Bộ Công an giải đáp: Mở cửa xe ô tô gây tai nạn bị xử lý như thế nào?

0
1095
Bộ Công an giải đáp: Mở cửa xe ô tô gây tai nạn bị xử lý như thế nào? - 1

Mở cửa xe ô tô bất cẩn có thể gây tai nạn khôn lường (Ảnh minh hoạ)

Một người dân gửi thắc mắc tới Bộ Công an: “Em tôi đang điều khiển xe máy tham gia giao thông trên đường thì bất ngờ một chiếc ô tô 4 chỗ mở cửa khiến em tôi đâm vào cánh cửa ô tô đó và bị thương nặng. Bộ Công an cho tôi hỏi, người mở cửa ô tô đó có vi phạm pháp luật không và mức xử phạt như thế nào?”.

Trả lời người dân, Bộ Công an cho biết, điểm đ Khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ quy định: Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.

Điểm g Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2016 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định người điều khiển xe mở cửa xe không đảm bảo an toàn bị phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng.

Nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.

“Nếu hành vi gây tai nạn giao thông mà hậu quả làm thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng và tài sản theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc giải quyết, bồi thường thiệt hại do vụ tai nạn gây ra được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015”- Bộ Công an cho hay.

Tăng cường bảo vệ tại các ngân hàng

Mới đây cử tri tỉnh Trà Vinh đề nghị Bộ Công an cần trang bị cho lực lượng bảo vệ và bố trí lực lượng an ninh tại các ngân hàng để bảo vệ tài sản của người dân.

Trả lời việc này, Bộ Công an cho biết, theo Nghị định số 37/2009 của Chính phủ quy định về các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan thì lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bộ Công an giải đáp: Mở cửa xe ô tô gây tai nạn bị xử lý như thế nào? - 2

Một vụ cướp ngân hàng xảy ra trong thời gian qua (Ảnh minh hoạ)

Các ngân hàng khác có trách nhiệm bố trí lực lượng bảo vệ chuyên trách tại trụ sở theo quy định tại Nghị định số 06/2013 của Chính phủ quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp hoặc thuê nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp thuộc các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ đã được cấp phép kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 96/2016.

Về trang bị cho lực lượng bảo vệ chuyên trách và nhân viên bảo vệ thuê của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được thực hiện theo Thông tư số 17/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

Theo đó, khi nhận được đề nghị của các ngân hàng, căn cứ tính chất, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, cơ quan Công an sẽ xem xét trang bị các loại công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ. Tuy nhiên, trước khi được trang bị và sử dụng các loại công cụ hỗ trợ, lực lượng bảo vệ phải được cơ quan có thẩm quyền đào tạo, huấn luyện, cấp chứng chỉ, chứng nhận nghiệp vụ bảo vệ và sử dụng công cụ hỗ trợ.

“Như vậy, các quy định về bố trí lực lượng bảo vệ và trang bị công cụ hỗ trợ phục vụ công tác bảo vệ tại các ngân hàng đã có đầy đủ. Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường đấu tranh, trấn áp tội phạm; phối hợp, hướng dẫn ngành ngân hàng tăng cường công tác bảo vệ tại các trụ sở, chi nhánh, phòng giao dịch, góp phần chủ động bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân”- Bộ này cho hay.

Thế Kha

Tag :Bộ Công an , mở cửa ô tô không an toàn , mở cửa ô tô gây tai nạn