Hơn bốn năm ở Pháp nên Tết Canh Tý này chị Trang ở Lille cùng chồng lên kế hoạch về Việt Nam. Để thực hiện kế hoạch, vợ chồng chị đã phải “lao tâm, khổ tứ” tính toán và chuẩn bị trước nhiều tháng, trong đó đau đầu nhất là khoản quà cáp.
Vợ chồng chị Trang ở Lille trên chuyến bay về Việt Nam ăn Tết Canh Tý. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Một tháng trước khi về, chị Trang đã chuẩn bị xong hai vali chất đầy quà, tổng giá trị khoảng 2.000 euro (hơn 50 triệu đồng). “Đấy là đã hạn chế, chỉ mua quà cho bố mẹ, các em, cháu và vài người họ hàng”, chị Trang nói. Riêng số bánh kẹo đã nặng 15 kg.
“Lần này về tốn ít nhất 5.000 euro (gần 130 triệu đồng). Đấy là chưa tính đến khoản mừng tuổi. Nhiều người bảo đi nước ngoài về phải lì xì gấp đôi bình thường”, chị Trang nói và cho biết thu nhập của vợ chồng chị khoảng 3.000 euro mỗi tháng trong khi sinh hoạt đã hết một nửa. Suốt hơn nửa năm qua, họ phải canh vé máy bay giá rẻ, rình các đợt giảm giá để mua quà dần.
Hai vali quà của chị Trang bao gồm kẹo bánh, mỹ phẩm, rượu. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Chị Chu Phương Anh, nhân viên văn phòng ở Cambridge (Anh) giật mình với danh sách chi tiêu dịp Tết năm nay ở Việt Nam. Tiền vé máy bay cho ba người 54 triệu đồng, tiền quà cho gia đình hai bên 50 triệu đồng, tiền lì xì dự trù 15 triệu đồng, tiền liên hoan 10 triệu đồng. “Thêm các khoản chi phí không tên, tôi nghĩ sẽ tiêu hết 200 triệu đồng”, chị Phương Anh tính.
Năm 2018, gia đình chị cũng về ăn Tết và tiêu hết từng ấy tiền. Đã cố gắng hạn chế nhưng gia đình nội ngoại đều muốn uống rượu gửi từ Anh về nên vợ chồng chị đành phải chiều các cụ. Để đỡ tiền cước hành lý, chị phải gửi dần quà về từ tháng 12/2019. “Tôi chỉ cố nốt năm nay, sang năm con gái đi học sẽ tạm thời không về Việt Nam, vừa để tránh bị trường con phạt, vừa tiết kiệm chút ít”, Phương Anh trải lòng.
Chị Lê Thu Hương 28 tuổi, đã sang Los Angeles (Mỹ) tám năm, bị mẹ chồng yêu cầu mua quà cho cả họ. “Suốt một tháng trước khi về, mẹ chồng liên tục gọi điện dặn dò chúng tôi phải mua quà. Nhà ngoại lại chẳng hề đòi hỏi”, chị Hương nói.
Nhà chồng chị có tổng cộng 20 cô dì chú bác. Cứ mỗi người, chị lại mua tặng một hộp thực phẩm chức năng giá vài chục USD, ngoài ra còn những thứ khác như quần áo. Dù đã chọn mua ở cửa hàng bán buôn để có giá rẻ, chị Hương vẫn tốn hơn 1.000 USD. Là bà chủ một quán ăn ở Mỹ, 1.000 USD không lớn. “Tôi chỉ ghét việc phải mua quà cho những người mình không thân thiết, thậm chí chẳng nhớ mặt”, chị bộc bạch.
Mỗi dịp cuối năm, sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) luôn đông nghịt người đi đón người thân về ăn Tết. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Năm nay không về ăn Tết, song chị Trần Thị Liên 35 tuổi lại hối hận vì đã cả nể nên “vung tay quá trán” những Tết trước. Chị lấy chồng người Bỉ, định cư ở Bruxelles bảy năm. Trước đây, cả hai vợ chồng đều làm việc cho công ty đường sắt quốc gia nên thu nhập cao, thường xuyên về Việt Nam dịp Tết.
Thay vì quà, vợ chồng chị Liên mạnh tay lì xì cho nhà ngoại, ít nhất là 500.000 đồng, nhiều nhất là vài trăm euro. Mang mác “Việt kiều”, “lấy chồng Tây”, chị Liên còn phải mời họ hàng đi ăn uống cả chục bữa. “Cứ khi hóa đơn đưa ra, cả nhà dồn mắt về phía tôi. Mà đã ăn là phải vào quán sang, chứ nếu vào quán bình dân sẽ bị nói là keo kiệt”, chị kể.
Năm 2019, vợ chồng chị Liên chuyển việc, lương thấp hơn, hai con lại đến tuổi đi học nên phải thắt chặt chi tiêu.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan 29 tuổi ở Osaka (Nhật Bản) năm nay cũng không về Việt Nam ăn Tết. Năm 2019, lần đầu tiên ăn Tết ở nhà sau năm năm xa xứ, chị tốn 20 triệu đồng tiền quà cho hai bên nội ngoại, chưa kể 25 triệu tiền vé máy bay.
“Mua quà thôi cũng phát sốt lên. Cả hai nhà tính ra mấy chục phần quà, mỗi người vài trăm nghìn thôi cũng lên đến chục triệu đồng”, chị Lan nói. “Nếu chúng tôi không mua, bố mẹ chồng sẽ tự đi mua biếu họ hàng. Các cụ còn nhắc nhà chị chồng tôi ở Hàn Quốc cẩn thận lắm, mỗi lần về cho quà từng người nên tôi càng căng thẳng”.
Đang có con nhỏ, chị Lan phải ở nhà chăm bé, chỉ thỉnh thoảng bán hàng online. Sinh hoạt phí của gia đình trông chờ vào chồng chị làm phụ bếp, mỗi tháng được khoảng 180.000 yen (khoảng 38 triệu đồng), “cố lắm mới dư được một ít”.
“Chúng tôi chả có tiền nhưng lúc nào cũng bị mang tiếng là giàu lắm. Không về thì nhớ nhà mà về thì mệt mỏi”, chị Lan trải lòng. Theo chị, nhiều người cứ nghĩ ra nước ngoài là đương nhiên có thu nhập cao, từ đó tạo áp lực cho người xa xứ mỗi lần về ăn Tết. “Thực ra, chi phí sinh hoạt bên này cao hơn nên số tiền tiết kiệm được không quá lớn. Một chuyến về quê ăn Tết có thể ngốn hết tiền tiết kiệm một năm”, chị Lan nói.
Không chỉ người Việt, người châu Á nói chung cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhóm bạn Trung Quốc của chị Trang thường xuyên tham khảo ý kiến chị để mua quà cho gia đình. Có người chia sẻ bị cô chú nhờ mua đồ rồi về không trả tiền vì cho rằng “100 euro chẳng là gì so với thu nhập bên ấy”.
“Bây giờ người Việt đi công tác, du lịch, học tập ở nước ngoài nhiều hơn. Mong rằng mọi người sẽ hiểu ra sống ở nước ngoài không dễ và dẹp đi quan niệm cứ ở nước ngoài là nhiều tiền. Điều đó sẽ giúp giải toả một phần áp lực cho nhiều người Việt sống xa xứ muốn về quê ăn Tết”, chị Trang nhắn nhủ.
Minh Trang