Mấy ngày nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải (Xuân Phương, Nam Từ Liêm) lo ngay ngáy khi biết khu chung cư của mình có người Trung Quốc về quê ăn Tết rồi trở lại Việt Nam. Đọc báo thấy dịch viêm phổi Vũ Hán đang căng thẳng, anh Hải bàn với vợ để con ở lại quê Thanh Miện, Hải Dương. Anh sẽ nghỉ việc một tháng để chăm hai đứa con nhỏ 4 tuổi và 2 tuổi, còn vợ anh quay lại thủ đô làm việc. “Tình hình khả quan hơn tôi mới cho hai con trở lại Hà Nội. Còn không, dù phải nghỉ việc hẳn tôi cũng nhất quyết không lên khi còn dịch”, anh nói.
“Tiến thoái lưỡng nan” là tình cảnh của chị Nguyễn Ngọc Hà, 31 tuổi, ở phố Vọng (quận Hai Bà Trưng) khi nghe Thanh Hóa quê chị và Hà Nội đều có người dương tính với virus nCoV. Từ trước Tết, hai vợ chồng Hà dự tính sẽ đón con lên Hà Nội học bởi đã mua được nhà riêng. Tuy nhiên, nghe có dịch, họ đành hoãn vô thời hạn, vì sợ “người tứ xứ đổ về Hà Nội đầu năm dễ dính virus”.
Chiều qua, biết virus nCoV đã “về đến Thanh Hóa”, vợ chồng chị như ngồi trên đống lửa. “Từ tối qua đến giờ tôi gọi điện về mấy lần dặn ông bà với thằng cu phải đeo khẩu trang, bớt phải dùng nhà vệ sinh chung, không cầm tay các bạn nữa. Đi học về là đóng cổng chơi trong nhà…”, chị Hà kể.
Phụ huynh đeo khẩu trang cho con sáng 31/1 trước trường Thanh Xuân Trung, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành. |
Gia đình chị Thu Hoài, 35 tuổi ở Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) cũng lo lắng về dịch suốt kỳ nghỉ Tết. Ban đầu chị dự định nếu phát hiện người nhiễm bệnh ở Hà Nội sẽ đưa con 4 tuổi về quê với ông bà nội. “Nhà ông bà biệt lập với làng xóm, có sân vườn rộng, rau thịt tự túc. Con cũng sống ở quê quen nên nhất trí với kế hoạch này”, chị Hoài nói. Tuy nhiên sau thông tin ba người Việt bị dịch, vợ chồng chị lại nghĩ “con ở bên mình mới là an toàn nhất”.
Từ chiều 30/1, Hoài đi mua lá thơm về xông nhà, bật điều hòa cho nhiệt độ phòng ấm lên. “Từ nhỏ con tôi đã được luyện thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi ngoài về. Nhưng nay phải dạy lại con phương pháp rửa tay 6 bước như bác sĩ hướng dẫn, đảm bảo hát xong hai lần bài Happy birthday mới an toàn”, chị nói.
Bình nước nóng luôn luôn đầy để cả gia đình uống nước ấm, súc miệng nước muối sáng dậy và trước khi ngủ. Trước và sau bữa ăn, chị luôn đun một nồi nước sôi tráng bát đũa. Bên cạnh mua khẩu trang y tế, chị Hoài còn nấu một nồi nước với vỏ chanh, củ sả đập dập và mật ong để cả nhà thi thoảng uống vài ngụm. Chị cũng bổ sung thêm vitamin C từ cam và vitamin tổng hợp cho các thành viên trong gia đình.
Sau 3 năm không về, năm nay các thành viên trong gia đình chị Phương Mai, 47 tuổi, đang kinh doanh ngành làm đẹp ở Việt Nam và Canada cũng háo hức về Việt Nam ăn Tết. Nhưng mọi kế hoạch đi chơi đảo lộn vì dịch viêm phổi Vũ Hán.
Chị phải hủy chuyến du xuân Đà Nẵng – Phú Quốc từ 29 đến mùng 3 Tết. Thay vì đón giao thừa trên Bà Nà Hill, bốn người nhà chị phải đóng cửa ở trong nhà, bật máy lọc không khí 24/24. Hai con nhỏ bức bối, đòi đến các khu vui chơi, trung tâm thương mại, nhưng chị cũng không dám cho con tập trung ở nơi đông người.
“Phải thức đêm để xử lý công việc. Nghỉ Tết nhưng còn mệt hơn ngày thường”, chị nói và cho biết đã hạn chế đi thăm hỏi họ hàng, quà cáp đã mua đành nhờ cha mẹ chuyển. Kế hoạch ở quê đến hết rằm tháng Giêng nhưng sau một đêm suy nghĩ, chị Mai quyết định đổi vé máy bay về Canada vào cuối tuần này.
Ở Pháp, chị Phạm Mai Liên, du học sinh 28 tuổi, vừa mất 500 USD (khoảng 11 triệu đồng) vì hủy vé cho bạn trai sang chơi. Cách đây 6 tháng, cặp đôi đã lên sẵn kế hoạch du lịch ở Pháp. Hai tháng trước, Liên đặt vé cho người yêu vào ngày 8/2, bay từ Hà Nội, đến Quảng Châu, Trung Quốc, chờ 10 tiếng rồi tiếp tục tới Pháp.
Vì vé đến các điểm du lịch khắp nước Pháp đã mua, không muốn kế hoạch bị “phá sản”, chị đành đặt vé của hãng khác, với giá 700 USD, chỉ dừng chân ở Singapore 3 tiếng, trước khi sang Pháp. “Tôi nghe nói 7-10 ngày nữa là đỉnh dịch nên thà mất tiền chứ không để anh ấy dừng ở Trung Quốc”, chị nói.
Không mất tiền như chị Liên, nhưng gia đình chị Trịnh Hải Yến ở Mỹ Đình, Hà Nội lại phải hủy chuyến du lịch đi Bắc Kinh – Thượng Hải- Tô Châu – Hàng Châu vào Tết Nguyên Đán, vì dịch viêm phổi Vũ Hán diễn biến ngày càng phức tạp tại Trung Quốc. Chị cũng cho biết, trước khi tình hình dịch bệnh được khống chế, gia đình chị cũng sẽ không đến những lễ hội đông người sau Tết nguyên đán như những năm trước.
Một khách Trung Quốc mua khẩu trang tại hiệu thuốc trên phố Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Ảnh: Phan Dương. |
Chiều qua, tan giờ làm, Hoàng Ngọc Thương, 27 tuổi, Cầu Giấy đeo khẩu trang kín mít, chạy xe ra chợ, thay vì rẽ vào quán cơm như thường lệ. Sống một mình, quen ăn quán, nhưng thấy “virus nCOV đã về đến Hà Nội” cô mua thực phẩm về tự nấu để đỡ phải tiếp xúc với nhiều người. Bữa cơm trưa của Thương có nhiều thịt bò, rau xanh hơn thường lệ, hành, mùi tỏi lấn át mùi thịt. “Tôi nghe bảo virus dễ tấn công người yếu nên phải ăn vào lấy sức. Cho nhiều hành, tỏi để kháng bệnh”, cô nhân viên văn phòng giải thích.
Thương dặn mình tuân thủ nghiêm ngặt quy định tự đặt: đeo khẩu trang khi ra đường, không cho ai “rờ” vào điện thoại và ngược lại, kè kè nước rửa tay khô để “chạm vào chỗ nào bẩn là vệ sinh”.
“Cuối năm lo ô nhiễm nguồn nước, lo ô nhiễm không khí, đầu năm lo dịch bệnh. Sống mà cứ phải lo đối phó với đủ thứ thế này quá mệt”, chị Thương thở dài, lấy tay sửa khẩu trang cho sát khuôn mặt.
Dịch viêm phổi bắt nguồn từ virus corona chủng nCoV khởi phát từ thành phố Vũ Hán từ ngày 31/12/2019. Đến 30/1, toàn thế giới có 7.864 trường hợp dương tính, 170 ca tử vong. Trong đó, riêng Trung Quốc có 7.771 bệnh nhân viêm phổi. Số ca bệnh đã vượt qua đợt dịch SARS vào năm 2002 – 2003.
Đến chiều 30/1, Việt Nam có năm trường hợp nhiễm virus nCoV, trong đó có hai trường hợp bố con người Trung Quốc điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, ba người còn lại, gồm một người đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa; hai người tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ở Đông Anh, Hà Nội.
Phạm Nga – Hải Hiền