Tiến hóa 101 – Phần 2: Một chân dung chân thực hơn về Chọn lọc Tự nhiên

0
3497

§

Chủ đề

Kinh điển


Tác giả: EvoLit | Hiệu đính: Nguyên

20/03/2018

Đây là phần 2 của loạt bài viết này. Các bạn có thể đọc phần 1 tại đây.

Thông qua bài viết tiến hóa kì trước, chúng ta đã biết nhà khoa học Charles Darwin đã nhận ra sự sống không là bất biến mà đã, đang, và sẽ luôn thay đổi, và cơ chế chính của quá trình ấy là chọn lọc tự nhiên. Mặc dù đây là một khái niệm khá đơn giản, nhưng cũng rất dễ ngộ nhận, nên bài viết này hi vọng sẽ làm rõ một số hiểu lầm thường gặp về chọn lọc tự nhiên nói riêng và về tiến hóa nói chung.

Đầu tiên, ta có ba thực tế quan sát được về sinh sản như sau:

  1. Các cá thể trong quần thể mang những phiên bản (alen) khác nhau của mỗi gen.
  2. Sinh sản tạo ra những bản sao giống bố mẹ, đi kèm những khác biệt, gọi là đột biến.
  3. Đột biến là ngẫu nhiên và chỉ xảy ra với tỷ lệ nhỏ nên ít làm thay đổi sự phân bố các phiên bản.

Từ đây ta thấy: Nếu không có gì xảy ra, cá thể nào cũng sinh sản đồng đều thì thì số lần xuất hiện (tần suất) của các phiên bản gen trong quần thể sẽ khó thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nhưng thuyết tiến hóa nói rằng vì luôn có những yếu tố như các cá thể gia nhập hoặc rời khỏi một quần thể (di nhập gen), sinh vật lựa chọn bạn tình (giao phối không ngẫu nhiên), may rủi như thiên tai (biến động di truyền), nên ngay cả khi các phiên bản này có giá trị y chang nhau về khả năng thích nghi, quần thể chắc chắn sẽ thay đổi. Nhưng còn một sự thật sinh học không thể chối cãi nữa:

  1. Các phiên bản sẽ dẫn đến việc sinh sản ít nhiều thuận lợi hay bất lợi hơn, trong một môi trường nhất định.

Và bằng lý lẽ cơ bản nhất, ta thấy rằng chủ của các phiên bản “tốt” sẽ để lại nhiều bản sao của nó hơn; các phiên bản ấy sẽ ngày càng nhiều đến khi (các) điều kiện thuận lợi này thay đổi, và ngược lại. Vậy thì sự sống không những phải thay đổi, mà còn có thể thay đổi có hướng. Darwin từ đầu đã không gọi học thuyết của mình là “tiến hóa” (evolution). Trong khi ông chỉ gọi quá trình sinh vật thay đổi thông qua phân hóa sinh sản bằng cái tên trung tính là “di truyền có biến dị” (descent with modification) (Nguồn Gốc Các Loài, Charles Darwin, 1859), thì chữ “evolve” hay “tiến” lại ngầm gợi ý một khuynh hướng tiền định là đi đến cái “cao cấp” hơn. Tuy nhiên, cái tên cha đẻ đặt nhiều khi lại không phải là cái tên “để đời,” giống như cái tên “giả thuyết nguyên tử nguyên thủy” mà Linh mục Georges Lemaître đã “cúng cơm” ban đầu cho thuyết Big Bang vậy. Kết quả là, giờ đây khi nói đến tiến hóa, ngay cả nhiều người có kiến thức tốt về khoa học nói chung cũng lầm tưởng rằng tiến hóa sẽ luôn dẫn đến những sinh vật to hơn, phức tạp hơn, nhiều tế bào hơn, sinh sản nhanh hơn… tóm lại là cái gì cũng càng nhiều càng tốt và nhất là càng ngày càng tiến gần hơn đến con người. Nhưng trên thực tế, chọn lọc tự nhiên có thể đưa quần thể đi về nhiều hướng không phải tiến, thậm chí đôi khi giậm chân tại chỗ lại là tối ưu! Chúng ta hãy thử xem xét các đồ thị về các cách chọn lọc sau.

Chọn lọc định hướng. Nguồn ảnh: Wikimedia (ảnh đã qua chỉnh sửa).

Chọn lọc định hướng: Đây là một đồ thị về phân bố các kiểu hình của bướm ở vùng ô nhiễm không khí, Trục hoành là các kiểu hình còn trục tung là số lượng cá thể. Cây bạch dương bình thường màu trắng có những mảng đen, bướm có màu trắng muối tiêu rất dễ hòa lẫn vào môi trường nên chúng chiếm số lượng lớn nhất, nằm ở chỗ cao nhất của đường cong ban đầu (hình chuông màu xanh trên đồ thị). Khi muội khói do ô nhiễm không khí ám vào thân cây, kiểu hình bướm đen vốn là thiểu số (nằm ở rìa của đồ thị hình chuông màu xanh) trở nên khó thấy hơn, có cơ hội sống sót cao hơn và truyền lại nhiều con cháu hơn. Với xu hướng này, quần thể bướm chuyển sang màu đen với số lượng tăng dần (hình chuông màu đỏ, kiểu hình muối tiêu nay đã bị ra rìa). Đây chính là kiểu chọn lọc tự nhiên mà mọi người thường nghĩ đến khi nói tới từ này.

Một ví dụ khác về kiểu chọn lọc này: cá hang Mexico. Quần thể cá gốc có mắt phát triển bình thường nhưng khi chuyển sang sống ở các hang tối, xúc giác, khứu giác đã được ưu tiên hơn thị giác, nên khi những đột biến tăng cường sự phát triển các giác quan trên xuất hiện chúng đã phát tán rộng rãi, mặc dù chúng dẫn tới khiếm khuyết mù mắt do thay đổi cấu trúc, tỉ lệ sọ. Từ đó, kiểu hình tiêu giảm mắt ở các nhóm cá hang động đã chiếm lĩnh quần thể không phải một mà ít nhất 30 lần.

Chọn lọc phân hóa. Nguồn ảnh: Wikimedia (ảnh đã qua chỉnh sửa).

Chọn lọc phân hóa: Thỏ ở vùng núi Himalaya. Thỏ nơi đây có các kiểu hình xám đen, trắng và trắng đốm đen. Thống kê ban đầu thỏ trắng nằm giữa đồ thị hình chuông, tức số lượng của chúng là nhiều nhất trong số ba dạng. Khi môi trường thay đổi từ tuyết phủ dày đặc sang tan băng và có các mảng trắng – đen loang lỗ, thỏ xám đen và thỏ đốm đều hòa vào ngoại cảnh tốt hơn thỏ trắng, nên chọn lọc dần loại bỏ kiểu hình trắng. Vậy, không phải luôn chỉ có một dạng “nhà vô địch” duy nhất, mà có khi chọn lọc tự nhiên sẽ ưu ái cùng lúc hai thái cực đối lập.

Tương tự, không phải chỉ có đẹp trai, đô con mới có thể chiến thắng trong tình trường. Cá hồi Chinook ngoài dạng con đực lớn hiếu chiến chuyên dùng răng, phần gù lưng hay cái “mũi” khoằm để “đấm bốc” tay đôi với đối thủ thì còn có dạng con đực “Jack” chỉ to bằng một nửa, lại chẳng có bất kỳ vũ khí nào ở trên, chuyên lẻn đến gần tình tự với các con cái. Những con đực vừa vừa chẳng thể làm được cả hai chiến thuật trên thì sẽ không thể để lại nhiều cá con và do đó bị loại.

Chọn lọc ổn định. Nguồn ảnh: Wikimedia (ảnh đã qua chỉnh sửa).

Chọn lọc ổn định: Số trứng trong tổ chim. Chim có thể đẻ nhiều hay ít trứng. Nếu đẻ ít, có thể sẽ không đủ số lượng chim non để chiến thắng xác suất chết rất cao do thời tiết, thiếu thức ăn hay kẻ săn mồi. Nếu đẻ nhiều, mỗi chim non sẽ nhận được ít dinh dưỡng hơn và cơ hội sống cũng thấp hơn. Do đó, trái với cách hiểu “tiến” về chọn lọc tự nhiên là sinh vật phải ngày càng sinh sản nhiều hơn, chọn lọc ưu ái những con chim đẻ số lượng trứng vừa đủ để nuôi tốt thay vì hai thái cực quá nhiều hay quá ít.

Chọn lọc tự nhiên không chỉ tinh chỉnh về số lượng mà còn về chất lượng nữa, lấy trường hợp cân nặng trẻ sơ sinh vào năm 1951. Đường tỉ lệ tử vong hạ dần theo khối lượng của trẻ nhưng lại ngóc lên đáng kể khi sang 8, 9 pound (khoảng 4 kg), nghĩa là trẻ quá nhẹ lẫn quá nặng đều dễ chết và do đó biểu đồ cân nặng sơ sinh ở người rất “mi-nhon”, co cụm ở mức 7 pound (khoảng 3 kg).

Chọn lọc tự nhiên đó ư? Vâng, một kết luận gần như không thể tránh khỏi, nhưng mãi tận gần 160 năm trước mới có người dám xuất bản ý tưởng này.

Đến lượt bạn: hãy dành ít thời gian suy nghĩ xem một tính trạng bất kỳ, ví dụ như độ dài đuôi lúc nào sẽ được chọn lọc định hướng/phân hóa/ổn định nhé. Câu trả lời (mẫu) nằm ở phần sau. Bây giờ ta hãy tập trung tìm hiểu một số hiểu lầm thường thấy về chọn lọc tự nhiên.

Ngộ nhận #1 về chọn lọc tự nhiên: Đấu sĩ cuối cùng

Ngày nay, cụm từ “chọn lọc tự nhiên” vẫn hay đi chung, nếu không muốn nói là đồng nghĩa trong ngôn ngữ thông thường với “đấu tranh sinh tồn” và hình ảnh một thế giới máu me, không khoan nhượng. Thế nhưng, có thật là như thế?

Nhiều người mường tượng chọn lọc tự nhiên như một đấu trường La Mã với kẻ mạnh nhất là kẻ cuối cùng còn đứng vững. Tuy nhiên, chúng ta không thể gây giống từ một con duy nhất, và đa số sinh vật đa bào không thể tự nhân bản, nên tiến hóa chưa bao giờ là trò chơi “đấu sĩ cuối cùng.” Nhà chọn giống ghép những con họ thấy biểu lộ rõ hơn một chút đặc tính mình mong muốn, dù chỉ là 5%. Trong quần thể bướm muối tiêu đối mặt với ô nhiễm không khí, không phải chỉ mình con đen nhất mới sống, mà là tất cả những con đủ đen để ngụy trang vào thân cây, không bị loài săn mồi nhìn thấy quá dễ. Vậy, slogan “kẻ thích nghi nhất sinh tồn” (Survival of the fittest, một cụm vốn không phải của Darwin mà là Helbert Spencer) đúng ra phải là “Tổ hợp những cá thể có các tổ hợp các phiên bản gen tạo ra đủ ưu thế sinh sản sinh tồn” (Survival of the fit enough, xin nhấn mạnh từ “tổ hợp” để nhắc nhở rằng một sinh vật có rất nhiều gen, không sinh vật nào có toàn bộ gen tốt hay xấu cũng như không có nhóm sinh sản nào có toàn gen tốt hay xấu). Các bạn thấy tại sao cụm chính xác hơn lại không đi nổi vào lòng người rồi đấy.

Bướm Biston với các sắc độ khác nhau, không phải con nào cũng trắng tươi hay đen thui. Hình 1-6 đều là loài Biston betularia. Nguồn ảnh: Delta-intkey.

Ngộ nhận #2 về chọn lọc tự nhiên: “Khôn sống bống chết, mạnh được yếu thua”

Nhắc tới “thích nghi,” rất nhiều người nghĩ là tính từ này đồng nghĩa với “mạnh.” Cách nhìn này không hề chính xác. Thích nghi luôn mang tính tương đối, tùy thuộc vào môi trường, nên sẽ có những lúc thích nghi chính là mạnh – một từ có ý nghĩa tuyệt đối về khả năng thể chất: nanh sắc hơn, thân to hơn, sức lực khỏe hơn… Nhưng hầu hết thì không.

Những môi trường khác nhau sẽ yêu cầu những tính trạng khác nhau. Bạn nghĩ con người là tuyệt đỉnh tiến hóa? Hãy thử sống trong suối nước nóng, miệng núi lửa, sông băng hay đáy đại dương. Mỗi loài, dù là con vi trùng hay giống ký sinh, đều là nhà vô địch – thích nghi nhất trong ngách sinh học riêng của nó. Đây là cơ sở để các nhà sinh học hiện đại khẳng định không có cái gọi là sinh vật “bậc cao,” “tiến hóa hơn,” hay “thượng đẳng.” Đây một nền tảng khoa học vững chắc chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bởi nếu một sinh vật có 37 ngàn tỉ tế bào không thể xếp mình cao hơn một con E.coli, thì thật nực cười khi nói có bất cứ điều gì bẩm sinh khiến hai con người phải có địa vị xã hội khác nhau.

Ngược lại, cùng một tính trạng nhưng trong các môi trường khác nhau lại cho tính thích nghi khác nhau. Với một đàn voi biển, khi các con đực cần đánh nhau giành hậu cung thì to béo là lợi thế, nhưng với một con khỉ cần chuyền cành thật nhanh thì đây lại là hạn chế.

Mối nguy hại của tư duy “mạnh = thích nghi” là nó khoanh vùng một nhóm lực sĩ lại rồi bảo là chúng luôn luôn ưu việt, trong khi tiến hóa nói rằng môi trường luôn biến đổi, ngày mai chưa biết mèo nào cắn mỉu nào, không có vùng để khoanh.

Cả những thứ chúng ta tưởng là có lợi mọi nơi mọi lúc như trí thông minh cũng chỉ là biểu hiện của các tính trạng quy định cấu hình não, cũng chịu áp lực của chọn lọc tự nhiên và, cũng như đã nói ở trên, không nhất thiết là càng nhiều càng tốt. Đó là do trong sinh học cũng như trong xã hội loài người, “không có bữa trưa miễn phí”: một chức năng phát triển luôn đồng nghĩa với (các) chức năng khác không được phát triển, do năng lượng, không gian, vật liệu đáng ra có thể dùng cho (các) mục đích A bị đưa đến B – đó chính là “trade-off” (được cái này, mất cái kia), một khái niệm sẽ được nhắc rất nhiều trong series này.

Để lấy ví dụ, ta thường thắc mắc tại sao các loài vượn lớn khác có hệ gen giống chúng ta 97,98% mà lại không tiến hóa thông minh như con người, nhưng nên hỏi ngược lại tại sao chúng phải thông minh như con người cơ chứ? Hãy tính “chi phí” nào: não của ta lớn gấp ba của chúng, dù chỉ nặng 2% trọng lượng cơ thể nhưng lại dùng hết 20% năng lượng, đây là một món phụ tùng “hao xăng” mà một chế độ ăn gần như chay của các anh em linh trưởng không nuôi nổi. Đười ươi suốt ngày chuyền cành để ăn quả, hái lá… nên dành năng lượng đó để phát triển một đôi tay dài và khỏe còn hơn (một con đực cao 1,5 mét có thể giang tay dài hơn 2 mét). Gorilla sống thành đàn với con đực lãnh đạo được quyết định bởi kích cỡ, nên điều trọng yếu là dồn hết dinh dưỡng từ việc ăn thân, rễ cây để nhanh chóng đạt trên 200 kg! Chỉ có tinh tinh thường xuyên đi săn là cần nhanh trí hơn, tuy nhiên thức ăn chính của chúng là trái cây thì không biết chạy nên cũng không đòi hỏi quá nhiều chất xám để bắt. Ngoài ra, để duy trì bộ não, loài người phải tiến hóa kéo theo nhiều tính trạng như đốt năng lượng nhanh hơn và tích mỡ nhiều hơn, hậu quả (cùng với các yếu tố khác) là giờ chúng ta đang gặp đại dịch béo phì. Rõ ràng, theo lối sống của các vượn lớn thì sự đánh đổi này là không đáng – và thực tế với trí thông minh thấp hơn chúng vẫn sống rất khỏe cho đến khi chúng ta đến xáo trộn môi trường tự nhiên của chúng. Tuy nhiên, có thể nào thời khắc khó khăn này chính là lúc chọn lọc tự nhiên sẽ ưu ái phát triển trí thông minh, nhất là trong việc lẩn tránh con người, ở các loài vượn lớn? Thời gian sẽ trả lời.

Charles Darwin. Nguồn ảnh: Wikimedia.

Giáo sư Leon C. Megginson, trong một bài phát biểu năm 1963 đã nói rằng theo Darwin, không phải những loài mạnh nhất mới tồn tại, cũng không phải những loài thông minh nhất, mà là những loài linh hoạt nhất trước những thay đổi.

Mối nguy hại của tư duy “mạnh = thích nghi” là nó khoanh vùng một nhóm lực sĩ lại rồi bảo là chúng luôn luôn ưu việt, trong khi tiến hóa nói rằng môi trường luôn biến đổi, ngày mai chưa biết mèo nào cắn mỉu nào, không có vùng để khoanh. Về sức mạnh thì tổ tiên của lớp Thú1, những sinh vật cổ đại to bằng con chuột chù, không thể nào chống lại lũ bò sát to lớn và uy lực của kỷ Jura. Nhưng chính khả năng sống dưới lòng đất, nấp trong hốc, kẹt và kiếm ăn bằng việc đào bới lục lọi những gì còn sót lại đã giúp chúng tồn tại sau cú va chạm thiên thạch 66 triệu năm trước (hay các thảm họa khác), còn khủng long thì không. Vậy nên, nhiều khi cái quyết định sinh tồn không phải là sự ưu việt trong cạnh tranh trực tiếp, mà là khả năng chịu đựng những thay đổi đột ngột trong môi trường sống.

Vị trí của tổ tiên giả định của mọi thú có nhau thai trên cây tiến hóa. Nguồn ảnh: Sciencemag.org (Ảnh đã qua chỉnh sửa).

Ngộ nhận #3 về chọn lọc tự nhiên: Tiến hóa là cạnh tranh, cạnh tranh là xáp lá cà

Từ “cạnh tranh” có thể mang sắc thái tích cực lẫn tiêu cực, song vì những ngộ nhận nêu trên, “cạnh tranh để tiến hóa” gần như luôn gợi lên những hình tượng thảm khốc. Thế nhưng, tuyệt đại đa số thời gian, cạnh tranh tiến hóa diễn ra rất bình lặng và nhàm chán, với sự tích tụ các đột biến không lợi không hại (trung tính), tăng lên, giảm đi, xuất hiện, biến mất của các phiên bản gen. Bởi vậy, ngay từ ấn bản thứ nhất của Nguồn Gốc Các Loài (1859), Darwin đã tuyên bố:

“Tôi nên đặt tiền đề là tôi sử dụng thuật ngữ Đấu tranh Sinh tồn theo nghĩa rộng và ẩn dụ […]” (Nguồn Gốc Các Loài, bản dịch của Trần Bá Tín, NXB Tri Thức, 2009).

Đấu tranh không phải lúc nào cũng có nghĩa là đánh đấm, cấu xé trực tiếp, mà còn “bao gồm cả sự phụ thuộc lẫn nhau.” Một loài cây sống nơi rìa sa mạc phải “đấu tranh” với sự khô hạn, nhưng nói đúng hơn là nó phụ thuộc vào độ ẩm.

Khi hai nhóm sinh vật cùng cần một nguồn tài nguyên, thì tình huống thường gặp nhất là khi nhóm này đến thì tài nguyên đã bị chiếm/dùng rồi và nhóm đối thủ đã bỏ đi. Nếu có chạm trán, thì dù chúng ta dễ bị ấn tượng bởi những ví dụ về việc “xáp lá cà” đầy kịch tính như chiến tranh giữa hai tộc tinh tinh hay một đàn kiến này kéo quân thôn tính một đàn kiến khác, đa số loài vẫn sẽ chọn giải pháp phi bạo lực. Hãy nghĩ về điều đó, những cá thể cứ “đụng là đập” sẽ bị thương tật nặng nề hoặc chết khá nhanh, thế nên sinh giới phát triển cả một “quy trình” né tránh và giải quyết mâu thuẫn: đánh dấu lãnh thổ → né tránh và đi nơi khác kiếm ăn → lườm nguýt, nhe nanh, múa xoay vòng, gầm gừ, la hét đe dọa (xem video sau) → “tẩu vi thượng sách,” kế yêu thích nhất của thế giới động vật trong 1 tỉ năm liền. Chỉ khi không còn lựa chọn thì con vật mới “thượng đài” – thế nên ta hay thấy động vật nuôi nhốt đánh nhau là vậy: không gian thì quá hẹp mà chúng không còn chạy được nữa.

Ngoài những ngộ nhận trên về bản thân chọn lọc tự nhiên thì còn có những ý nghĩ chưa đúng đắn, có thể coi là những suy diễn khinh suất, về ý nghĩa nhân văn, triết học của chọn lọc tự nhiên lên cuộc sống con người.

Suy diễn hấp tấp #1: Nếu mọi thứ đều là “ngẫu nhiên,” thì mọi thứ vô nghĩa

Một câu chúng ta thường thấy là thuyết tiến hóa/thuyết Big Bang làm cuộc sống mất đi ý nghĩa bởi mọi thứ đều là “ngẫu nhiên.” Nhưng thực ra, nếu chúng ta thử suy nghĩ, thì chọn lọc tự nhiên là thái cực đối lập của ngẫu nhiên. Hãy nghĩ về:

  • Một loài chim đang tiến dần địa bàn về vùng cực với các độ dày mỡ khác nhau (do các phiên bản gen quy định).
  • Một nhóm thú đang thử nghiệm khai thác cá ở các sông hồ với các dung tích phổi khác nhau.
  • Một tỉ bào tử nấm mốc được gió thổi bay lên một ổ bánh mì ăn kiêng làm bằng loại đường, bột mới; trong đó có một số bào tử có đột biến tạo enzyme bị “lỗi” khiến chúng phân giải kém đường, bột bình thường, nhưng lại có tác dụng phụ là làm cho mốc có thể “ăn” được đường, bột mới, dù rất chậm.
Các bào tử nấm. Nguồn ảnh: Wikimedia.

Hãy nghĩ đến những gì sẽ xảy ra. Nếu bạn nghĩ ra được những kiểu hình nào sẽ chiếm ưu thế, bạn vừa tư duy tiến hóa. Liệu sự khác biệt về kết quả các cá thể nhận được là ngẫu nhiên và vô nghĩa, hay rất hợp logic? Đến đây thì ta vấp phải câu hỏi: tôi có khả năng suy luận, còn Tự nhiên là yêu quái phương nào, có mắt, có óc không mà biết cái nào tốt, xấu để chọn lọc?

Đột biến thay đổi độ dài chân là ngẫu nhiên, còn chọn lọc tự nhiên tuy không có chủ ý nhưng không hề tùy tiện.

Thực ra, chọn lọc tự nhiên không phải là một vị giám khảo mặt sắt trôi lờ phờ trên đầu sinh vật, mà là một trò chơi về di truyền quần thể. Nó không “biết” là chân dài sẽ giúp con báo săn chạy nhanh, đơn giản là khi kiểu hình chân dài xuất hiện, ta có thể dùng toán học để giải thích tại sao chúng chạy nhanh hơn, dẫn tới săn được nhiều hơn, dẫn tới sinh sản tốt hơn, để lại nhiều báo con hơn, làm tăng độ dài chân trung bình của quần thể. Chọn lọc tự nhiên cũng không “biết” là chân dài quá thì dễ gãy, đơn giản là khi kiểu hình chân quá dài xuất hiện, ta có thể dùng vật lý để giải thích tại sao chúng mỏng manh hơn, dẫn tới săn được ít hơn, dẫn tới sinh sản kém hơn, để lại ít báo con hơn, kéo giảm độ dài chân trung bình của quần thể. Ta dễ thấy, chọn lọc tự nhiên có thể điều chỉnh chân báo săn về độ dài tối ưu mà chẳng cần là một thực thể hay nhận thức được gì hết. Đột biến thay đổi độ dài chân là ngẫu nhiên, còn chọn lọc tự nhiên tuy không có chủ ý nhưng không hề tùy tiện.

Vượt quá một chiều dài nào đó, chân báo trở nên yếu hơn và dễ gãy. Nguồn ảnh: evolution.berkeley.edu.

Bạn vẫn cảm thấy sự sống là vô nghĩa, bây giờ là tại vì nó xoay quanh sinh sản? Tôi coi nó là vô định nghĩa. Tiến hóa chỉ là một hiện thực sinh học, nói “học về thuyết tiến hóa có nghĩa là ta phải nhìn nhận cuộc sống không ý nghĩa gì khác ngoài sinh tồn, sinh sản” cũng như nói “học về trọng lực có nghĩa là suốt đời ta không được đi máy bay.” Thuyết tiến hóa nói sinh sản định hướng sinh giới, nhưng nó không bắt ép ai truyền giống. Một quyền lợi đặc biệt khi làm con người đó là ta có quyền cân nhắc lợi hại để đưa ra lựa chọn cho bản thân mình.

Suy diễn hấp tấp #2: Sinh sản là cứu cánh của con người?

Nếu nói như vậy, phải chăng về mặt khách quan thì với thuyết tiến hóa, cứ phải đẻ phèn phẹt mới là mục đích tối thượng? Thực ra, dù bạn có sống ngay thẳng đến cỡ nào, đối xử với người xung quanh tốt đến cỡ nào, thì chỉ trong non trăm năm khi bạn và những người xung quanh bạn chết đi, tất cả sẽ chìm vào quên lãng. Vậy, người dùng mọi thủ đoạn để sinh ra được nhiều con cháu nhất sẽ là thành công về tiến hóa, không cần nói nhiều, đúng không? Việc không truyền giống là lựa chọn ngu ngốc, bởi các gen của bạn sẽ không có mặt ở đời sau. Nhưng hãy xét đến điều này: Dù có sinh sản nhiều thế nào đi nữa thì cứ mỗi đời thì đóng góp gen của bạn lại giảm đi một nửa.

Dù có sinh sản nhiều thế nào đi nữa thì cứ mỗi đời thì đóng góp gen của bạn lại giảm đi một nửa. Nguồn ảnh: Angela Cone.

Hãy cùng phân tích biểu đồ cây ở trên. Hình vuông bự nhất nằm dưới cùng là một cá nhân bất kì: người đó tối đa có 2 người trực tiếp sinh ra mình (cha, mẹ), 4 ông/bà nội/ngoại, 8 người cụ, và tận… 64 cụ kỵ tổ tiên ở 6 đời trước. Có thể thấy, cũng chỉ hơn 100 năm, dù bạn có đẻ bao nhiêu đứa con đi chăng nữa, thì tới đời thứ 6 bộ gen của bạn cũng chỉ còn lại 1,5%. Bộ gen của Thành Cát Tư Hãn, kẻ chinh phạt tàn bạo gây nhiều tranh cãi trong lịch sử, được cho là một trong số những người có nhiều con cháu nhất từng được ghi nhận, đã phải trải qua gần 1000 năm như thế. Mỗi người cũng chỉ có hai chỗ để mang hai phiên bản của mỗi gen mà lại có quá nhiều tổ tiên (7 sắc cầu vồng), nên dù ước tính có 16 triệu người đàn ông là hậu duệ trực tiếp của Thành Cát Tư Hãn, họ chưa chắc đã có phiên bản gen nào của ông ta, ngoài nhiễm sắc thể Y mang rất ít gen lại rất dễ đột biến. Những phiên bản lẻ nói trên hoàn toàn không thể so sánh được với “kiểu gen” (genotype), tức toàn bộ ADN của một cá thể, danh tính tối thượng của sinh vật. Quả thật, “giảm phân và tái tổ hợp cũng hủy diệt kiểu gen triệt để như cái chết”. Ngoài ra, ngay cả nếu ta bằng cách nào đó lấy được kiểu gen của Thành Cát Tư Hãn và tạo ra một cá thể mang đầy đủ bộ gen đó, vì không thể lặp lại môi trường đã tạo nên siêu chiến binh, thiên tài thao lược ấy, hoàn toàn có khả năng con người mới này sẽ lại trở thành một người hiện đại lười biếng, dễ xúc động, và béo phì.

Miếng nhỏ xíu đó chính là NST Y, nguồn gốc của “bản lĩnh đàn ông.” Nguồn ảnh: Wikimedia.

Sự bất tử, hóa ra, lại không thể đạt được bằng sinh sản bởi đơn giản là loài người chúng ta là một sinh vật hữu tính. Nói như nhà sinh học Richard Dawkins, có hai cách để ta để lại thừa kế cho đời sau, một là cống hiến gen, hai là cống hiến văn hóa, tư tưởng. Nhưng, như đã phân tích, phần hùn di truyền của bạn sẽ không còn đáng kể rất, rất nhanh. Socrates, Khổng Tử, Trần Hưng Đạo gần như chắc chắn chẳng để lại phiên bản gen nào lành lặn trên đời, nhưng những đóng góp của họ thì ngàn năm còn mãi. Người bình thường như chúng ta chẳng thể tham vọng vậy, nhưng nếu những việc nhỏ ta làm mà giúp ta cảm thấy vui, lại giúp tạo ra một môi trường tốt đẹp hơn cho những người xung quanh, góp phần vào tương lai tươi sáng hơn cho loài của ta, thì “trăm năm trong cõi người ta” có viên mãn kém ai?

Giảm phân và tái tổ hợp cũng hủy diệt kiểu gen triệt để như cái chết.

Suy diễn hấp tấp #3: chọn lọc tự nhiên biện minh cho hành vi vô đạo đức.

Ta phải cẩn trọng trước tư duy “Nó là như thế, nên nó phải như thế”: Nếu chúng ta tiến hóa từ đấu tranh sinh tồn, thì nên tiếp tục đấu tranh sinh tồn – tất cả những chiến lược và thủ đoạn đều có thể dùng, miễn khiến bản thân sống sót. Đa số những người có quan điểm này mà tác giả biết không thực sự tin là như vậy, nhưng quan ngại rằng việc giảng dạy “đấu tranh sinh tồn” sẽ bình thường hóa, hay thậm chí cổ súy tư duy “mạnh được yếu thua,” làm suy đồi đạo đức. Như đã đề cập ở trên, tiến hóa không phải luôn luôn bao gồm đấu tranh, và đấu tranh không phải là khư khư theo nghĩa dùng ám khí, chơi bẩn v.v. Nhưng thậm chí nếu lịch sử tiến hóa của con người có đúng là xây dựng từ thủ đoạn và bạo lực, thì kiểu suy nghĩ này vẫn rất khinh suất. Nó không những quên mất rằng con người đã và đang tự vạch ra đường lối cho mình, mà còn lờ đi nhiều khác biệt quan trọng khiến việc bao biện hành động con người bằng hành vi động vật là bất hợp lý.

Hai con chó cắn nhau trời long đất lở giành miếng ăn đúng là cũng là cạnh tranh đấy. Nhưng con chó không ý thức được làm vậy là sai, nó không có một hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình, nó không có khả năng đầu tư vào giáo dục để tìm ra những cách phân bổ tài nguyên hợp lý hơn trong tương lai. Chó cắn nhau xong, hôm sau lại đùa giỡn, hay cạch mặt đến già, hay hằm hè nhau, tùy trường hợp. Nhưng chó không dạy con mình phải cắn con chó kia, hay con của con chó kia; thuộc tính sinh học của các động vật khác không cho phép chúng làm những điều độc địa như lên kế hoạch trước cả mấy chục năm hay dùng mưu hèn kế bẩn bức hại nhau. Đại đa số sinh vật trên Trái Đất còn không có não, nó thấy (hay cảm nhận) được thức ăn thì nó tới ăn, rồi sinh sôi, nó sinh sôi tốt hơn thì nó khiến lũ khác chết đói – đó đúng là hiện thực tàn khốc của thiên nhiên, nhưng có gì từ đó để biện hộ cho việc con người đối xử tàn nhẫn với nhau? Khi chúng ta dạy học sinh rằng cây nắp ấm dụ dỗ côn trùng là kết quả của tiến hóa, phải chăng đang nói với các em rằng gài bẫy người khác là hay? Không hề. Đó là con mồi và kẻ ăn thịt, chúng không phải đồng loại, mối quan hệ đó hoàn toàn không giống giữa người với người.

Kết:

Hãy cùng xem những ví dụ bạn nghĩ có giống những tình huống mà độ dài đuôi được chọn lọc không nhé. Dù đúng hay sai, tư duy tiến hóa vẫn là một bài tập suy nghĩ thú vị đúng không?

Các hướng chọn lọc tự nhiên. Nguồn ảnh: Socratic.org.

Chọn lọc tự nhiên, cụm từ chúng ta thích bông đùa mỗi khi nghe nói có ai đã vì “chơi ngu” mà mất mạng, mang vẻ đẹp tinh tế của sự đơn giản. Chỉ bằng nguyên lý “phân hóa sinh sản,” tức cho phép những cá thể thích nghi hơn sinh sản nhiều hơn, dù là theo một hướng nhất định, tưởng thưởng các dạng cực đoan, hay đơn thuần giữ lại đặc điểm trung bình, trò chơi di truyền quần thể vô tri vô giác mang tên chọn lọc tự nhiên đã và đang định hình sự sống như thấy ngày nay. Chọn lọc tự nhiên, cũng như các thế lực thiên nhiên khác, thường xuyên “khắc nghiệt” dẫu đôi khi “hào phóng.” Sẽ rất sai lầm nếu ta khư khư áp đặt những giá trị và quan điểm con người lên chọn lọc tự nhiên, để rồi rút ra những kết luận hấp tấp về ý nghĩa của nó lên bước đường tương lai của loài chúng ta. Để có được một cái nhìn toàn cảnh và đủ thông tin hơn, mời các bạn đón đọc Phần 3 về di tích hóa thạch, “bảng thành tích” 3,8 tỉ năm gần đây của chọn lọc tự nhiên.


  1. Các họa sĩ và nhà khoa học đã dày công nghiên cứu và chỉnh sửa mất 5 năm dựa trên các bộ dữ liệu khổng lồ để tạo ra hình ảnh tái hiện tổ tiên giả định của mọi thú có nhau thai, đăng trên tạp chí Science. Các bạn có thể xem hình ảnh đầy đủ tại đây.↩