Kinh tế thế giới ảnh hưởng gì nếu chiến tranh Mỹ-Triều nổ ra?

0
3396

Thị trường toàn cầu rúng động sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/8 cảnh báo Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “hỏa lực và sự phẫn nộ” mà thế giới chưa từng thấy.

Những lời đe dọa lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên đang thổi bùng lên nguy cơ của một cuộc chiến tranh. Nếu nổ ra, thiệt hại lớn nhất sẽ là về con người. Nhưng nó chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Bloomberg vừa đăng tải một phân tích của hãng nghiên cứu Capital Economics về tác động của một cuộc chiến tiềm tàng giữa Mỹ và Triều Tiên đến nền kinh tế thế giới, trong đó cho thấy hoạt động cung ứng và sản xuất tất cả mọi thứ, từ điện thoại, xe hơi đến tivi đều sẽ bị tổn thất lớn, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế và đẩy giá cả lên cao.

Hàn Quốc là nước bị liên lụy đầu tiên, vì đây là láng giềng của Triều Tiên, lại là đồng minh của Mỹ. Quốc gia này đang chiếm một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng các thiết bị điện tử và công nghiệp toàn cầu.

Phân tích cho thấy Hàn Quốc là nhà sản xuất màn hình tinh thể lỏng lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% thị phần loại màn hình sử dụng cho tivi và các thiết bị điện tử này.

Hàn Quốc cũng là nước sản xuất lớn thứ hai thế giới về chất bán dẫn, được sử dụng trong các điện thoại thông minh. Quốc gia này hiện chiếm 17% thị phần chip điện tử toàn cầu.

Ngoài ra, đây còn là một trong những nước sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, và cũng là đất nước của 3 công ty đóng tàu lớn nhất thế giới.

“Nếu một cuộc chiến tranh gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất của Hàn Quốc, khắp thế giới sẽ phải chịu cảnh thiếu hụt hàng hóa”, báo cáo của Capital Economics viết. “Sự gián đoạn đó có thể kéo dài một thời gian – (vì) phải mất khoảng 2 năm để xây một nhà máy sản xuất chất bán dẫn từ đầu”.

Rủi ro tiếp theo là Trung Quốc. Một cuộc xung đột nhiều khả năng sẽ gây cản trở cho các tuyến đường vận tải biển quan trọng dọc bờ biển phía đông của Trung Quốc, quốc gia có hoạt động thương mại lớn nhất thế giới.

“Sẽ quá rủi ro để các tàu chở container ra vào các cảng biển của Trung Quốc, nên kinh tế toàn cầu thậm chí sẽ còn bị cản trở lớn hơn”, theo Capital Economics.

Riêng với Mỹ, những tổn thất có thể sẽ rất nặng nề. Nợ chính phủ có thể phải nâng lên để lấy chi phí phục vụ cho cuộc chiến, chưa kể đến các chi phí dùng để tái thiết sau chiến tranh.

Capital Economics cho rằng nếu Mỹ phải chi số tiền để tái thiết bán đảo Triều Tiên nhiều như đã làm ở Iraq và Afghanistan, nợ công của Mỹ sẽ tăng tới 30% nữa.

Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh ít có khả năng nổ ra vào lúc này, và một số nhà phân tích cho rằng tâm lý sợ hãi trên thị trường là thái quá. Những đợt căng thẳng trước đây giữa Mỹ và Triều Tiên rốt cuộc cũng đã lắng xuống sau khi bị đẩy cao.

Dù chưa có hành động quân sự, căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên cũng đã trở thành tin xấu đối với tăng trưởng kinh tế của Châu Á. Theo Bloomberg Intelligence, bất ổn “treo trên đầu” Hàn Quốc đang khiến niềm tin của doanh nghiệp suy giảm, đe dọa gây phương hại cho hoạt động đầu tư và tuyển dụng lao động của các công ty.

Đối với Nhật Bản, đồng Yên tăng giá trong những thời kỳ chính trị bất ổn đe dọa làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp và cản trở kế hoạch kích thích lạm phát của ngân hàng trung ương nước này.

Minh Tuệ

Xem thêm:

  • Vũ khí bí mật của Triều Tiên trong chiến tranh mạng
  • Phái đoàn Triều Tiên tại LHQ cảnh báo về khả năng chiến tranh hạt nhân
  • Mỹ điều tàu chiến đến bán đảo, Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng chiến tranh