Điện thoại chị Liễu báo có tin nhắn từ nhóm chat chung của phụ huynh lớp 1 trường Tiểu học Khương Thượng (Đống Đa), nhiều người cũng bất an như chị. Nhưng rồi mọi người động viên nhau nếu con chưa ho, sốt thì vẫn cho đi học vì “nghỉ sợ không bắt kịp kiến thức, giữ ở nhà cũng không có người trông”.
Đưa con đến trường, nhìn lớp học vắng hơn trước, chị Liễu càng lo, mong muốn nhà trường cho nghỉ học để con ở nhà, tránh nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài. “Những ngày qua, tôi không ngừng lo lắng về tình hình lây lan nhanh của virus corona”, chị Liễu nói.
Từ sáng qua, khi đưa con đi học sau kỳ nghỉ lễ, chị Liễu cho bé dùng hai khẩu trang y tế 3D, dặn con phải đeo trùm mũi và không được bỏ ra. “Cháu đeo khẩu trang lúc đi và về, còn trong lớp bỏ ra vì ngượng, không bạn nào trong lớp đeo cả”, chị Liễu kể.
Con gái chị Liễu đi học sáng 31/1. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Nhà chỉ cách trường hơn một km, lúc đón con về nhà, chị Liễu cho con thay quần áo, sau đó rửa tay với xà phòng và súc miệng, tra mắt bằng nước muối sinh lý. Chưa yên tâm, chị còn mua thêm máy lọc không khí để hút bụi và làm sạch trong nhà.
Hàng ngày, chị và các phụ huynh trong lớp trao đổi qua nhóm chat chung. “Mọi người thường xuyên chia sẻ thông tin, hình ảnh về dịch nCoV tại Việt Nam và cách đối phó của các trường lân cận để học hỏi và nắm tình hình. Điện thoại tôi báo tin nhắn liên tục, phụ huynh nào cũng rất quan tâm vấn đề này”, chị Liễu kể.
Cô giáo chủ nhiệm cũng thông báo các biện pháp phòng, tránh nCoV theo hướng dẫn của Bộ Y tế và WHO tới học sinh và phụ huynh trong lớp, khuyên đeo khẩu trang ngay cả khi học. Học sinh nào có biểu hiện ho, sốt, cô sẽ đưa xuống phòng y tế để theo dõi và báo cho bố mẹ. Từ khi dịch bùng phát, lớp của con chị Liễu chưa có học sinh nào bị ốm nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho con nghỉ học.
“Ban phụ huynh của lớp thống nhất đầu tuần sau mua nước rửa tay khô cho các con, phòng được cái gì tốt cái đó”, chị Liễu nói, dự định mua thêm mấy hộp khẩu trang cho cả nhà.
Các phụ huynh kiểm tra thân nhiệt, trang bị khăn ấm, khẩu trang cho con đi học sáng 31/1. Ảnh: Ngọc Thành |
Cùng tâm trạng với chị Liễu, chị Nguyễn Thị Thu Trà (30 tuổi, trú tại Hoài Đức) chia sẻ mấy hôm trước vẫn bình tĩnh theo dõi thông tin, nhưng hôm qua khi biết có ba trường hợp tại Hà Nội dương tính virus nCoV thì thật sự lo lắng, nhất là khi con trở lại trường vào thứ hai tuần sau. Con gái chị Trà năm nay 5 tuổi, đang theo học tại một trường mầm non gần nhà.
Liên lạc với các phụ huynh khác, chị Trà và nhiều người có ý định cho con nghỉ học để đảm bảo an toàn, đợi đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. “Có phụ huynh còn thẳng thắn đề nghị trong dịp Tết nếu gia đình nào cho con đi du lịch hoặc có nguy cơ nhiễm nCoV thì nên cho con nghỉ học hoặc cách ly với tập thể lớp. Nếu không có điều kiện cho con nghỉ thì thông tin để các gia đình khác bố trí giữ con ở nhà, tránh lây nhiễm”, chị Trà nói.
Gia đình chị Trà còn một cháu nhỏ mới sinh được hai tháng, chị lo sợ nếu không phòng, tránh virus nCoV kịp thời, cháu nhỏ bị lây nhiễm hoặc ảnh hưởng. Ban quản lý khu chung cư nơi chị ở đã rà soát, theo dõi tình trạng sức khỏe những hộ dân Trung Quốc.
Nhiều đồng nghiệp của chị Trà tìm mua khẩu trang, vitamin C, các loại vitamin tăng sức đề kháng tại các hiệu thuốc nhưng đều gặp tình trạng “cháy hàng”. Hiện chị Trà chỉ biết phòng, tránh virus nCoV bằng cách không cho con ra nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài và bổ sung vitamin cần thiết.
Phụ huynh luôn trang bị khẩu trang cho con khi ra đường. Ảnh: Ngọc Thành |
Chị Nguyễn Thị Thủy ở Hoàng Mai nhận được tin nhắn từ Trường Tiểu học Lĩnh Nam – nơi con gái út đang học lớp 2 thông báo về việc chủ động phòng dịch vào chiều 30/1. Nhà trường nhắn gia đình nhắc con giữ ấm người, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dùng khẩu trang y tế khi ra đường. Nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở, học sinh cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra. Chị tạm yên tâm vì đầu tuần sau con mới đi học trở lại.
Thế nhưng cuộc điện thoại từ cô con gái đầu học lớp 12, trường THPT Trần Quang Khải ngay sau đó khiến chị như “ngồi trên đống lửa”. Kết thúc buổi học đầu năm, em về nhà trong trạng thái mỏi người kèm ho, sốt cao. Chị lập tức hỏi con về thời điểm sốt, nhiệt độ cơ thể, triệu chứng thế nào, đã được kiểm tra y tế chưa, dặn con không đi ra đường vì “bệnh dịch đang rất nguy hiểm”.
Để yên tâm, hôm nay chị xin nghỉ làm một ngày để đưa con gái lớn đến viện kiểm tra. Chị Thủy cho rằng bình thường bị nhức đầu, sổ mũi khi giao mùa thì chỉ cần ra tiệm mua thuốc hoặc để tự khỏi nhưng “giờ đang có dịch không thể chủ quan được”.
Từ đầu tháng 1, dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona đã xuất hiện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đến ngày 31/1, Trung Quốc có 9.356 trường hợp dương tính với bệnh viêm phổi Vũ Hán, 213 ca tử vong.
Một số nơi khác cũng ghi nhận người nhiễm bệnh như Việt Nam, Macau, Hong Kong, Đài Loan, một số nước ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Chiều 30/1, Bộ Y tế công bố có 3 người Việt Nam dương tính với nCoV, trong đó 2 ca điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một ở Bệnh viện Thanh Hóa. Như vậy đến nay Việt Nam ghi nhận 5 ca bệnh viêm phổi Vũ Hán, trong đó hai bệnh nhân ban đầu là người Trung Quốc sang.
10 ngày qua, Việt Nam đã cách ly 98 người nghi nhiễm nCoV, trong đó 50 người miền Bắc, 44 người miền Trung, 4 người miền Nam.
Thanh Hằng – Hoàng Phương