Tại sao rất nhiều lao động trẻ bất chấp rủi ro chỉ mong đổi đời nơi xứ người? |
Hiện chưa có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng về danh tính của 39 nạn nhân chết trong xe container tại Anh, nhưng có một thực tế là, nhiều năm nay có rất đông người Việt đã tìm cách “đổi đời” bằng việc đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức, bất chấp những rủi ro. Theo bà, lý do vì sao nhiều người có thể chấp nhận cảnh tha hương nơi xứ người?
TS Khuất Thu Hồng: Theo tôi có nhiều lý do. Thứ nhất ở quê hương, họ không có cơ hội đổi đời, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn khiến họ cho rằng ra đi tìm cơ hội mới là con đường tốt nhất.
Nguyên nhân thứ hai, có thể họ là nạn nhân của những đường dây lừa đảo buôn người. Bọn buôn người có rất nhiều mánh khóe để dụ dỗ lừa đảo, nên nhiều người bị rơi vào bẫy và mắc kẹt không ra được và kết thúc rất cay đắng.
Nguyên nhân nữa, là do nhiều người thiếu thông tin, họ không biết tự mình tìm hiểu để đưa ra những quyết định mà chỉ nghe những thông tin lan truyền từ người này sang người khác và cuối cùng đi đến những quyết định mang lại cho họ nhiều rủi ro.
Còn dưới góc độ xã hội, gần đây những người ra đi theo con đường như vậy đều xảy ra ở những vùng quê nghèo, gặp nhiều khó khăn trong việc mưu sinh. Ở những vùng quê như vậy, những người càng nghèo lại càng thiếu thông tin. Đó chính là lý do để bọn buôn người có thể lợi dụng kẽ hở để lừa đảo.
Thực ra trong số này cũng không phải có những người mới lần đầu đi xuất khẩu lao động. Theo nhận định của bà nguyên nhân là “họ thiếu thông tin” có thỏa đáng không? Đơn cử như trường hợp một bạn nữ ở Hà Tĩnh nghi ngờ có mặt trong vụ 39 người chết trong xe container ở Anh, mới đây có thông tin cho rằng trước đó bạn ấy từng đi Nhật…?
TS Khuất Thu Hồng: Mình không phải người trong cuộc nên chắc chắn chúng ta không nắm được hết những thông tin để lý giải tại sao họ lại đưa ra những quyết định như vậy. Có thể chuyến đi Nhật trước đó của bạn ấy không thành công, hoặc có thể thành công nhưng bạn nghĩ rằng sẽ thành công hơn ở Anh chăng, và cũng có thể ra đi vì tiếng gọi tình cảm nào đấy…
Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng, họ ra đi với một sự lạc quan, không ai nghĩ ra đi lại cực đoan, vì như thế thì chẳng ai đi làm gì. Ở đây là câu chuyện thiếu thông tin, hoặc bị lừa đảo hoặc bị lôi kéo vào những con đường hoặc chưa suy nghĩ một cách sáng suốt mà đưa ra những quyết định vội vàng…
Theo tôi có rất nhiều lý do nhưng câu hỏi khác tôi muốn đặt ra là nếu bạn ấy từng đi Nhật, từng có học vấn tại sao bạn lại chọn đi như vậy? Vậy quê hương có gì không níu giữ được các bạn ấy? Đây là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ.
TS Khuất Thu Hồng |
Mặc dù hiện tại chưa có nạn nhân chính thức nào được xác nhận là công dân Việt Nam tuy nhiên, xin hỏi cảm xúc của bà như thế nào khi nghe những thông tin như vậy nhất là bà đã từng có nhiều năm làm về công tác về người yếu thế, về những nạn nhân của buôn bán người…?
TS Khuất Thu Hồng: Với tôi, mỗi lần nghe câu chuyện này lại là một cảm xúc khác nhau. Những lần đầu cực kỳ choáng nhưng chẳng phải vì những lần đầu choáng thì những lần sau bớt choáng hơn. Những lần sau còn cảm giác choáng hơn ở chỗ đã bao nhiêu người như vậy mà vẫn có người ra đi với những cái chết thảm khốc như thế.
Tôi rất đau lòng. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra tại sao các bạn ấy lại chọn con đường bấp bênh, đầy chông gai, đầy mạo hiểm như vậy.
Họ không đi theo đường chính thống (qua các công ty, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động). Họ là nạn nhân của bọn buôn người – có những đường dây để lôi kéo, đưa người đi nước ngoài, không chỉ đi Anh mà còn cả Thái Lan, Mỹ, Canada, Nhật, Đài Loan… Thậm chí đi Đài Loan người ta cũng có thể bằng còn đường visa du lịch sau đó trốn lại, hay ở Nga cũng tương tự… Tôi từng chứng kiến những người sống cuộc sống kinh khủng như nô lệ ở bên Nga cũng theo cách đi du lịch rồi bỏ trốn ở lại.
Rõ ràng ở đây họ thiếu thông tin, họ không biết thực sự những rủi ro, nên ai cũng đi với tâm thế người khác bị chứ không phải là mình và tin tưởng rằng “mình sẽ may mắn”.
Vì họ nhìn thấy những người may mắn ở bên cạnh. Trong khi bản thân những người may mắn sống sót trở về kiếm được ít tiền họ cũng không bao giờ kể những câu chuyện cay đắng, những trải nghiệm mà họ đã từng trải qua ở xứ người … để cảnh báo người khác. Họ coi những điều đó là những thứ cần phải giấu đi, những điều xấu hổ cần giấu và họ chỉ cho mọi người thấy mảng nổi (sự thành công như thế nào), của tảng băng chìm trong còn đường mưu sinh nơi xứ người mà thôi.
Cho nên những bài học không bao giờ được đưa ra và không bao giờ nói về rủi ro, chỉ nói về những thuận lợi. Các bạn trẻ thiếu kinh nghiệm không nhìn thấy được những vấn đề như vậy để đưa ra những quyết định sáng suốt. Bố mẹ thương con mong muốn con có tương lai tốt hơn nên dồn tiền cho con đi nhưng không ngờ lại có những kết cục bị thảm như vậy.
Vậy theo bà, các cơ quan chức năng cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
TS Khuất Thu Hồng: Theo tôi,về lâu dài, phải phát triển kinh tế, tạo những cơ hội về sinh kế, việc làm thu hút thanh niên nhiều hơn, họ thấy hoàn toàn có tương lai tốt ngay ở quê hương của mình.
Ngoài ra cũng cần phải chú trọng giải quyết những vấn đề xã hội khác nữa.
Đây là những việc lâu dài, toàn diện, còn vấn đề trước mắt cần cung cấp thông tin minh bạch rõ ràng về những cơ hội được đi lao động ở nước ngoài một cách chính thống cũng như những khó khăn để người lao động có điều kiện lựa chọn, cân nhắc… Muốn đi lao động theo con đường chính thống không hẳn lúc nào cũng dễ dàng với tất cả mọi người, có những người phải đi qua nhiều cầu, mất rất nhiều tiền … Do đó, cần công khai minh bạch.
Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin để nhiều người không bị “lọt” những cạm bẫy của bọn buôn người giăng ra, đặc biệt đối với các bạn trẻ.
Xin cảm ơn TS Khuất Thu Hồng!