Tăng – giảm giờ làm? Quan trọng là phải tăng thu nhập

0
1211

Đây là chi sẻ của đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Đoàn Bình Dương) xung quanh đề xuất tăng giờ làm thêm tại Luật Lao động sửa đổi sẽ được Quốc hội dành cả ngày hôm nay (23/10) để thảo luận trước khi đi đến thống nhất thông qua.

Trong đó, đề xuất giảm giờ làm, tăng thời gian làm thêm được đông đảo người lao động quan tâm. Bình Dương- nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với lượng lớn công nhân, người lao động, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Đoàn Bình Dương) cho biết, trong quá trình tiếp xúc cử tri đại đa số người lao động không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu nhưng chấp nhận việc tăng giờ làm thêm.

Họ không muốn tăng tuổi nghỉ hưu là do làm việc trong điều kiện chưa cao, chủ yếu là lao động chân tay, lao động nặng nhọc. Yếu tố về mặt sức khỏe của người lao động cũng không đảm bảo để kéo dài tuổi nghỉ hưu. Hơn nữa, người lao động nói rằng bản thân doanh nghiệp cũng không muốn sử dụng lao động lớn tuổi.

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh

Tuy nhiên, phần lớn công nhân chấp nhận làm thêm giờ, bởi tiền lương của người lao động không đủ sống, buộc họ phải làm thêm giờ để đảm bảo thu nhập.

“Có nữ công nhân may nói với tôi rằng trong giấc mơ mới thấy được giày dép, quần áo vì cứ làm quần quật 12h một ngày như vậy. Hệ lụy rõ nhất của việc tăng ca liên tục chính là vắt kiệt sức lao động. Họ không có thời gian cho gia đình, con cái gửi về cho ông bà nội ngoại nuôi, không có thời gian giao lưu giải trí. Tương lai của công nhân lao động và tương lai của con cháu họ sẽ như thế nào?”, đại biểu Bích Hạnh nêu.

Do đó, vị đại biểu này bày tỏ, trong trường hợp vẫn tăng giờ làm thêm, cần giảm thời gian làm việc bình thường xuống 44 giờ/ tuần, tăng số ngày nghỉ lễ, tết thêm 2 – 3 ngày để có thời gian tái tạo sức lao động. Ngoài ra, tăng làm thêm thì phải tăng tiền lương làm thêm cho người lao động. Hoặc tăng lương lũy tiến: 2 tiếng đầu tăng một mức thì tiếng thứ 3, 4 phải tăng lên so với mức tăng ban đầu đó để tăng thu nhập cho người lao động.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, đề xuất giảm giờ làm việc bình thường sẽ vừa khuyến khích doanh nghiệp tăng năng suất lao động, vừa bảo đảm lợi ích cho người lao động.

“Trong xu thế phát triển như hiện nay, giảm giờ làm bắt buộc là một đề xuất khá phù hợp. Khi giảm thời gian làm việc bắt buộc thì nên mở rộng làm việc thêm giờ, tạo sự lựa chọn cho các ngành, lĩnh vực để bảo đảm thời gian làm việc nhiều hơn”, ông Cường nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường “Nếu giới hạn tăng giờ làm từng tháng sẽ bảo đảm tính chất điều độ nhân lực nhưng sẽ khó khăn cho một số ngành, lĩnh vực đang sử dụng lao động thủ công như có tính mùa vụ như chế biến nông sản, may mặc… Khi đến mùa vụ, nếu không tăng số lượng người lao động thì đó là lúc không đủ lao động hoàn thành công việc.

Do vậy, đề xuất của một số doanh nghiệp không nên giới hạn theo tháng là đề xuất hợp lý. Nhưng nếu giữ giới hạn tăng giờ làm thêm theo tuần thì phải bảo đảm số giờ lao động hợp lý theo đồng hồ sinh học của chúng ta”.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng rất đồng tình với việc giảm giờ làm. Giảm giờ làm thì phải đi kèm theo xem xét tăng thu nhập cho người lao động, không được cắt các chế độ.

“Phải tính thu nhập vào lương phải hợp lý, đầy đủ hơn để họ chính danh hưởng thành quả bỏ ra. Ngoài ra, trước khi đưa ra các chính sách cụ thể, cần phải lắng nghe người lao động”, đại biểu Quyết Tâm nói.

TIN LIÊN QUAN

NLĐ xin làm thêm giờ: “Trẻ thì bỏ sức ra kiếm tiền, già lại bỏ tiền mua sức khỏe”

Quốc hội khai mạc: Chốt phương án tăng tuổi hưu, miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Những dự án Luật nào sẽ được thông qua?

N. Huyền