Cựu CEO AhaMove: Giá trị thật của startup nằm sau số tiền bị ‘đốt’

0
486

– Gắn bó từ những ngày đầu rồi đến lúc hình ảnh tài xế của AhaMove hiện diện trên khắp các con đường, công ty sắp có lãi, anh lại chia tay để sang làm ví điện tử. Tại sao lại như vậy?

– Tôi nghĩ có thể tóm gọn trong ba từ “duyên hội đủ”. Vai trò dẫn dắt đoàn leo núi AhaMove đã hết chặng trọng yếu nhất. Những anh em ở lại đã đủ trưởng thành để chia nhau nhận trách nhiệm lớn lao và thách thức hơn.

Một điều may mắn, suốt 4 năm đưa AhaMove ra thị trường, tôi có dịp chứng kiến đồng hành cùng MoMo, họ giúp số hóa và đảm bảo an toàn từng giao dịch chia sẻ doanh số giữa Aha và đối tác tài xế. Khi làm dịch vụ nền tảng giao đồ ăn Lala.vn giai đoạn 2018, đã có ngày chúng tôi đẩy tỷ lệ giao dịch mua hàng không dùng tiền mặt lên tới 70%. Nhìn qua thị trường Trung Quốc hay Indonesia, các ví điện tử AliPay, WechatPay hay GoPay, Ovo là những biểu tượng mới thúc đẩy sự bùng phát của nền kinh tế số, thúc đẩy thương mại điện tử, giao hàng phi tiền mặt, thanh toán tại quầy bằng số hóa, gọi đồ ăn trả tự động qua ví điện tử… Tôi cảm nhận rõ MoMo và thị trường fintech ở Việt Nam đang bước vào vận hội lớn.

Và khi làn sóng xu hướng tiếp theo đã rộng mở trước mắt, đó là tín hiệu mạnh mẽ cho sự dịch chuyển thôi.

Không ai đủ tiền nuôi cả thị trường

– Anh là một trong những người đã và đang thử sức với cả thương mại điện tử, logistic, ví điện tử, vậy anh thấy ba thị trường này cứng đầu như thế nào?

– Thương mại điện tử gieo hạt từ 2011 nhưng sau một thập kỷ, vẫn ở giai đoạn giáo dục người dùng chuyển đổi hành vi. Từ cú ngã của những Deca, Lingo, Lotte, Adayroi…, có thể thấy đây không phải cuộc chiến cho bất kỳ ai dù thị trường thực sự tiềm năng. Hơn nữa, cơ hội không dành cho những “kẻ đi sau”. Ngay cả khi thị trường tăng trưởng nhanh, những chiến binh như Lazada, Tiki, Sendo, hay Shopee vẫn phải tốn nhiều tiền. Họ gần như không có lãi từ việc bán một đơn hàng, và hướng để có lợi nhuận ổn định chưa hề sáng rõ.

Tương tự, trong lĩnh vực ví điện tử, các công ty fintech kết hợp với điểm bán hàng truyền thống, cùng nhau bỏ tiền giáo dục người dùng thói quen mới – thanh toán bằng ví điện tử trên smartphone. Thực tế, họ vẫn có thể thanh toán bằng tiền mặt hay thẻ ngân hàng, mà chưa cần ví điện tử trong hành trình 24 giờ của mình.

Khác với hai thị trường trên, mảng giao hàng cho bán lẻ – nhánh năng động của mảng logistics dễ được thị trường chấp nhận hơn. Startup trong lĩnh vực này dễ thoát khỏi cuộc cạnh tranh khốc liệt để dành người dùng. Các công ty như Giao Hàng Nhanh hay AhaMove phục vụ chủ yếu là người bán hàng online và các công ty thương mại điện tử ở các cấp độ lớn nhỏ. Trong khi thương mại điện tử hay ví điện tử phải thâm dụng tiền vào khuyến mãi trong lúc chưa tìm ra các động cơ tăng trưởng bền vững, các công ty logistics có thể sớm tập trung chi phí đầu tư vào phát triển hạ tầng, mở và nâng cao chất lượng các dịch vụ mới. Từ đó, họ được khách hàng và thị trường lựa chọn không phải vì có hầu bao không đáy mà vì giá trị khác biệt đánh trúng “tim” những người họ phục vụ.

Đó cũng là lối đi chung cho những công ty tăng trưởng đột phá theo mô hình đầu tư mạo hiểm cần theo đuổi.

– Riêng với ví điện tử, cuộc đua của các tay chơi sắp tới có gì khác ngoài đốt tiền?

– Năm 2020, người dùng vẫn chủ yếu dùng tiền và để thuyết phục họ thanh toán không tiền mặt, các sàn thương mại điện tử hay ví điện tử vẫn phải khuyến mãi. Tuy nhiên nếu chỉ làm vậy thì không đi được dài hạn đâu! Không ai đủ tiền nuôi cả thị trường. Vì vậy, những nhà cung cấp dịch vụ này phải song hành giữa khuyến mãi và gia tăng trải nghiệm, cung cấp giá trị tốt hơn nữa cho khách hàng, bám rễ thành một phần không thể thay thế của hệ sinh thái dịch vụ.

Trongtương lai, khuyến mãi vẫn diễn ra nhưng dựa trên việc tạo thêm giátrị và tăng tính kết nối với khách hàng. Ngoài các tiện ích từ nạp tiền điệnthoại, thanh toán hoá đơn, mua vé xem phim…, làm sao để họ thấy các ứng dụng gầngũi và có tính kết nối với người dùng.

Được gì sau số tiền ‘bị đốt’?

Năm 2019, nhiều kỳ lân thế giới từng tăng trưởng nhanh bỗng lao đao như Uber, Lyft, WeWork, Ofo hay mới đây là OYO… Anh nghĩ sao về điều này?

– Trường hợp của Uber và Lyft cho thấy, thị trường chứng khoán không chỉ quan tâm đến chỉ số tăng trưởng mà thực sự còn là phát triển tài chính bền vững – những dấu hiệu về khả năng sinh lời. Đã qua rồi thời kỳ tăng trưởng bằng mọi giá và đẩy giá trị công ty lên, tận dụng hiệu ứng sợ hãi của các nhà đầu tư mạo hiểm, tức là sẽ bị bỏ lại trong cuộc chơi (FOMO – fear of missing out) nếu không bỏ tiếp tiền vào.

Câu hỏi cốt tử cho các startup làGiá trị gia tăng đọng lại có đáng kể sau mỗi đồng tiền tiêu ra?

Nếu không trả lời được, thị trường sẽ tự điều chỉnh và xem xét lại giá trị của công ty đó. Với Uber, Lyft, mô hình nền tảng biến họ thành nhạc trưởng cho dàn hợp xướng thị trường đi lại là đáng kể. Chỉ có điều, động cơ tăng trưởng cho các thị trường lớn tiếp đến chưa rõ ràng, trong lúc thị trường cốt lõi là gọi xe cũng chưa có lãi. Vậy nên giá trị của họ sẽ bị điều chỉnh xuống phù hợp với tâm lý nhà đầu tư đại chúng.

Nhưng với WeWork, giá trị đã bị thổi phồng quá độ. Khác với những công ty phần mềm như Uber, AhaMove, hay MoMo, công nghệ không phải yếu tố then chốt của WeWork. Việc sử dụng công nghệ để vận hành không khiến họ thành công ty công nghệ tăng trưởng phi mã mà không lệ thuộc vào thâm dụng đầu tư tài sản. Lượng khách càng tăng, nhà cung cấp này càng phải đầu tư thuê thêm bất động sản, nhân sự phục vụ và nội thất văn phòng mới. Khi tỷ lệ điền đầy ghế trống thấp, giá thuê không thể tiếp tục đẩy cao và thiếu các khoản thuê dài hạn để đảm bảo dòng tiền lưu động, WeWork sẽ đối mặt với bài toán càng tăng trưởng càng lỗ, càng khát tiền từ nhà đầu tư.