300.000 trẻ mầm non và lớp 1 tại TPHCM sẽ được uống sữa mỗi ngày. |
Theo đó, hơn 300.000 trẻ em mầm non và học sinh khối lớp 1 trên địa bàn 10 quận, huyện gồm quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh sẽ được uống sữa học đường. Tỷ lệ học sinh tham gia là trên 53%.
Đại diện Ban quản lý ATTP, ông Nguyễn Đại Ngọc, Phó trưởng phòng quản lý ngộc độc thực phẩm cho biết, chất lượng sữa học đường phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn quốc gia đối với sữa dạng lỏng của Bộ Y tế.
Sau khi biết đơn vị trúng thầu, Ban quản lý ATTP TPHCM đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra ATTP tại nhà máy sản xuất sữa học đường về điều kiện cơ sở vật chất, lưu kho, phân phối.
Bên cạnh đó, lấy các mẫu sản xuất cho lô hàng đầu tiên hơn 2,5 triệu hộp để kiểm soát soát chất lượng và gửi đi kiểm nghiệm chất lượng. Hiện tại, kết quả đạt chất lượng quy định.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành, phụ trách khối phát triển nội địa Vinamilk, đơn vị trúng thầu cho biết, sản phẩm sữa cung cấp cho chương trình cung ứng tại TPHCM là sữa tươi tiệt trùng được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu, hoàn toàn đảm bảo chất lượng và đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Thời gian triển khai thí điểm 10 quận huyện đến hết học kỳ 1. Ban đề án sữa học đường sẽ tổng kết đánh giá mặt được, chưa được, rút kinh nghiệm trước khi triển khai mở rộng khắp thành phố.
Bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó GĐ Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, sữa học đường là một thực phẩm tốt, đa dạng, có nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho chiều cao.
Đối với trẻ dư cân, béo phì có nên uống sữa học đường, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, khuyến nghị về lượng sữa không phân biệt trẻ thừa cân, béo phì hay bình thường. Tuy nhiên, đối với trẻ thừa cân, béo phì, khuyến nghị trẻ nên sử dụng sữa không đường.
Trước lo lắng tiêu cực có thể xảy ra khi triển khai chương trình SHĐ, Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó GĐ Sở GDĐT TPHCM cho biết, mỗi hộp sữa 180ml của chương trình sẽ có logo để phân biệt là sữa học đường với hàng hóa trên thị trường.
Đồng thời, thực hiện tuyên truyền rõ về giá hộp sữa đến các phụ huynh. Sở Tài chính thành phố cũng có hướng dẫn, thu chi quyết toán dành cho các trường học.
Chương trình sữa học đường trên địa bàn TPHCM được tiến hành theo hình thức xã hội hóa. Trong đó nhà nước hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp hỗ trợ 20%, phụ huynh phải đóng 50% chi phí. Riêng đối với các em có điều kiện khó khăn, sẽ được uống sữa hoàn toàn miễn phí.
Theo đề án Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 của UBND TPHCM, kinh phí trong giai đoạn này là 1.134 tỷ đồng. Trong đó, cha mẹ học sinh đóng trên 547 tỷ đồng.