Bị bắt oan do kết bạn Facebook với vợ ông trùm

0
1137

Không kịp phản ứng, anh bị khống chế, bị đối xử như tên tội phạm quốc tế nguy hiểm. Việc bắt giữ diễn ra tại thủ đô Khartoum (Sudan) vào tháng 5/2016. Hai tuần sau, Medhanie Berhe bị nhà chức trách Sudan chuyển giao cho cảnh sát Italy.

Theo The Guardian, bi kịch của Medhanie Berhe bắt đầu từ đây và trở thành một trong những trường hợp nhầm lẫn danh tính tai tiếng nhất trong 30 năm qua của cảnh sát trên thế giới.

Medhanie Berhe bị cáo buộc chính là Medhanie Mered – kẻ tổ chức nhiều chuyến tàu đưa hơn 13.000 người nhập cư từ Libya tới châu Âu. Mạng lưới buôn người của Medhanie Mered trải rộng 11 quốc gia và ba lục địa, thu lợi bất chính ước tính hàng triệu Euro.

Nghi phạm (trái) được nhà chức trách Italy xác nhận là Medhanie Mered, ông trùm buôn lậu người khét tiếng. Ảnh: The Guardian.

Medhanie Mered (bên trái) – ông trùm buôn người khét tiếng. Ảnh: The Guardian.

Cuộc điều tra mạng lưới tội phạm của Medhanie Mered bắt đầu sau vụ chìm tàu ngoài khơi Italy khiến gần 370 người thiệt mạng vào tháng 10/2013. Với sự hợp tác của các nước đồng minh, nhà chức trách Italy đã ngầm giám sát các mắt xích quan trọng và dần bóc gỡ mạng lưới này.

Tháng 5/2014, điều tra viên xác định ra Medhanie Mered và chỉ chờ thời cơ. Đến tháng 12/2015, các cuộc gọi và hoạt động trên Facebook của Medhanie Mered bất ngờ ngưng lại.

Vài tháng sau, điều tra viên phát hiện một tài khoản Facebook từ Ertirea với tên gọi Medhanie đã kết bạn với vợ của tên trùm buôn người nên nghi là tài khoản mới của hắn. Bằng số điện thoại dùng để đăng ký tài khoản, nhà chức trách Italy truy ra vị trí của Medhanie Berhe tại thủ đô Khartoum và thực thi lệnh bắt giữ.

Đối diện với án phạt 14 năm tù về tội Buôn lậu người, Medhanie Berhe một mực phủ nhận cáo buộc, cho rằng chỉ trùng tên và quốc tịch chứ với ông trùm. Anh chỉ là người hành nghề vắt sữa bò và thợ mộc tại quê nhà. Hàng trăm nạn nhân cũng lên tiếng rằng người bị bắt giữ không phải ông trùm buôn người.

Lời kêu oan của Medhanie Berhe sau đó được một số tờ báo chú ý và điều tra. Sau khi tìm gặp vợ và anh trai của ông trùm, phóng viên được biết Medhanie Mered vẫn sống tự do bằng danh tính giả tại châu Phi.

Luật sư cho rằng Medhanie Berhe (trái) và ông trùm Medhanie Medhanie trùng tên và quốc tịch, nhưng ngoại hình khác nhau. Ảnh: The Guardian.

Medhanie Berhe (trái) và ông trùm Medhanie Medhanie trùng tên và quốc tịch. Ảnh: The Guardian.

Bên cạnh gặp gia đình ông trùm, các phóng viên cũng phát hiện Medhanie Mered đã bị bắt giữ tại các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất vào tháng 12/2015 vì dùng hộ chiếu giả. Điều này có thể lý giải tại sao các cuộc gọi điện và hoạt động trên Facebook của hắn ngưng từ tháng 12/2015.

Trả lời phỏng vấn, Medhanie Mered nói được đồng phạm sắp xếp đưa về châu Phi vào tháng 8/2016 bằng hộ chiếu giả. Khi được hỏi về Medhanie Berhe – người bị bắt nhầm, Medhanie Mered nói lấy làm tiếc nhưng sẽ không ra đầu thú.

Tại phiên xét xử Medhanie Berhe, bên cạnh chứng cứ trên, luật sư bào chữa còn trình ra kết quả đối chiếu ADN giữa Berhe và con trai của Medhanie Mered. ADN của người bị bắt và mẹ của Medhanie Berhe trùng khớp về mặt huyết thống.

Dù vậy, công tố viên Italy vẫn khẳng định không bắt nhầm người và yêu cầu bản án 14 năm tù với Medhanie Berhe về tội Buôn lậu người.

Ngày 12/7/2019, thẩm phán tuyên bố nhà chức trách Italy đã nhầm lẫn giữa Medhanie Berhe với Medhanie Mered, từ đó bãi bỏ cáo trạng Buôn lậu người. Nhưng do giúp đỡ người thân vượt biên vào Libya, Medhanie Berhe vẫn phạt ba năm tù về tội Hỗ trợ nhập cảnh trái phép, vừa đủ thời gian bị tạm giam chờ xét xử.

Sau khi được trả tự do, Medhanie Berhe được nhà chức trách Italy cho tị nạn, hiện sống tại thành phố Palermo. Anh nói nếu được quay ngược thời gian sẽ tự chặt ngón tay đã gửi lời mời kết bạn tới vợ của Medhanie Mered trên Facebook vào năm 2015 vì cô này quá xinh đẹp.

Medhanie Berhe cũng không đồng ý với tội danh Hỗ trợ nhập cảnh trái phép vì người anh họ khi di cư không cầm theo tiền mặt do sợ bị cướp nên nhờ anh chuyển khoản giúp.

Quốc Đạt (Theo The New Yorker, The Guardian, The Telegraph)