Bài văn với ý tưởng quá độc đáo khiến thầy giáo cũng phải “xin”

0
1119

Được biết, đề bài giáo viên cho học sinh như sau: “Ở các nước phương Tây, có một hoạt động rất thú vị là “Chiếc hộp thời gian” (time casule). Các bạn học sinh sẽ lựa chọn những đồ vật đặc trưng cho thời đại mình sống cho vào “Chiếc hộp thời gian” và chôn xuống đất.

Mấy chục năm sau, người ở tương lai sẽ đào “Chiếc hộp thời gian” lên, và nhờ đó có thể hiểu thêm về thời đại hiện nay. Em sẽ lựa chọn đồ vật gì để cho vào “Chiếc hộp thời gian”? Vì sao? Qua đồ vật ấy, em muốn gửi gắm thông điệp gì đến người trong tương lai? Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình.“.

Câu trả lời của học sinh là “một tấm ảnh chụp phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ sẽ là một lựa chọn tốt nhất của tôi lúc này”. Sau đó học sinh phân tích vì sao mình lại lựa chọn như vậy.

Câu trả lời của học sinh này được rất nhiều người đánh giá cao: “Sáng tạo trong mọi lĩnh vực, luôn luôn có sức hấp dẫn cho tất cả mọi người… Học sinh này trả lời rất thông minh. Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, bụi mịn khắp nơi, chặt phá rừng bừa bãi thì bức ảnh về thiên nhiên hùng vĩ đúng là rất đáng trân quý”, một bạn đọc cho hay.

Bài văn của học sinh khiến thầy giáo cũng phải “xin”. (Ảnh: Lê Phương Trí)

“Đề văn mà giáo viên đưa ra là dạng đề mở, kích thích và nhấn mạnh đến những sáng tạo, ý tưởng độc đáo của học sinh. Với những dạng câu hỏi này, thông thường giáo viên sẽ đánh giá cao câu trả lời và phân tích phù hợp chứ không phải là những câu trả lời đúng.

Trước đây, giáo dục của chúng ta hay đi theo lối mòn thi gì học nấy, người dạy và người học lấy thi cử làm mục tiêu cuối cùng để quy chiếu ngược lại nên dạy gì, học thế nào để đạt hiệu quả.

Học sinh bị lâm vào cảnh, tả gì, viết gì phải theo khuôn mẫu. Tả cô giáo thì nhất định phải là: Mái tóc dài óng ả, đôi mắt bồ câu, đôi lông mày lá liễu, đôi môi cong cong, mỗi khi cười để lộ hàm răng trắng. Ít học sinh nào dám tả “hàm răng vàng khè của cô sau làn môi cong đỏ”. Bởi thế, môn Văn vô hình đã trở thành nỗi sợ của nhiều thế hệ học sinh.

Việc “mang bài học vào cuộc sống, đưa cuộc sống vào bài học” là kim chỉ nam để nhiều nhà xuất bản xây dựng bộ sách trong chương trình giáo dục phổ thông mới – đích đến của những tác giả làm sách trong chương trình giáo dục mới”, thạc sĩ Nguyễn Phương Loan (trường Đại học sư phạm Hà Nội) đánh giá.

Được biết, sở dĩ trên bài kiểm tra này xuất hiện dòng chữ “cho thầy xin bài này nhé” là bởi thầy dạy văn có một Blog Chuyên Văn và những bài viết hay của học sinh thầy giáo này đều xin để đăng trên trang facebook này.

Blog Chuyên Văn là nơi để giáo viên này thường xuyên đăng những nội dung ôn tập các bài học, trả lời các câu hỏi thắc mắc của học sinh về văn học, phương pháp làm văn…

TIN LIÊN QUAN

Cười nghiêng ngả với bài văn tả “bác hàng xóm” của học sinh lớp 4

Bài văn điểm 10 độc đáo về nghịch cảnh trần gian

Hoàng Thanh
Từ khóa: bài văn bài văn của học sinh bài văn được thầy giáo cho điểm cao bài văn hay