Cuộc sống qua lăng kính của 3 người trên 100 tuổi

0
1200

“Nếu bạn so sánh cuộc sống là hành trình giữa hai điểm – từ khi sinh ra đến khi qua đời – thì mọi người đều có một tuyến đường khác nhau để đến điểm cuối. Một số người đi xa hơn, số người khác lại ngắn hơn, nhưng hầu hết mọi người đều giống nhau ở chỗ, ai cũng từng phải khóc, phải cười”, ông Cliff, 105 tuổi, sống tại Wirral, một bán đảo phía tây bắc nước Anh nói.

Nhiều năm nay, Cliff sống một mình trong căn nhà nhỏ, hàng ngày ông dành nhiều thời gian đi bộ. Ông ưa sạch sẽ, thường tự dọn dẹp nhà cửa.

Ông Cliff chiêm nghiệm cuộc sống như thế nào tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người. Ảnh: aluobowang.

Ông Cliff chiêm nghiệm cuộc sống như thế nào tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người. Ảnh: aboluowang.

Trên tường nhà ông Cliff treo nhiều ảnh gia đình, vợ ông qua đời đã lâu, các con không ở cùng bố. Kể lại quãng thời trẻ của mình, người đàn ông sinh năm 1915 nói rằng ông có một thời tuổi trẻ sống phù phiếm.

Hồi đại học, nhớ một lần Cliff bị ốm, bố ông đi bộ quãng đường rất dài đến trường để đưa con trai về nhà chữa bệnh nhưng Cliff đã từ chối. So với việc trở về nhà với bố, Cliff lại dành thời gian đó cho bạn bè. “Tôi chưa bao giờ làm điều đúng với bố, tôi luôn chống lại ông ấy”, Cliff hồi tưởng.

“Tôi rất ngưỡng mộ bố mình nhưng chưa bao giờ bình tĩnh ngồi nói chuyện với ông. Giá như tôi được quay lại, tôi sẽ nói chuyện với bố nhiều hơn, lắng nghe lời khuyên của ông nhiều hơn, bởi đó đều là những lời có ích cho bản thân tôi. Tiếc rằng, ông đã không còn nữa”, Cliff ngân ngấn nước mắt.

Vợ của Cliff mất cách đây nhiều năm. Dù trong cuộc sống vợ chồng, hai người cũng có xích mích, họ vẫn cùng nhau sống đến cuối đời. Ông nói: “Gặp vấn đề gì, chúng tôi cũng tìm ra cách giải quyết. Tôi nghĩ mọi người ngày nay quá dễ dàng từ bỏ một mối quan hệ, một cuộc hôn nhân”. Ngay cả khi Cliff mất đi người bạn đời, ông vẫn có rất nhiều kỷ niệm ấm áp về hôn nhân. Và những ký ức đó luôn khiến ông hạnh phúc.

Nói về quãng đời đã qua, Cliff nhấn mạnh bản thân ông chưa trải qua nhiều thất bại. “Nếu thất bại trong việc làm bánh gato, tôi sẽ có một cái bánh pudding. Cuộc sống phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận nó mà thôi”, người đàn ông 105 tuổi chiêm nghiệm.

Bà Amelia luôn nhìn đời lạc quan dù cuộc đời bà không ít lần trải qua đau khổ và mất mát. Ảnh: aluobowang.

Bà Amelia luôn nhìn đời lạc quan dù cuộc đời bà không ít lần trải qua đau khổ và mất mát. Ảnh: aboluowang.

Với những người sống qua trăm tuổi, sự lạc quan luôn là điểm tựa để họ sống vui, sống khỏe. Trong số họ có những người ít phải trải qua thăng trầm như ông Cliff nhưng cũng có người sinh ra đã có sẵn những nỗi đau như bà Amelia.

Sinh năm 1913, Amelia sống với ông bà khi còn nhỏ vì cha bà là tù nhân chiến tranh. Cả tuổi thơ cô bé Amelia chìm trong thiếu thốn và đói khổ. Giống như nhiều phụ nữ ở thời kỳ đó, bà kết hôn khi mới 16 tuổi. “Chồng tôi là mối tình thứ 2 sau một người khác. Với tôi, không có tình yêu nào khác đẹp đẽ và thuần khiết như mối tình đầu”.

“Tôi muốn nói với mọi người, nếu bạn gặp được ai đó và muốn kết hôn với họ thì đừng sống với nhau chỉ bởi trách nhiệm. Từ ‘hôn nhân’ đồng nghĩa là hai người đồng điệu về cả thể xác và tâm hồn. Hãy luôn để trái tim lên tiếng thay cho lý trí”, bà Amelia nói.

Cũng theo người phụ nữ này thì có một cuộc nhân hạnh phúc, một cuộc sống hạnh phúc là cách chữa trị tốt nhất cho mọi loại bệnh tật và nỗi đau.

Nhìn Amelia hạnh phúc như vậy nhưng thực tế người phụ nữ này có một quá khứ buồn khổ, bởi bà đã mất hai đứa con trong chiến tranh. “Đó là thời khắc bi thảm trong cuộc đời của tôi, nhưng tôi vẫn phải chấp nhận sự thật. Cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn và thời gian sẽ chữa lành vết thương. Nhưng điều đó không có nghĩa là quên nó đi”, người phụ nữ chia sẻ.

Mặc dù Amelia đã 107 tuổi nhưng bà vẫn khỏe mạnh, bà cũng có thêm một con gái với chồng, người đã mất cách đây 40 năm. Bà chia sẻ: “Tôi luôn nhớ tới những ký ức tươi đẹp thay vì quá khứ khổ đau. Hài lòng với những gì mình có khiến cuộc sống của tôi ý nghĩa và giúp tôi sống lâu hơn”.

Ông John hối tiếc vì đã quá lãng phí tuổi trẻ vào những việc vô bổ mà không chú tâm học tập. Ảnh: aluobowang.

Ông John hối tiếc vì đã quá lãng phí tuổi trẻ vào những việc vô bổ mà không chú tâm học tập. Ảnh: aboluowang.

Ngay cả khi bạn hơn trăm tuổi, điều đó không có nghĩa bạn lạc hậu, không cập nhật những xu thế mới của thời đại. Sinh ra ở Manchester vào năm 1914, ông John đang mày mò tìm hiểu công dụng của chiếc máy tính bảng, sản phẩm điện tử mới nhất mà ông đang học cách sử dụng.

Ở tuổi 106, điều ông cảm thấy hối tiếc nhất chính là lãng phí quá nhiều thời gian vào những việc vô bổ khi trẻ tuổi. Bây giờ Jonh mới hiểu tầm quan trọng của việc học. “Nếu ở tuổi thanh niên tôi chú tâm vào việc học thì có lẽ đã có một kết quả tốt hơn cho tương lai của mình”, ông nói.

Thế nhưng, quá khứ là quá khứ, ông John không thể thay đổi nó. Ông cho hay bản thân có được sự bình yên, hạnh phúc và cảm giác an nhiên bởi buông bỏ được những điều đã qua đi và tận hưởng hiện tại.

Sinh ra trong thế chiến thứ 1, John có 5 năm phục vụ trong quân đội và may mắn còn lành lặn khi xuất ngũ. Sau đó ông học và trở thành một dược sĩ. Thời gian ngắn sau ông kết hôn với vợ – một người được ông đánh giá là có tính cách khá bi quan, trái ngược với tính cách lạc quan và tích cực như ông. “Chính sự khác biệt này khiến tôi và cô ấy yêu nhau đến hết cuộc đời”, John nói.

Ở tuổi gần đất xa trời, người đàn ông này nói rằng, phương châm sống của ông giống như câu nói của Harryiley – một diễn viên hài nổi tiếng người Scotland: “Luôn nỗ lực đi đến cuối con đường. Đó chính là phương chấm sống của tôi”.

“Cuộc đời mỗi con người, đâu có gì bí ẩn. Đau đớn, hạnh phúc, thành công hay thất bại chỉ là thăng trầm mà buộc mỗi người phải bước qua. Cho dù thế nào, hãy tiếp tục đi, đừng bao giờ dừng lại”, John nói.

Vy Trang (Theo aboluowang)