Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Nhà giáo giảng dạy trình độ đại học phải có văn bằng từ đại học lên thạc sĩ.
Để bảo đảm tính khả thi, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục, bảo đảm chất lượng đào tạo và yêu cầu nghề nghiệp, Luật Giáo dục đề nghị Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (Điều 72).
Cùng với đó, đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới cũng đặt mục tiêu giải thể các trường trung cấp sư phạm và không tổ chức đào tạo GV ở các trường trung cấp chuyên nghiệp khác trong giai đoạn 2021 – 2025. Các trường CĐ đa ngành có chương trình đào tạo GV cũng phải xây dựng lộ trình chấm dứt đào tạo GV trước năm 2025.
Trong năm 2019 – 2020, các trường trung cấp và cao đẳng có đào tạo ngành sư phạm (chủ yếu là sư phạm mầm non) vẫn được Bộ cấp chỉ tiêu nên vẫn tuyển sinh bình thường.
Tuy nhiên, trước quy định mới này, lãnh đạo các trường rất băn khoăn và trăn trở vì đối với GV mầm non, bậc cao đẳng có thể sẽ không thu hút được người học bằng bậc trung cấp… Một thực tế là hiện nay hiều trường cao đẳng lại tuyển không đủ chỉ tiêu và tuyển tuyển bổ sung nhưng cũng chưa chắc đã đủ.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Hướng Dương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Việc xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo để nâng cao chất lượng giáo viên là điều cần thiết nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo như quy định của Bộ GDĐT thì các trường mầm non cũng hướng đến việc không nhận giáo viên nếu chỉ có trình độ trung cấp. Nhưng điều mà tôi trăn trở nhất là vấn đề làm sao để nâng cao trình độ giáo viên một cách thực sự chứ không phải chỉ là vấn đề bằng trung cấp hay bằng cao đẳng.
Một thực tế dễ nhận thấy là từ trước đến giờ ngành giáo dục đã tổ chức khá nhiều khóa bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên từ các hệ đào tạo thấp hơn lên trung cấp, từ trung cấp lên cao đẳng và hơn thế nữa như các hệ 7+3, 9+3, 12+1… bồi dưỡng lên hệ cao đẳng, đại học.
Tôi được biết mỗi một lần tổ chức bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên, địa phương phải bố trí lớp học, mời giảng viên trường đại học về giảng dạy. Vấn đề là có những giáo viên đã biên chế bao năm vẫn phải đi học và việc học cũng chỉ “qua loa” để lấy cái bằng.
Có lẽ chúng ta nên nhìn rộng hơn là giáo viên ở trình độ trung cấp, tất nhiên đầu vào “rất thấp” vậy, sau khi nâng chuẩn thìtrình độ thì cũng không hơn được là bao. Vậy tôi đề xuất trước tiên hãy xóa sổ việc đào tạo trung cấp, nâng cao hơn nữa đầu vào sư phạm với các trường trọng điểm. Chỉ có như thế trình độ của các thầy cô mới nâng cao được”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Đặng Thị Phương Thảo (thuộc Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Nam Định) cho hay: “Chính sách nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non là cần thiết nhưng phải có lộ trình.
Tại thời điểm năm 2020, dự kiến khi Luật này có hiệu lực thì con số giáo viên chưa đạt chuẩn lên tới hàng chục nghìn người so với nhu cầu sử dụng. Theo định mức quy định số giáo viên mầm non còn thiếu tính đến cuối năm 2018 là hơn 43.000 người, chiếm đến gần 60% trong số giáo viên cả nước còn thiếu sau khi đã được giao biên chế để tuyển dụng.
Như vậy, nguồn lực từ đâu, đội ngũ giảng viên sư phạm, trường, cơ sở vật chất có đáp ứng được không? Ai dạy thay cho người đi học, nhất là trong xu thế dạy hai buổi hiện nay, để đào tạo cho hàng vạn giáo viên từ mầm non, trung học cơ sở đạt trình độ chuẩn như trên.
Nếu quy định không cho phép tuyển mới giáo viên mầm non ở trình độ trung cấp sư phạm sẽ gây khó khăn cho các địa phương còn đang thiếu giáo viên một cách cục bộ, vì khi đang thiếu thì có được giáo viên mầm non ở trình độ trung cấp cũng là đáng quý chứ đừng đòi hỏi đến trình độ cao hơn là cao đẳng sư phạm”.