![]() |
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: “30 năm qua Việt nam tăng trưởng 6%, 10 năm tới chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng trên dưới 7%” |
Phát biểu tại diễn đàn Kinh tế năm 2019, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định nếu TP trở thành Trung tâm tài chính thì đất nước sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
“30 năm qua Việt nam tăng trưởng 6%, 10 năm tới chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng trên dưới 7%. Nếu làm được chúng tôi sẽ có 40 năm tăng trưởng liên tục, đây là điều kiện rất quan trọng” – Bí thư Nhân cho hay.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng nêu ra một yếu tố khác mà “ít người để ý”, đó là những năm qua Việt Nam luôn giữ được tỷ suất sinh 2,06 – điều mà ông cho rằng “thế giới chưa nước nào làm được”. Theo ông đây là điều kiện quan trọng để một đất nước có cơ cấu dân số bền vững.
“Việt Nam là quốc gia hiếm hoi Trung ương Đảng có nghị quyết về phát triển dân số bền vững” – ông Nhân nói, và ngay sau đó “gửi lời cảm ơn chị em” – câu nói dí dỏm của ông khiến cả hội trường tán dương.
Ngoài các lợi thế về vị trí địa lý, chính sách hỗ trợ, quyết tâm của lãnh đạo, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định thu hút được chuyên gia từ các trung tâm tài chính khác, TP còn phải là nơi có điều kiện sống “không thua nơi khác”.
Ngay sau đó ông thông tin cuộc thi thiết kế quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía Đông đã có kết quả. Theo thiết kế đạt giải nhất thì Thủ Thiêm sẽ là khu đô thị hiện đại nhất, là trung tâm tài chính của TP trong tương lai.
Trong khi đó khu Rạch Chiếc sẽ là nơi nghỉ dưỡng và các hoạt động thể thao, khu Đại học Quốc gia sẽ cung cấp nguồn nhân lực, khu Công nghệ cao sẽ sản suất tự động hóa.
“Việt Nam đã phát triển, sẽ nỗ lực hơn nữa và sẽ còn phát triển” – Bí thư Nhân khẳng định.
![]() |
Diễn giả trình bày tham luận tại diễn đàn |
Trước đó Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc TP quyết tâm xây dựng Trung tâm tài chính đã “thể hiện khát vọng, tư duy và tầm nhìn”.
“Với lợi thế địa lý và tiềm lực sẵn có, chúng ta có thể tự tin nói rằng Việt Nam và TP.HCM đang đứng trước cơ hội có một không hai để trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và hướng ra thế giới, là động lực tăng trưởng góp phần nâng tầm quốc gia” – Bộ trưởng Dũng cho hay.
Để đạt được mục tiêu này, ông nhận định Chính phủ và các bộ ngành cần tham gia thì mới có thể có cơ chế “vượt tầm” cho trung tâm.
“Còn ý kiến hoài nghi, nhưng nếu xét tổng thể thì chúng ta tự tin rằng sẽ làm được, và cần làm ngay bởi nếu hoãn một chút thôi là có thể bỏ lỡ cơ hội này” – Bộ trưởng Dũng nhận định.