Sẽ chỉ còn 1 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện?

0
206

Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 3 điều, tập trung vào các nhóm vấn đề: Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đã được ghi rõ trong Nghị quyết và sửa đổi các nội dung vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong quá trình xây dựng dự án Luật còn có ý kiến khác nhau về giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng phó trưởng ban của HĐND cấp tỉnh trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Về giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, nhóm ý kiến thứ nhất kiến nghị giảm số lượng 2 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay xuống còn 1 phó chủ tịch ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về cơ cấu tổ chức HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi cả nước.

Nhóm ý kiến thứ hai kiến nghị giữ nguyên số lượng 2 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện như Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, nhằm đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong điều kiện hiện nay. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu quan điểm, Chính phủ thống nhất với nhóm ý kiến thứ nhất.

Về giảm số lượng phó trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, Chính phủ thống nhất với nhóm ý kiến quy định giảm số lượng phó trưởng ban của HĐND cấp tỉnh từ không quá 2 người hiện nay xuống còn một người nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo định hướng tại các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

Tại báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm tán thành, đề nghị của Chính phủ trong lần sửa đổi này tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước.

Đối với những nội dung khác được đề cập trong Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội thì có thể được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các văn bản, chương trình, đề án khác và triển khai thực hiện trong quá trình đổi mới hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương.

Luật Chính quyền địa phương, nhiều ý kiến tán thành còn tối đa 1 phó chủ tịch HĐND ở tất cả các cấp

Về việc giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 2 phó chủ tịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND. Quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương so với trước đó, vì thực chất một biên chế được nâng từ chức danh “Ủy viên Thường trực” của HĐND lên phó chủ tịch.

Việc giữ nguyên số lượng phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh là nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn các ban của HĐND cấp tỉnh. Đây là những vấn đề đã được báo cáo và được sự đồng ý của Bộ Chính trị (khóa XI) trước khi Quốc hội biểu quyết đưa vào luật hiện hành.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tác động thật kỹ vì đổi mới phải đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công việc chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế. Việc đánh giá tác động cần làm rõ nếu giảm số lượng các chức danh này thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu biên chế và số lượng cán bộ dôi dư này sẽ sắp xếp, bố trí thế nào cho phù hợp; đồng thời, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tăng lên hay giảm đi?

Do trong hồ sơ Chính phủ trình chưa có đánh giá tác động kỹ nên ý kiến thảo luận trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội còn khác nhau.

TIN LIÊN QUAN

Trao quyền cho Chủ tịch tỉnh, TP được xóa nợ thuế dưới 5 tỷ đồng?

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi trình Quốc hội sáng nay có gì đáng chú ý?

N. Huyền