Bác sĩ trả giá bằng mạng sống trên đường di cư

0
1115

Rohani sinh năm 1987 ở Kabul. Anh là con trai cả trong một gia đình 6 anh em và dành phần lớn thời niên thiếu ở làng Tassan, tỉnh Ghazni, Afghanistan. “Rohani rất năng động và khỏe mạnh. Nó rất hiếu học”, Ahmad Tassangwal, cha của Rohani, cho biết.

Tassangwal chạy trốn khỏi Afghanistan năm 2001 khi các tay súng Taliban truy bắt ông. “Tôi phải xa vợ và 6 người con. Tôi đã sống một mình khoảng 8 năm ở Anh”, Tassangwal kể.

Rohani chỉ 14 tuổi khi cha rời bỏ Afghanistan. Tuy nhiên, đến lúc ông Tassangwal được định cư ở Anh, Rohani đã trưởng thành và không được nhập tịch theo diện đoàn tụ gia đình như mẹ và các em.

Ở Afghanistan, Rohani thường xuyên liên lạc với cha qua điện thoại. Khi Rohani đạt điểm gần như tuyệt đối môn sinh học ở trường trung học phổ thông chuyên Abdul Hadi Dawe hồi năm 2006, ông Tassangwal muốn cho anh theo học ngành dược.

Rohani trong lễ tốt nghiệp tại đại học y Đài Sơn, Trung Quốc. Ảnh: Facebook/Sayed Mirwais Rohani

Rohani (áo đen) trong lễ tốt nghiệp tại đại học y Đài Sơn, Trung Quốc. Ảnh: Facebook/Sayed Mirwais Rohani

Hai cha con tìm thấy một chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh tại Đại học Y Đài Sơn, Trung Quốc. Dù vất vả, Tassangwal vẫn đều đặn gửi tiền kiếm được ở Anh để trả học phí và tiền sinh hoạt cho con trai ở Đài Sơn.

Milind Zade, người sống cùng ký túc xá với Rouhani trong hơn 5 năm theo học ở Trung Quốc, cho biết Rouhani luôn “vui vẻ và thân thiện”.

Zade, hiện là bác sĩ ở bệnh viện New Delhi, Ấn Độ, cho biết Rohani từng nói sẽ đến Anh hoặc Đức làm việc sau khi tốt nghiệp. “Cậu ấy muốn định cư ở một nước châu Âu nào đó… chúng tôi chưa từng đề cập đến Australia”, Zade nói.

Sau khi tốt nghiệp, Rohani trở về Kabul vào thời điểm cuộc chiến ở Afghanistan đã kéo dài hơn một thập kỷ, phiến quân Taliban đang tăng cường tấn công vào thủ đô. “Rohani nói với tôi rằng: ‘Con không được an toàn ở trong nước, con cần phải ra nước ngoài và đến một nơi an toàn'”, ông Tassangwal kể lại.

“Tôi nói với Rohani rằng nếu con đến Australia, đó là một nước nói tiếng Anh, một nước lớn với nền kinh tế ổn định… và con đã là một bác sĩ. Có lẽ họ sẽ cần con”, Tassangwal khuyên con trai đừng tốn thời gian tìm cách đến Anh.

Một năm sau khi tốt nghiệp, Rohani trả tiền cho kẻ buôn người anh gặp ở Kabul để đưa anh đến Australia bằng đường biển.

Tassangwal thừa nhận ông không hiểu rõ chính sách nhập cư khi đó của Australia. “Đó là sai lầm của tôi, thằng bé đã nghe theo lời khuyên của tôi”, Tassangwal hối hận.

Hồi tháng 9/2013, con tàu đưa Rohani đến Australia bị lực lượng biên phòng nước này phát hiện. Vì là người nhập cư bất hợp pháp, Rohani bị bắt và đưa đến đảo Manus, nơi anh bị giam gần 4 năm.

Đảo Manus nằm ở phía bắc Papua New Guinea (PNG), từng là căn cứ hải quân của phe Đồng minh trong Thế chiến II. Nhiều thập kỷ sau, căn cứ hải quân Lombrum được cải tạo thành Trung tâm Xử lý Thủ tục người tị nạn Khu vực (RPC), nơi có thời điểm giam tới 1.353 người vượt biên trái phép vào Australia.

Trong lúc chờ được xét tị nạn, những di cư bị giam ở trại tạm trú trên đảo Manus trong điều kiện nóng bức, chật chội và thiếu thốn. Họ được lựa chọn trở về nhà, song đa số những người đã mạo hiểm tính mạng để thoát khỏi cảnh bạo lực ở quê nhà đều không muốn quay về.

Rohani bị nhốt trong một phòng giam nhỏ ở trại tị nạn Foxtrot, anh nằm giường trên còn Farhad Rahmati, người Iran, nằm giường dưới.

Rahmati cho biết bạn cùng phòng của anh dành phần lớn thời gian đọc sách y học do các nhân viên y tế cho mượn. “Cậu ấy đọc sách 10-14 tiếng mỗi ngày. Khi tôi hỏi tại sao cậu đọc sách nhiều vậy, cậu ấy cho rằng phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới”, Rahmati kể.

Rohani nói được 6 ngôn ngữ và thường được gọi đi phiên dịch tiếng Anh, Shamindan Kanapathi, người tị nạn Tamil, kể lại. “Rohani luôn nói rằng cậu ta muốn bắt đầu một cuộc sống mới và làm việc vì người nghèo”, Kanapathi nói.

Cuối cùng, đơn xin tị nạn của Rohani cũng được chấp thuận và anh được đưa đến Trung tâm Quá cảnh Đông Lorengau (ELTC) gần thị trấn lớn nhất trên đảo Manus.

Mặc dù được tự do hơn ở Lorengau, không phải người tị nạn nào cũng muốn tới ELTC. Hồi năm 2015, Tổ chức Giám sát Nhân quyền cho biết người tị nạn sợ bị người bản xứ tấn công và cướp giật ở trung tâm này.

“Tôi nói với cậu ta ‘Đừng tới đó! Nếu cậu đi, họ sẽ đưa cậu tới định cư ở PNG vĩnh viễn’. Nhưng cậu ta không nghe, nói rằng mọi việc sẽ không diễn ra như vậy”, Kanapathi kể lại.

Rohani nói với bạn bè rằng anh đã được đề nghị làm việc tại bệnh viện địa phương, nhưng anh sau đó không nhận được công việc nào. Hiện chưa rõ lý do đề nghị này bị rút lại.

Kể từ lúc Rohani bước chân rời khỏi khu trại RPC, bạn bè và gia đình cho biết anh bắt đầu thay đổi. “Anh ấy trở nên loạn thần. Và anh ấy bị bỏ mặc trong tình trạng tâm thần, không được khám chữa trong nhiều năm”, Gabrielle Rose, luật sư của Rohani ở Australia, cho biết.

Rose cho rằng cách hành xử bất thường của Rohani khiến anh trở thành mục tiêu thường xuyên bị đánh đập ở trại Lorengau.

Một báo cáo của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn hồi năm 2016 cho thấy 88% trên tổng số 181 người tị nạn được khảo sát trên đảo Manus mắc chứng rối loạn trầm cảm hoặc lo âu và chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn tâm lý, chủ yếu là do bị “giam giữ vô thời hạn”.

Lo ngại về tình trạng tâm thần của Rohani, ông Tassangwal hồi tháng 5/2017 bay từ Anh đến đảo Manus để đưa con trai về nhà. Tuy nhiên, Rohani không có giấy tờ tùy thân và không thể rời đảo khi chưa được chính quyền Australia và PNG cho phép.

Tassangwal nói với các quan chức quản lý người di cư rằng con trai ông cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. “Nhưng các bác sĩ và y tá ở đây không hiểu điều này”, ông nói.

Bất đắc dĩ, Tassangwal phải nói lời tạm biệt con trai và hứa sẽ tìm cách giúp anh. Tuy nhiên, chỉ không lâu sau khi Tassangwal rời đi, Rohani bị sốc thuốc và được chuyển đến Australia điều trị.

Các bác sĩ ở Australia chẩn đoán anh mắc chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực, chứng bệnh khiến người bệnh thay đổi cảm xúc bất thường và thường diễn biến xấu đi nếu không được điều trị.

Rohani thường xuyên phải nhập viện trước khi được đưa đến một cơ sở tập trung cộng đồng ở Brisbane, nơi anh sống trong một ngôi nhà với những người tị nạn khác. Rohani không được làm việc, song được nhận trợ cấp hàng tuần, luật sư Rose cho hay.

Mỗi tháng một lần, Rohani phải gặp người giám sát từ ACCESS, tổ chức phi lợi nhuận giúp người tị nạn ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, Rose cho rằng Rohani cần được một người thực sự có khả năng giúp anh thay vì “một nhân viên mỗi tháng chỉ ghé thăm 5 phút”.

Rose cũng chia sẻ tin nhắn của một người tị nạn khác gửi cho người giám sát của ACCESS: “Xin chào, M không được khỏe. Anh ta hát suốt ngày, tình trạng tâm thần của anh ta xấu đi mỗi đêm. Tôi đã nói với các ông hơn 20 lần rồi. Xin hãy làm điều gì đó cho anh ấy”.

ACCESS từ chối bình luận về quá trình giám sát Rohani ở Australia “do tính chất bảo mật”. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Australia phản hồi qua email rằng dịch vụ chăm sóc y tế cho những người di cư bị giam ở Australia tương đồng với những gì người dân nước này được hưởng trong hệ thống y tế công Australia.

Ahmad Tassangwal cùng vợ Hamisha đến thăm con trai hồi tháng 9/2018. Ảnh: CNN.

Ahmad Tassangwal cùng vợ Hamisha đến thăm con trai ở Australia hồi tháng 9/2018. Ảnh: CNN.

Trong khi đó, cha của Rohani tham khảo các luật sư ở Anh về thủ tục đưa con trai về. Ông đã bay đến Australia hồi tháng 9/2018 để thúc đẩy quá trình này.

Đồng thời, Rose gửi email cho Bộ Nội vụ Australia và Bộ trưởng Peter Dutton, cùng với thư xác nhận của bác sĩ điều trị cho Rohani. “Rohani không nhận được đầy đủ sự hỗ trợ điều trị bệnh tâm thần ở Australia và có cơ hội bình phục cao hơn nếu được đoàn tụ với gia đình ở Anh”, Rose viết trong thư. Tuy nhiên, yêu cầu của Rose bị từ chối.

George Newhouse, luật sư của gia đình Tassangwal, cho rằng họ có quyền được biết lý do Bộ Nội vụ Australia từ chối yêu cầu của Rose. “Tôi chết lặng khi biết chính phủ Australia từ chối cơ hội cho Rohani đoàn tụ gia đình trong khi họ không chăm sóc anh ấy đúng mực”, Newhouse nói.

Hôm Rohani quyết định tự tử, anh đến một khách sạn ở trung tâm Brisbane với một chiếc túi màu đen đeo chéo trên vai. Rohani gọi điện lần cuối cho mẹ, bà Hamisha Tassangwal, khi đó cũng đang ở Australia để động viên anh. Ngày hôm sau, bà nhận được điện thoại của cảnh sát thông báo cái chết của con trai.

Gia đình và cộng đồng người Afghanistan ở Brisbane tổ chức tang lễ cho anh tại nhà thờ Hồi giáo Kuraby, ngoại ô thành phố. Rohani sau đó được gia đình đưa về chôn cất tại quê nhà Kabul.

Ông Tassangwal cho rằng 6 năm bị giam trong trại tị nạn đã cướp đi mọi hy vọng của con trai ông. “Cơ quan di trú ngăn con tôi đi lại, cấm nó làm việc và không cho phép nó được đoàn tụ với gia đình. Đó chính là vấn đề”, Tassangwal nói.

Quốc Hưng (Theo CNN)