truyền thông, thương hiệu tài trợ cho F1 còn thụ hưởng những giá trị liên kết khi sánh vai cùng các tên tuổi đẳng cấp thế giới. “Các quyền lợi và ưu đãi về vé và chỗ ngồi cho nhà tài trợ cũng sẽ mở ra cơ hội tiếp cận, mở rộng quan hệ kinh doanh với các đối tác lớn mà doanh nghiệp thông thường không dễ dàng có được”, một chuyên gia lĩnh vực marketing tại Hà Nội nói.

Vì những lý do trên, trước thềm mỗi giải đua F1, người hâm mộ cũng như giới truyền thông luôn chờ đợi xem những tên tuổi mới nào sẽ xuất hiện trên khúc cua danh vọng tại đường đua Grand Prix. Hiện tại, VinFast là nhà tài trợ chính của chặng đua F1 Việt Nam Grand Prix 2020. Các thương hiệu lần lượt ghi danh tài trợ cho sự kiền lần này gồm Heineken Silver, Johnnie Walker, LienVietPostBank, VPBank, MIKGroup…

Chặng đua Formula 1 VinFast Vietnam Grand Prix nằm trong nhóm mở đầu các chặng đua tại châu Á, được xem là một trong những chặng đua thử thách và bất ngờ nhất của giải. Ban tổ chức F1 tại Việt Nam kỳ vọng giải sẽ trở thành một trong những “bom tấn” truyền thông của F1 năm nay.

Sự kiện có số lượng khán giả dự kiến 300.000 lượt trong ba ngày tổ chức, có sự tham gia của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế. BTC giải kỳ vọng đường đua F1 sẽ là cơ hội bứt tốc cho doanh nghiệp tạo nên những kỳ tích về kinh doanh và thương hiệu.

Tuấn Vũ