Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM: Di sản kiến trúc tạo động lực phát triển du lịch

0
1417

Sáng 10/6, hội thảo “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” tổ chức tại TP.HCM nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, kiến trúc sư, đại diện cơ quan quản lý để cùng bảo tồn các di sản kiến trúc.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, TP.HCM thừa hưởng nhiều giá trị kiến trúc theo thời gian.

Những di sản kiến trúc còn giữ lại được khá nhiều, tạo điều kiện cho thành phố phát triển một cách tiếp nối, hài hòa giữa các giá trị kiến trúc của quá khứ và kiến trúc hiện đại. Di sản kiến trúc cũng là một yếu tố thu hút khách du lịch, cứ 2 khách đến Việt Nam thì có 1 người đến TP.HCM.

Về di sản văn hóa phi vật thể, TP.HCM hiện có nhiều điểm tham quan nổi tiếng như di tích lịch sử địa đạo Bến Dược (huyện Củ Chi), di tích lịch sử Rừng Sác (huyện Cần Giờ), Hội trường Thống Nhất, Bưu điện Thành phố hay Trụ sở UBND Thành phố (quận 1).

Các chuyên gia đóng góp ý kiến bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc tại hội thảo.

Năm 2017, Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp cùng Đại học Quốc gia và Đại học Huế khảo sát, kết quả cho thấy trên địa bàn Thành phố hiện có 258 tài nguyên du lịch, trong đó chỉ có 111 tài nguyên có tiềm năng. Về di tích, TP.HCM có 172 di tích và 23% trong số này có tiềm năng phát triển thành điểm đến tham quan du lịch.

Theo Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, một số di sản tại Thành phố có sử liệu thu hút nhưng còn nhiều mặt hạn chế như thông tin cho du khách chưa tạo được chiều sâu, trở ngại về giao thông, không tạo được sự thân thiện cho du khách…

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM cho biết, cùng với tốc độ phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng, nhiều công trình hiện đại đã và đang xây dựng ở khu vực trung tâm như quận 1, quận 3, quận 5…

Song song giữa phát triển và bảo tồn còn tồn tại không ít những mâu thuẫn đòi hỏi các nhà quản lý đô thị di sản cần có tầm nhìn và có những hoạch định mang tính khoa học, chiến lược để việc phát triển đô thị không trở nên mâu thuẫn, hài hòa giữa hiện đại và quá khứ.

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng thành phố luôn quan tâm trao đổi ý kiến với cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc lập quy hoạch, cấp phép xây dựng các công trình tiếp giáp, liền kề khu vực bảo vệ di tích. Điều này đã góp phần hoàn thiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát di tích; hạn chế, ngăn chặn và khắc phục tình trạng di tích bị xâm hại, lấn chiếm, xuống cấp.

Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM ghi nhận, những năm gần đây, TP.HCM đã có rất nhiều cố gắng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa. Tuy nhiên từ thực tế cho thấy công tác bảo tồn di sản văn hóa gặp nhiều khó khăn hoặc di sản văn hóa không được bảo tồn một cách hợp lý, nhất là các công trình địa điểm gắn với kiến trúc đô thị, khảo cổ học…

“Nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa đang diễn ra tại TP.HCM rất nhanh, áp lực về kinh tế và sự thay đổi về mật độ dân cư. Các công trình kiến trúc cũ bị phá bỏ nhường chỗ cho các công trình cao ốc mới, không gian di sản đô thị bị phá vỡ, các địa điểm khảo cổ chưa được nghiên cứu sâu”, ông Quân nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUAN

Trưng bày hàng loạt tài liệu lưu trữ về kiến trúc Pháp tại Hà Nội

Vụ tòa nhà 70 Bạch Đằng: “Đừng làm Đà Nẵng trở thành đô thị không còn ký ức!”

Bảo tồn cầu Long Biên: Chuyên gia đầu ngành cũng “đá” nhau!

Phương Anh Linh